Giữa thị trường bão hòa của các loại đồ ăn, thức uống, cọ - loại quả bình dị bao đời ở một số vùng quê bỗng thành đặc sản, người dân thành phố lùng mua khắp nơi.
Có lẽ với những người sinh ra và lớn lên ở các vùng quê nghèo, cây cọ "xòe ô che nắng" cho đến lá cọ lợp nhà, làm nón ba tầm là những hình ảnh không còn xa lạ. Cọ là thứ cây quen thuộc, gần gũi như một phần cuộc sống với người dân ở các miền quê Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình.
Quả cọ ở các miền quê nghèo giờ thành đặc sản ở thành phố
Trước đây, hầu như nhà nào cũng trồng những cây cọ cao vút với những tán lá xanh ngắt chủ yếu để làm bóng mát, lá cọ để lớp mái nhà, còn quả cọ rụng đầy gốc, chỉ nhà nghèo mới ăn. Với người dân thành phố, quả cọ là thứ lạ lẫm, nhưng với những người dân ở quê, đây lại là thứ quả gây nghiện, giúp họ nhớ về những kỷ niệm và hương vị tuổi thơ.
Chị Thanh Lan (quê ở Phú Thọ) cho biết: "Tôi vẫn còn nhớ ngày xưa nghèo, đến mùa cọ là ngày nào cũng ăn món cọ om, lúc đó ăn nhiều quá thành sợ. Giờ sống ở thành phố, lâu lâu lại nhớ đến hương vị của quả cọ, nhưng phải nhờ mua từ quê gửi ra mới có chứ rất ít khi thấy bán ở các chợ Hà Nội".
Những chùm cọ trĩu quả trông rất bắt mắt
Từ món ăn "chống đói" của người dân vùng quê nghèo, mấy năm trở lại đây quả cọ đen nhẻm trở thành đặc sản được săn lùng ở thành phố vì hương vị bùi bùi, lạ miệng.
Những người dân địa phương cho biết sang thu là cọ bắt đầu ra hoa, kết quả, đến cuối tháng 10, tháng 11 âm lịch, quả cọ chín, vỏ quả chuyển dần sang màu đen nâu. Tùy theo điều kiện thời tiết mà mùa cọ chín có thể kéo dài tới vài tháng. Những chùm quả sai trĩu quả chín trên cây trông rất bắt mắt, ai nhìn cũng thấy thích thú.
Cọ vào mùa là khoảng tháng 10, 11 âm lịch
Anh Tuấn - một tiểu thương hay bán các thứ quả quê ở Hà Nội cho biết cứ đến mùa cọ anh lại nhờ người thân ở quê Phú Thọ gửi lên để phục vụ người "sành ăn". Những đợt có cọ ngon, khách đặt mua nhiều mà anh không đủ bán, một số chị em đặt cọc tiền sẵn chờ vài ngày sau mới có hàng.
"Cọ thường được bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg, cọ nếp thì giá cao hơn, có khi gần 100.000 đồng/kg khách vẫn tranh nhau mua. Nhiều khách thích ăn cọ lắm, cứ mua vài cân về thưởng thức cho bõ", anh nói.
Nhiều người dân thành phố phải đặt trước vài ngày mới có hàng để mua
Anh Tuấn cho biết thêm, cách đây 4 năm anh thử bán cọ ở chợ Hà Nội nhưng không ngờ lại đắt hàng đến thế, mỗi ngày anh bán được gần cả tạ cọ, người mua sỉ người mua lẻ, nhiều khách “chậm chân” phải chờ đến ngày hôm sau mới mua được.
Không chỉ ở các chợ dân sinh, trên chợ mạng quả cọ cũng được rao bán nhiều trong những năm gần đây. Chị Thúy (người bán cọ trên mạng) cho biết chị quê ở Hà Tĩnh, từ bé đã quen ăn món này nên dù ra Hà Nội sống hơn chục năm nay nhưng cứ tới mùa phải đặt mua vài kg, có năm cọ hiếm hàng, đặt mua rất khó nên chị nhờ người ở quê mua hộ, tiện lấy thêm để bán online cho các chị em khác.
"Ban đầu chỉ bán thử ít một, nhiều người đặt mua quá nên tăng lượng hơn. Năm ngoái mình bán được cả tạ cọ, người này ăn ngon lại giới thiệu cho người khác mua", chị Thúy nói
Theo chị Thúy, những quả cọ ngon nhất là những quả được lấy từ cây cọ chưa bao giờ bị chặt lá, vì quả cọ mọc từ những cây đã bị chặt lá thường còi cọc, hạt to, vị chát. Công việc hái cọ rất vất vả, nhiều nơi họ lấy liềm buộc vào cây sào dài để hái nhưng như vậy quả cọ sẽ không ngon và bị sứt sẹo nhiều. Có những cây cọ bị chát, không ngon nên chị phải dặn người thân ở quê chọn kỹ trước khi gửi hàng ra bán cho khách.
Quả cọ có thể chế biến được thành nhiều món như om, hấp, cọ muối, cọ kho với thịt, cá, trong đó món cọ om là ngon nhất, vừa thơm, vừa béo, bùi bùi khó tả. "Theo kinh nghiệm, khi om hoặc hấp cọ phải giữ nhiệt độ khoảng trên dưới 70 độ C, nếu nước nguội quá cọ sẽ không chín, rất cứng và chát không thể ăn nổi, còn nóng quá sẽ làm cho quả mềm nhũn, mất hết vị béo bùi đặc trưng...Vì vậy, khi ỏm cọ phải canh đúng kỹ thuật và nhiệt độ”, chị Thúy chia sẻ.