Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào đêm ngày 19/7 đã phá vỡ sự bình yên của bản Hắc, để lại đó là sự đau thương với một gia đình có đến 4 người bị lũ cuốn tử vong và mất tích.
Theo lời kể của những người dân tại bản Hắc, xã Trí Nang (Lang Chánh, Thanh Hoá), khoảng 22h ngày 19/7, khi mọi người đang ngủ thì nghe thấy tiếng kêu cứu, la hét vang lên. Mọi người chạy ra nhìn thấy dòng nước lũ ào ào đổ tới.
Cảnh tượng tan hoang sau khi trận lũ quét qua.
Chỉ trong phút chốc, cả 3 căn nhà nằm dọc ven tỉnh lộ 530 phía sau là dòng suối Hin Pun, đã bị lũ san phẳng. Thời điểm trận lũ quét qua, trong 3 căn nhà trên có 7 người ở nhà. Trong đó, 4 người đã bị lũ cuốn tử vong và mất tích, 3 nạn nhân khác bị thương. Những gia đình này đều là anh em, họ hàng của nhau.
4 người bị tử vong và cuốn trôi là bà Lê Thị Biến (SN 1933), ông Vi Văn Thiên (SN 1968-con bà Biến), Hà Thị Biển (SN 1990, con dâu ông Thiên), Vi Thị Huyền Trân (SN 2014, cháu nội ông Thiên). Ngoài ra, còn 3 người khác bị thương. Hiện tại mới chỉ tìm thấy thi thể của bà Biến và ông Thiên.
Hàng nghìn khối đất đá tràn xuống ngay trên những nền nhà bị cuốn trôi.
Nhớ về thời khắc kinh hoàng, anh Vi Văn Dũng (SN 1990, con trai ông Thiên) thất thần khi chỉ trong tích tắc đã mất đi bà nội và bố, vợ và con gái đang mất tích. “Khi tôi đang sang nhà bố mẹ xem tình hình mưa bão thế nào thì nghe có tiếng nổ lớn bên ngoài. Tôi tưởng rằng đó là sấm nhưng chỉ vài giây sau những căn nhà phía trên bị cuốn trôi ập xuống nhà tôi.
Tôi không còn biết gì,chỉ nghe những tiếng nổ lớn, rồi bị cây dìm xuống, tôi cố gắng đạp lên, ôm được cây cột nhà, trên đầu vẫn còn đèn pin. Khi bị nước cuốn xuống phía dưới thì lại nghe tiếng vợ con gọi. Lúc đó, tôi định chạy theo cứu nhưng mọi người ngăn lại”, anh Dũng nhớ lại.
Anh Vi Văn Dũng đau đớn khi mất đi những người thân trong gia đình.
Còn bà Vi Thị Thuận (em gái ông Vi Văn Thiên) đau đớn: “Lúc đó, anh trai chạy sang bế mẹ, nhưng trời tối, mưa trơn nên trượt xuống luôn. Cháu Dũng thì đang ôm cột nhà, rồi bị nước cuốn trôi, sau đó may bám được vào cây keo mới lên bờ được. Còn cháu dâu và cháu gái chạy theo chồng con nhưng không kịp, lại trôi mất tích, giờ vẫn chưa tìm thấy”.
Bà Vi Thị Thuận (em gái ông Vi Văn Thiên) không thể tin rằng đã mất đi mẹ và anh trai.
Không chỉ riêng gia đình anh Dũng, trận lũ quét cũng khiến người dân nơi đây vô cùng kinh hãi. “Đang ngủ thì tôi nghe những động lớn như tiếng sấm vang lên. Lúc này cả gia đình tôi chạy ra ngoài rọi đèn thì thấy đất đá từ trên núi cứ đổ xuống. Người dân chúng tôi cố gắng la hét nhưng không kịp nữa, toàn bộ 3 ngôi nhà đã bị đổ ập xuống. Hơn 10 năm trước ở đây từng xảy ra lũ lụt lớn nhưng đây là lần đầu tiên có lũ quét và sạt lở nghiêm trọng như lần này”, bà Hà Thị Tâm (SN 1973) cho biết.
Ngay khi nhận được tin báo, ngay trong đêm hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các lực lượng cũng như người dân địa phương đã được huy động, nỗ lực đào bới trong đống đổ nát để tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích.
Lũ quét gây thiệt hại nặng nề cho người dân bản Hắc
Đến trưa ngày 20/7, đã tìm thấy thi thể của bà Lê Thị Biến và ông Vi Văn Thiên, người dân địa phương và gia đình các nạn nhân phải nén đau thương, đội mưa để tổ chức mai táng cho những nạn nhân xấu số.
Đến chiều nay lực lượng chức năng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện tiếp tục tìm kiếm hai người mất tích và khắc phục hậu quả của cơn lũ gây ra.
Người dân địa phương và gia đình tổ chức mai táng cho 2 nạn nhân đã tìm thấy thi thể.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng, Chống thiên tai tính đến 7h00 ngày 20/7 thiệt hại ban đầu do bão số 3 như sau: 21 nhà bị sập (Yên Bái: 08 nhà; Hòa Bình: 01 nhà; Quảng Ninh: 01 nhà; Thanh Hóa: 03 nhà; Nghệ An: 07 nhà; Hà Tĩnh: 01 nhà); 827 nhà bị ngập (Yên Bái: 17 nhà; Hòa Bình: 34 nhà; Quảng Ninh: 46 nhà, Thanh Hóa: 730 nhà). Nhà phải di dời khẩn cấp: 365 nhà (Sơn La: 15 nhà, Yên Bái: 11 nhà, Hòa Bình: 118 nhà, Quảng Ninh: 206 nhà, Thanh Hóa: 15 nhà). Gia súc bị chết, cuốn trôi: 24 con; gia cầm bị chết, cuốn trôi: 3.940 con. Diện tích thủy sản bị ảnh hưởng: 2.868 ha (Thanh Hóa: 542 ha; Nghệ An: 2.326 ha). Tại Yên Bái: Tuyến đường tỉnh lộ 174 tắc cục bộ do nước suối chảy và bùn tràn qua đường, đến chiều ngày 19/7 đã thông tuyến. Tại Sơn La: Quốc lộ 6 đoạn qua khu vực xã Lóng Luông sạt lở 1000m3 đất, đá; có 7 điểm bị ngập úng cục bộ trên các tuyến tỉnh; một số tuyến đường liên xã bị cô lập do ngập nước. Đến tối ngày 19/7 các vị trí đã cơ bản được xử lý đảm bảo thông tuyến. Tại Quảng Ninh: Giao thông chia cắt không vào được thị trấn Ba Chẽ do ngầm tràn đang bị ngập sâu 2m. Tại Nghệ An: Tuyến đường Hương – Phú – Hành, tuyến đường xã Đồng Văn đi Tân Hợp, tuyến đường trên bịa bàn xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, Cao Sơn bị chia cắt tại một số điểm ngầm tràn đang bị ngập sâu. |