So với hạt dẻ thường, hạt dẻ rừng bé hơn nhiều nhưng vừa thơm vừa bùi. Mấy năm gần đây, chúng trở thành đặc sản được ưa chuộng ở thành phố.
Núi rừng ở Việt Nam có đa dạng các loại sản vật vừa ngon vừa lạ, mấy năm gần đây được người thành phố tìm mua để thưởng thức, trong đó có hạt dẻ rừng.
Khoảng tháng 8 đến tháng 11 dương lịch là thời điểm hạt dẻ rừng vào mùa. Lúc này, người dân ở các tỉnh miền núi vào rừng nhặt hạt dẻ rụng đầy gốc, về phân loại rồi bán cho thương lái để kiếm thêm thu nhập.
Hạt dẻ có tên khoa học là Castanea Molilissina thuộc họ sồi dẻ, một loại cây thấp, có tán rộng, thích hợp trồng ở nơi có khí hậu lạnh, sinh trưởng tốt ở địa hình thoải dốc, đất tơi xốp và thoát nước tốt. Ở Việt Nam, hạt dẻ rừng thường có ở những cánh rừng như Quảng Bình, Nghệ An, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình...
Hạt dẻ rừng được ví như "lộc trời", mang lại thu nhập cho người dân ở các huyện miền núi
Bà con vùng núi gọi hạt dẻ rừng là "lộc rừng" bởi không cần trồng, không cần chăm sóc, đến mùa chỉ cần vào rừng nhặt về để bán. Cuối năm là thời điểm cây ra hoa, hoa của cây dẻ có màu trắng, nở đồng loạt cả cánh rừng tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Quả dẻ có lông xù ra như trái chôm chôm nhưng nhỏ hơn nhiều. Khi quả chín thì nở bung ra và hạt dẻ từ trong quả rơi xuống gốc cây.
Chị Thanh (ở xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: "Hạt dẻ rừng có kích thước bé hơn nhiều do với hạt dẻ tự trồng. Dù bé nhưng khi rang lên rất thơm, bán được giá. Nhặt hạt dẻ là công việc không khó nhưng cần sự kiên trì, cần mẫn, càng chăm chỉ thì nhặt được càng nhiều. Thật may, hạt dẻ chín vào thời điểm nông nhàn nên chúng tôi tập trung toàn thời gian đi nhặt. Nghề nào cũng vất vả, nhưng nghề nhặt hạt dẻ lại có niềm vui đầy ắp khi mang về thu nhập đáng kể.
Những năm được mùa, mỗi ngày đi từ sáng đến tối tôi phải nhặt được 20kg hạt dẻ, bán cho thương lái với giá 20.000-30.000 đồng/kg, thu về khoảng 400.000 đồng".
Hạt dẻ rừng có kích thước bé nhưng bùi và thơm
Cũng là người có kinh nghiệm đi nhặt hạt dẻ rừng, anh Toàn (ở Quảng Bình) chia sẻ, dụng cụ mỗi lần đi nhặt hạt dẻ phải mang theo là túi đựng và một cái kéo nhọn. Có quả chín rụng thì đã tách hạt, có quả chưa, khi ấy phải dùng kéo để tách. Công đoạn này cần đặc biệt cẩn thận vì gai nhọn của quả rất sắc, đâm vào tay sẽ đau buốt.
Hạt dẻ rừng khi ăn có vị ngọt, bùi, thơm ngậy. Không những vậy, theo nghiên cứu khoa học, loại hạt dẻ này có nhiều lợi ích cho sức khỏe của con người.
Khi thời tiết bắt đầu chớm thu là lúc hạt dẻ được bán nhiều trên thị trường. Trên chợ mạng, hạt dẻ rừng tươi được bán với mức giá dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/kg, hạt dẻ rừng chín khoảng 85.000-100.000 đồng/kg.
Bán hạt dẻ rừng trên chợ mạng, chị Hoàng Lan (ở Hà Nội) cho biết chị lấy hàng của người dân đi rừng ở Lạng Sơn. "Hạt dẻ rừng tuy bé nhưng thơm và bùi lắm, chỉ rộ lên trong khoảng một tháng là hết hàng nên người thành phố tranh thủ mua về thưởng thức. Là hàng được tuyển chọn kỹ càng nên ai ăn thử cũng tấm tắc khen ngon", chị Hoàng Lan nói.