Những tưởng chỉ là một loài cây dại mọc ven đường, thế nhưng ít ai biết rằng ngọn của cây xuyến chi còn có thể làm nhiều món ăn ngon.
Nói đến hoa xuyến chi, có lẽ không ai là không biết đến loài cây dại này. Cây xuyến chi hay còn gọi là rau đơn kim, đơn buốt, cây cúc áo, song nha lông, quý châm... Tên khoa học của nó là Bidens pilosa, thuộc họ cúc Asteraceae, chi - Bidens. Loại cây này phân bố hầu khắp thế giới vì rất dễ thích nghi với các kiểu khí hậu. Tại Việt Nam, loại cây này mọc dại ở khắp nơi, có thể tìm thấy ở những bãi đất hoang, ven đường hoặc đồng cỏ.
Cây xuyến chi mọc dại ở khắp nơi, những bãi đất hoang, ven đường hoặc đồng cỏ
Cây xuyến chi là loại cây thân thảo mọc hàng năm. Cây có hoa màu trắng, nhụy hoa màu vàng. Khi hoa tàn, cánh rụng sẽ phát triển thành những "quả" nhỏ có rất nhiều gai, dễ bám vào quần áo. Trước đó, xuyến chi chỉ là cỏ dại mọc trong vườn nhà phải nhổ bỏ thì nhiều năm trở lại đây, nhiều người cũng sử dụng hoa xuyến chi để cắm trong nhà.
Dạo một vòng quanh các hội nhóm dành cho những người yêu hoa thời điểm mùa hè này, có thể thấy chị em "náo nức" khoe những bình hoa xuyến chi vô cùng đẹp mắt. Loại hoa dại này có nhiều cánh hoa mềm mại, mỏng manh, xen kẽ với nhau. Khi nở hoàn toàn sẽ tạo cảm giác bồng bềnh, khiến người ta muốn nâng niu, thân mọc thẳng, rất dễ cắm và đặc biệt là "chơi" được lâu, giúp tô điểm cho không gian sống của gia chủ.
Xuyến chi được lựa chọn để cắm, trang trí nhà cửa…
Đặc biệt, ngoài việc tận dụng hoa xuyến chi để trang trí nhà cửa, loại cây này còn được dùng làm rau ăn tại các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh phía Bắc. Theo lời của chị Minh (bản Rùa, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang), từ lâu gia đình chị đã dùng ngọn hoa xuyến chi để làm thức ăn, trong đó hai món ăn phổ biến đó là ngọn xuyến chi xào tỏi và canh xuyến chi.
“Dùng ngọn và lá non vò qua, luộc bỏ nước, rửa lại bằng nước lã, xào hoặc nấu canh. Món ăn có vị nồng, với những người không quen thì sẽ khó ăn. Ngoài ra còn có xuyến chi làm gỏi thịt trâu gác bếp, rau xuyến chi nhúng lẩu, luộc chấm mắm…”, chị Minh cho hay. Thi thoảng muốn đổi vị bữa ăn cho cả gia đình, chị chỉ cần xách rổ ra ngoài vườn, dạo một vòng sẽ có một rổ đầy ắp ngọn xuyến chi non để chế biến các món ăn.
Phần ngọn non của xuyến chi.
Để làm món ngọn xuyến chi xào tỏi, đầu tiên chị Minh là phi tỏi lên cho thơm, sau đó cho ngọn xuyến chi đã luộc qua vào xào cùng, nêm nếm gia vị cho vừa rồi xào cho đến khi chín là được. Nếu muốn món ăn ngon hơn có thể thêm thịt bò, thịt heo xào sơ qua rồi cho vào trộn cùng. Đĩa ngọn xuyến chi thơm lừng, xanh mướt khiến thực khách nhìn thôi cũng thấy thèm thuồng.
Các món ngon từ rau xuyến chi.
Ngoài chế biến các món ăn từ phần thân, ngọn và lá, hoa xuyến chi sau khi phơi khô còn được dùng như một thức uống làm thanh mát cơ thể. Trà hoa xuyến chi có vị thơm và khá dễ uống, nhiều gia đình luôn có sẵn hoa xuyến chi phơi khô dùng để mời những vị khách từ phương xa thay cho chè xanh hay trà. Cho một chút hoa xuyến chi đã phơi khô vào cốc, sau đó đổ nước sôi vào rồi tráng qua một lượt trà để loại bỏ bớt bụi và phần nhị hoa, rồi đổ nước vào lần hai, chờ khoảng 5 phút cho trà ngấm và sau đó mọi người có thể thưởng thức được thức uống đặc biệt này.
Trà hoa xuyến chi.
Tuy vậy, rau xuyến chi vẫn còn lạ lẫm với người dân thành thị và ít được bày bán rộng rãi. Ngoài việc có thể tìm được các bó hoa xuyến chi trong các cửa tiệm hoa tại Hà Nội thì muốn ăn rau xuyến chi, các chị em phải săn lùng tại các cửa hàng đặc sản, rau rừng rau sạch hoặc trên các sàn thương mại điện tử. Dạo quanh một vòng chợ mạng, có thể tìm được 500gr rau xuyến chi với giá 25.000 đồng, như vậy giá rau sẽ dao động quanh khoảng 50.000 đồng/kg. Còn xuyến chi khô làm thuốc còn có giá đắt hơn, 75.000 đồng/kg.
Rau xuyến chi được bán trên một sàn thương mại điện tử.
Bạn Tâm Bùi (Hà Nội) chuyên kinh doanh rau cỏ tươi và khô xuyến chi trên chợ mạng, cho biết: “Mình nhập hàng ở Bắc Giang rồi về đóng gói và bán tại các chợ mạng. Xuyến chi tươi ngoài nấu canh, xào, luộc còn có thể xay sinh tố… Khá khó để tìm mua loại rau này nên mình thường không đủ hàng bán cho khách, phải đặt trước mới có và chờ tầm 1-2 ngày”.
Cây xuyến chi có vị hơi đắng, hơi cay và có tính mát nên có tác dụng giải độc, thanh nhiệt cơ thể, chống viêm và sát trùng vết thương. Ông cha ta thường dùng cây xuyến chi để chữa các bệnh ngoài da như viêm da dị ứng, nổi mề đay, các bệnh viêm họng, tiêu chảy, kiết lỵ và chữa vết thương do côn trùng cắn.