Kinh doanh online dù là hình thức buôn bán, đăng tải thông tin trên mạng song lại không hề ảo. Nếu vì chút lợi trước mắt mà “treo đầu dê, bán thịt chó”, người bán hoàn toàn có thể mất khách hàng, thậm chí cả bạn bè và người thân.
“Hãy quan tâm và chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng họ. Dành thời gian để thấu hiểu và yêu thương, để bồi bổ tâm hồn, tài năng, kỹ năng của bạn trước khi nghĩ đến chuyện bán hàng. BẠN - BÀN rồi mới đến BÁN. Hãy làm bạn, chia sẻ và tìm hiểu điều họ thực sự cần, giúp khách hàng có được những sản phẩm tốt, đem lại cho họ sự hài lòng khi nhận được sản phẩm. Lúc đó, không phải bạn bán hàng mà là giúp đỡ, chia sẻ và trao những giá trị tốt đẹp nhất.”, chị Thanh chia sẻ.
Bên cạnh việc đăng tải hàng hóa, chị Thanh còn thường xuyên chia sẻ những bí quyết hoặc giải đáp những thắc mắc cho bạn bè khi cần. Ảnh chụp màn hình
Cũng theo chị Thanh, khi kinh doanh online, người bán cần tạo sự tương tác với khách hàng ngoài việc chỉ đăng bài bán hàng. Cần tạo sự gần gũi, giúp khách hàng cảm thấy sự chân thành của mình. Theo chị, người bán hàng có thể viết các bài viết mang tính chia sẻ thông tin hữu ích tới khách hàng, hay đăng những mẩu chuyện, hình ảnh hài hước để chăm sóc, tương tác với khách hàng.
"Bán được hàng đã khó, giữ chân được khách ở lại càng khó hơn", đó là chia sẻ của chị Đoàn Thị Huyền (Vũng Tàu, kinh doanh trang sức ngọc trai). Với kinh nghiệm lâu năm trong việc bán hàng online, chị Huyền cho rằng khâu chăm sóc khách hàng, dịch vụ sau bán hàng cũng rất quan trọng.
Chị Huyền luôn tâm niệm, giới thiệu được sản phẩm đến với khách hàng đã khó, vậy càng phải làm tốt để có thể giữ chân được khách hàng.
"Việc kinh doanh online là kinh doanh trên mạng song không hề ảo. Bạn cần có sự chăm sóc tốt với khách hàng, có trách nhiệm với sản phẩm của mình bán ra dù giao dịch đã kết thúc. Như vậy mới đảm bảo việc kinh doanh được lâu, được bền".
Một điều quan trọng nữa mà các chị em đang có ý định kinh doanh online cần tìm hiểu đó là việc đóng thuế. Theo kinh nghiệm của nhiều người đã có thâm niên buôn bán online lâu năm, người mới bán hàng có thể chọn cách đóng thuế khoán để giảm bớt các khâu rườm rà như cách đóng theo thuế Giá trị gia tăng.
"Muốn kinh doanh dù là online hay trực tiếp, cần nhớ tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Có như vậy công việc mới ổn định và lâu bền", chị Huyền cho biết.
Mỗi chị em công sở đều có những lựa chọn riêng trong nghề buôn bán online nhằm tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Nhưng cùng lúc làm 2 việc song song chưa bao giờ là đơn giản.
“Nghề tay trái” chỉ thực sự thành công khi chị em cân đối thời gian hợp lý để không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và công việc chính. Chắc chắn với hoạt động buôn bán văn minh và tuân thủ đúng pháp luật thì thị trường online sẽ luôn là mảnh ruộng màu mỡ cho những chị em nào muốn thử sức “làm nghề”.
* Những chia sẻ hữu ích của các chị em có kinh nghiệm lâu năm trong việc bán hàng online:
- Xác định rõ đối tượng khách hàng mình hướng đến (khách bình dân, khách trung lưu hay khách VIP) để có chính sách bán hàng phù hợp.
- Tìm kiếm nguồn hàng tốt, có thể cung cấp lâu dài. Đặt tiêu chí đảm bảo vệ sinh an toàn và uy tín của bản thân lên hàng đầu.
- Coi khách hàng như chính người thân của mình, bán hàng bằng cái tâm, thực hiện tốt khâu chăm sóc khách hàng cũng như dịch vụ sau bán hàng.
- Có thể tăng tương tác trên các mạng xã hội bằng việc đăng các bài chia sẻ thông tin hữu ích cho người dùng...
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh, đóng thuế.
Bán hàng online có cần phải nộp thuế không? Cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai nộp thuế trong hoạt động kinh doanh qua thương mại điện tử, bao gồm: bán hàng hoá, dịch vụ qua mạng internet, mạng xã hội (Facebook) và các hình thức thương mại điện tử khác. Đối với thuế Giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân: Theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì Người nộp thuế là cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật và không bao gồm cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống. Có nghĩa là cá nhân có hoạt động kinh doanh phải nộp thuế GTGT và TNCN khi có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Về tính thuế, áp dụng theo công thức: Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đối với hoạt động bán hàng online là hoạt động phân phối cung cấp hàng hóa tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%. Đối với lệ phí môn bài: Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP đối với cá nhân, hộ kinh doanh sẽ được miễn lệ phí môn bài khi có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống. Đối với cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu thì căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 139/2016/NĐ-CP sẽ có mức phí sau: - Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm. - Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm. - Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm. |