Loại quả đặc sản này ngày nay ví như "vàng đen" của núi rừng Tây Bắc, được nhiều người sành ăn săn lùng.
Thơm hơn hẳn hạt tiêu, lại thêm vị cay cay, nồng nồng đặc biệt, hạt dổi rừng ngày nay là một thứ gia vị đắt đỏ trong ẩm thực, được ví như "vàng đen" của vùng đất Tây Bắc. Nó được giới sành ăn, đầu bếp các nhà hàng, khách sạn săn lùng. Hiện nay, thứ hạt này còn được xuất khẩu sang cả thị trường châu Âu.
Dổi là loại cây thân gỗ lớn, mọc thẳng, có vân gỗ đẹp, mịn, bền, dẻo dai với mùi tinh dầu tỏa ra từ thân gỗ có khả năng chịu mối mọt. Vì thế, gỗ cây dổi được sử dụng làm nhà sàn, bàn, ghế và một số đồ nội thất. Từ xưa, bà con Tây Bắc đã vào rừng nhặt hàng dổi để làm muối chấm hoặc chế biến các món ăn đặc sản. Hạt dổi có màu đỏ tươi, sau khi lấy về phơi nắng thì chuyển sang màu đen bóng hoặc cánh gián. Ít ai ngờ, bây giờ thứ hạt rụng đầy rừng lại "gây sốt" trên thị trường với giá lên tới 3 triệu đồng/kg.
Theo tìm hiểu, hạt dổi có 2 loại, dổi tẻ và dổi nếp. Dổi tẻ thường có mùi hắc, hạt cứng, khi nướng hay giã ra dùng thì có vị đắng. Dổi nếp khi nướng nên có mùi thơm và dễ chịu, không bị đắng khi làm gia vị.
Dạo một vòng quanh chợ mạng, có rất nhiều địa chỉ giới thiệu bán hạt dổi rừng xịn với nhiều mức giá khác nhau. Chị Huyền Thương (ở Hòa Bình) cho biết hạt dổi thu hoạch từ những cây càng lâu năm thì càng xịn. Loại thượng hạng, đắt đỏ nhất là hạt của những cây dổi rừng cổ thụ, già trên 30 năm. Loại này giá có thể lên tới hơn 3 triệu đồng/kg, được những người sành ăn săn lùng. Hơn nữa, đây là hạt dổi chín đỏ trên cây, chỉ khi nào rụng mới đi nhặt về phơi khô, rất hiếm và hầu như như không thể mua được ngoài chợ.
"Loại này thỉnh thoảng tôi mới thu mua được của bà con, và bán cho khách quen hoặc các nhà hàng đặt trước. Hiện tôi đang bán loại hạt dổi nếp loại thường với giá 1,8 triệu đồng/kg, đây là dổi loại 2, kém hơn chút so với dổi hảo hạng bởi loại này được thu hoạch từ những cây có tuổi đời ít hơn. Đây là loại được bán phổ biến trên thị trường", chị Thương cho hay.
Theo chị Thương, trên thị trường thường trà trộn 2 loại hạt dổi tẻ và dổi nếp nên người không sành ăn rất dễ bị mắc lừa. Về cách phân biệt, chị Thương chia sẻ người dân ở quê chị phân biệt dựa vào kích thước, hạt dổi to và hạt dổi nhỏ.
- Hạt dổi nhỏ là dổi nếp, kích cỡ không đều nhau nhưng to nhất cũng chỉ như hạt ngô, da nhăn chứ ko căng mọng như dổi tẻ. Cắn thử sẽ có vị cay cay, tê đầu lưỡi, thơm nồng, khi nướng hạt sẽ nở căng ra, mùi thơm bốc lên ngào ngạt.
- Loại hạt dổi to là dổi tẻ, có màu đen nhưng không thơm bằng hạt dổi nếp nhỏ, khi ngửi kỹ còn có mùi hắc rất khó chịu nên giá không cao.Những người không sành sẽ mua nhầm loại dổi này.
Anh Tuấn Anh (ở Hà Đông, Hà Nội) cho biết anh hay nhờ bạn ở Tây Bắc mua hộ hạt dổi rừng, nó rất thơm nên mỗi lần nấu nướng chỉ cần cho vài hạt là thơm lắm rồi. Sau đó, có lần dùng hết nhưng chưa kịp gửi, anh mua tạm 3 lạng ở trên mạng, nhưng không ngon bằng, lại còn hơi đắng, sau đó tìm hiểu anh mới biết đây là dổi tẻ.
"Hạt dổi mua trên chợ mạng thật sự khó có thể mua được loại chuẩn nên sau lần đó tôi không dại nữa. Ai bán cũng giới thiệu hạt dổi xịn, thơm, cay nồng, nhưng nếu không quen biết, hoặc không được xem tận mắt thì khó có thể mua được hàng chuẩn ", anh Tuấn Anh nói.
Về cách bảo quản, những người bán hạt dổi trên mạng cho biết hạt dổi dùng tới đâu thì rang hoặc nướng tới đó, số còn lại bọc thật kín bỏ vào lọ nhựa hoặc thủy tinh và cất ở nơi khô ráo thoáng mát. Nếu cho vào tủ lạnh cũng phải bọc thật kín để không bị mất mùi và không bị hơi nước ngấm vào.
Hạt dổi được nướng trên bếp than đến khi thơm lừng mang giã nhuyễn, trộn cùng muối trắng rang thơm, hoặc ướp thịt, cá nướng hoặc thịt trâu gác bếp, thịt lợn gác bếp… thành những món đặc sản thơm ngon nức tiếng. Mặt khác, trong thành phần hạt dổi có chứa tinh dầu rất tốt cho sức khỏe cho nên người ta còn dùng hạt dổi để làm dược liệu chữa bệnh.