Đằng sau những màn tặng quà, chốt đơn có thể là ảo ảnh do chính những người phát livestream và công ty tự tạo ra để đánh lừa người xem.
Năm 2008, khi lĩnh vực livestream ở Trung Quốc nở rộ, phát triển cực nhanh, Tiểu Bình cảm thấy công việc của mình không thể phát triển hơn. Vì vậy, cô quyết định thành lập công ty riêng ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Công ty của Tiểu Bình tập trung vào livestream giải trí, quản lý các livestreamer hát, nhảy, trò chuyện với khán giả, lấy quà ảo có thể đổi ra tiền.
Trong cương vị mới, Tiểu Bình đã giúp những người làm livestreamer tham vọng trở nên nổi tiếng trong môi trường online đông đảo khán giả. Một trong những cách thường gặp để có thể kiếm tiền là công ty mua quà tặng ảo cho livestreamer dưới vỏ bọc của người xem để nhiều người biết đến họ, cách này cũng giúp cho chương trình live được đẩy lên vị trí cao ở các trang đề xuất khán giả xem.
Những màn tặng quà, chốt đơn ảo là hành vi quen thuộc tại Trung Quốc
Theo đó, công ty chi 3000- 5000 nhân dân tệ (khoảng 10-17 triệu đồng) để mua quà ảo rồi thả đầy màn hình livestream. Theo Huang, để buổi phát trực tiếp hiện trên trang chính của nền tảng livestream thì phải có số người xem cao gấp 10-50 lần số lượng xem thực sự. Để tối đa hóa lợi nhuận, Huang cho biết công ty của cô không làm tràn lan mà chỉ mua quà ảo cho những chương trình có tiềm năng kiếm được nhiều tiền.
Tiểu Bình cho biết: "Mọi người trong ngành đều làm cách này hay cách khác và bản thân các nền tảng đó đôi khi cũng bị thổi phồng một cách giả tạo để có nhiều người xem hơn".
Có một cách khác để tăng tương tác là người livestream sẽ bỏ tiền mua sản phẩm giới thiệu trong buổi phát. Sau khi mua, họ sẽ trả lại hàng nhưng vẫn được chia 20% doanh thu bán hàng trong buổi phát sóng.
Elijah Whaley, Giám đốc marketing công ty quản lý streamer Parklu nêu ý kiến, truy cập ảo có khắp nơi từ các KOLs ít tên tuổi đến công ty công nghệ lớn. Dùng con số ảo để qua mặt các thuật toán, đối tác và ngay cả những người quản lý.
Vấn đề số người xem ảo trong lĩnh vực livestream dấy lên tranh cãi khi công ty tài chính Muddy Waters của Mỹ cáo buộc công ty truyền thông YY của Trung Quốc dùng công cụ bot để tăng số lượng người xem và gửi quà tặng ảo cho livestreamer nhằm lừa đảo hàng tỷ USD. Muddy Waters cáo buộc 90% doanh thu từ livestream của YY, YYLive là gian lận. Nền tảng YY đã bác bỏ cáo buộc này và nói rằng báo cáo của Muddy Waters "thiếu hiểu biết cơ bản" về livestream.
"Lượng truy cập ảo là vấn đề không chỉ lĩnh vực phát trực tiếp mà toàn bộ ngành công nghiệp Internet ở Trung Quốc và nước ngoài đang giải quyết", Zhang Dingding - cựu giám đốc trung tâm nghiên cứu Sootoo tại Bắc Kinh, Trung Quốc nêu ý kiến. Ông không nghi ngờ sự tồn tại của người truy cập ảo nhưng ai đứng đằng sau nó và liệu ước tính của Muddy Waters đưa ra có hợp lý không.
Trên trang thương mại Taobao của Alibaba, khi tìm kiếm "lượt xem livestream" sẽ cho kết quả là danh sách "tối ưu lượng người xem". Với 5 tệ (17.000 đồng) sẽ cho 30.000 lượt thích trên Douyin (phiên bản ở Trung Quốc của TikTok), còn nếu chi 50 tệ (176.000 đồng) có thể có 100 lượt xem bằng bot. Nếu chi 20 tệ (70.000 đồng), người livestream sẽ nhận được dấu "đang mua hàng" hiện ở các buổi livestream mỗi 3-5 giây/lần.
Trước thực trạng đó, cơ quan quản lý Internet của Trung Quốc đã đưa ra dự thảo luật. Mục đích để chống hành vi tạo lượt xem, thích ảo hay theo dõi trên các nền tảng livestream. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng yêu cầu các công ty quản lý nền tảng livestream phải đưa ra công cụ để quản lý và ai theo dõi livestream phải đăng ký bằng danh tính thật.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng điều tra, bắt giữ những công ty cung cấp dịch vụ bot tạo ra truy cập ảo trong các buổi livestream. Tháng 10/2020, một người đàn ông ở Chiết Giang bị phạt 500.000 nhân dân tệ vì cung cấp lượt xem thích, bình luận giả mạo trên trang bán hàng Taobao và các trang bán hàng thương mại điện tử khác.
Tuy vậy, nỗi lo với vấn đề mua lượt truy cập vẫn còn đó. "Nhu cầu mua lượt truy cập sẽ vẫn còn, thậm chí giá ngày càng rẻ. Đây là vấn đề của ngành livestream, thương mại điện tử, mạng xã hội và các công ty truyền thông, dịch vụ Internet", Zhang Dingding bày tỏ.