Trước khi bị khởi tố và bắt tạm giam, bà Nguyễn Bích Quy (cô phụ trách đưa đón học sinh vụ bé lớp 1 trường Gateway tử vong) đã liên tục thay đổi lời khai, thậm chí muốn được công khai đối chất với lái xe Doãn Quý Phiến.
Tối qua (27/8), Cơ quan điều tra - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã thực hiện lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Bích Quy trong thời hạn ba tháng. Trước đó, VKSND quận Cầu Giấy cũng đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Bích Quy về hành vi Vô ý làm chết người. Bà Quy bị khởi tố theo khoản 1, Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
VKSND quận Cầu Giấy cho biết, bà Quy bị cáo buộc "vô ý không kiểm tra hết trong xe mà đã đóng cửa bỏ đi" dẫn tới việc bé Lê Hoàng L. (lớp 1 trường Gateway) bị bỏ quên trên chiếc Ford Transit biển số 29B-069.56 suốt 9 tiếng trong ngày 6/8.
Bàn về tính pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, việc cơ quan cảnh sát điều tra áp dụng biện pháp bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Bích Quy để điều tra tội Vô ý làm chết người theo quy định tại điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Hình ảnh bé Lê Hoàng L. trước khi qua đời. Ảnh gia đình cung cấp
Theo đó, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, nếu thấy bà Quy có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này, cơ quan công an có thể áp dụng biện pháp bắt tạm giam.
Luật sư Bình phân tích, theo quy định, khởi tố bị can là hình thức pháp lý trong đó cơ quan có thẩm quyền xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội.
Để ra quyết định khởi tố bị can, cơ quan có thẩm quyền khởi tố phải có đủ chứng cứ xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội, làm rõ đó là tội phạm gì, quy định ở điều khoản nào của Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung 2017); xác định rõ lý lịch của người thực hiện hành vi phạm tội. Khởi tố bị can được quy định cụ thể tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS).
Đáng lưu ý, trước khi bị khởi tố bị can, trong buổi gặp gỡ với báo chí tại Văn phòng luật sư Thành Sơn, bà Nguyễn Bích Quy bày tỏ muốn được công khai đối chất với lái xe Doãn Quý Phiến.
Theo bà Quy, việc đối chất này nhằm làm sáng tỏ 3 vấn đề: Tại sao rèm xe buổi sáng 6/8 thì mở nhưng buổi chiều lại bị kéo lại và về chi tiết quả bóng bay trên xe? Tại sao cháu Long buổi sáng mặc áo màu đỏ nhưng buổi chiều lại mặc áo màu trắng xám?
Bà Nguyễn Bích Quy cho rằng, thời điểm bà đưa các cháu học sinh xuống xe, rèm cửa chỗ bà ngồi vẫn mở, không đóng. Tuy nhiên, đến chiều phát hiện cháu L. nằm trên xe thì tất cả rèm cửa trên xe đều đóng. Lý giải việc mở rèm xe buổi sáng, bà Quy cho biết, bà ngồi ở cửa xe, phải kéo rèm ra để nhìn, quan sát các điểm đón.
Đồng thời, bà Nguyễn Bích Quy khẳng định, bà không để quên cháu Lê Hoàng L. trên xe buýt vào ngày 6/8. Bà Quy cho biết, trước khi vào trong trường, bản thân bà có quay ra xe ngó đầu vào bên trong một lần, rồi kéo cửa lại.
Bà Nguyễn Bích Quy mong muốn được công khai đối chất với lái xe Doãn Quý Phiến.
Cũng theo bà Quy, buổi sáng lúc bà đón, cháu Long vẫn vui vẻ, khỏe mạnh lên xe chứ không buồn ngủ, bởi chỉ khoảng hơn 10 phút là từ điểm đón đến trường.
Một tình tiết lạ trong đơn trình bày của bà Nguyễn Bích Quy chính là thái độ của tài xế Doãn Quý Phiến. Cụ thể, theo bà Quy, không thể có chuyện bỏ quên cháu mà lái xe lại không biết.
Bà Quy cũng nói rằng: "Khi mở cửa xe, tôi nhìn thấy ông Phiến vẫn đang ngồi dửng dưng trên ghế lái. Vào thời điểm phát hiện cháu nằm bất động trên xe, ông ấy mới chịu bước xuống. Hơn nữa, ông Phiến cũng chẳng bế cháu vào phòng y tế của trường mà có 1 người đàn ông mặc áo kẻ sọc, tôi cũng không biết là ai vội lao vào bế cháu đưa vào phòng y tế".