“Tôi nghĩ lại rồi, Trúc có tội thì nó phải đền tội, không có gì oan uổng hết”, bà buông lời trước khi chia tay.
Xin lỗi luật sư
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đỗ Hải Bình (đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, cách đây không lâu, bà Trần Thị Út (mẹ tướng cướp Hồ Duy Trúc) đã gặp gỡ ông tại một quán cà phê. Bà Út gửi lời xin lỗi đến luật sư Bình vì trước đây, sau khi phiên tòa sơ thẩm xét xử băng cướp Hồ Duy Trúc (SN 1993, quê Ninh Thuận) tại TAND TP.HCM xong, có người thân đòi đánh luật sư.
Bà Út bò lăn khi nghe con trai bị tử hình
Trong buổi gặp mặt, bà Út cho biết, mình không hề có ý định “dọa dẫm” gì luật sư Bình. Việc có người đòi đánh luật sư là nằm ngoài ý thức chủ quan của bà. Bà cho rằng, luật sư Bình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con mình thì bà cảm ơn còn không hết tại sao lại đòi đánh.
Trước đó, trong phiên tòa xét xử Hồ Duy Trúc, luật sư Bình là luật sư chỉ định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tướng cướp này. Ông Bình đưa ra nhiều lập luận với hy vọng tòa sẽ chấp nhận lời bào chữa và cho Trúc nhận được mức án khoan hồng. Tuy nhiên, cuối cùng, tòa nhận định, hành vi của Trúc là man rợ, gây ra hàng loạt vụ án, chém nhiều người… nên tuyên phạt án tử hình về tội cướp tài sản.
Phiên tòa kết thúc, người thân của Trúc đã “quậy tưng” TAND TP.HCM và có nhiều lời lẽ không đúng mực khiến dư luận vô cùng bức xúc. Cũng lúc này, luật sư Bình bị một người tự xưng là người thân của Trúc đánh nhưng ông đã tránh kịp và bỏ chạy.
Luật sư Bình bào chữa trong một phiên tòa
Luật sư Bình chia sẻ, ngay sau khi nhận được đơn kháng cáo của Trúc, TAND TP.HCM đã gợi ý ông nhận bào chữa cho bị cáo này. Tuy nhiên, trước đây, trong phiên tòa sơ thẩm, ông đã cố gắng hết sức nhưng vẫn “bất lực” và gia đình Trúc có hành vi không đúng nên từ chối, không nhận.
Mặc dù vậy, ông vẫn rất quan tâm đến Trúc. Do đó, cuối tuần vừa rồi, ông đến trại tam giam Chí Hòa, nhìn vào sổ sách vẫn chưa thấy có luật sư nào đến gặp mặt tướng cướp để lấy thông tin bào chữa trong phiên tòa phúc thẩm sắp diễn ra.
“Nó bị như vậy là thích đáng”
Sau khi phiên tòa sơ thẩm tại TP.HCM, Trúc cùng một số đồng phạm bị TAND tỉnh Ninh Thuận mở phiên tòa phúc thẩm xét xử một vụ án khác cùng thủ đoạn dùng dao chém để cướp xe. Trong phiên tòa này, vợ của Trúc bồng đứa con 7 tháng tuổi đến xin được gặp chồng. Tuy nhiên, do đứa trẻ còn quá nhỏ, nên người phụ nữ không được gặp trực tiếp.
Thấy tình cảnh thương cảm, công an cũng chạnh lòng và chấp nhận để chị đứng nép bên cửa phụ để nhìn chồng. Giây phút ấy, Trúc đã nhìn được vợ, con và không cầm được những giọt nước mắt.
Hành vi "quậy tưng" của bà Út khiến dư luận lên án
Phiên tòa hôm ấy diễn ra trong im lặng, trật tự, thỉnh thoảng chỉ có tiếng thút thít của người thân bị cáo. Bà Út và chồng là ông Hồ Duy Tùng ban đầu ngồi gần cuối phòng xét xử, sau đó lại nhích lên bàn thứ ba để dễ dàng nhìn mặt con. Trong giờ nghị án, bà Út vội chạy lên, đưa cánh tay gầy guộc nắm tay con trước sự cản ngăn của lực lượng bảo vệ.
Giờ nghị án kết thúc, Trúc bị tuyên y án 7 năm tù giam. Khi bị viện dẫn ra xe bít bùng về trại tạm giam, Trúc quay lại nhìn mẹ khóc rấm rức: “Mẹ cố giữ sức khỏe, đừng buồn quá. Mẹ nhớ chăm vợ và con của con giúp con”. Người mẹ chỉ rơi nước mắt, không nói được lời nào.
Cuối phiên tòa, bà Út nhẹ nhàng nói với phóng viên: “Con tôi có tội thì phải bị phạt. Nó bị như vậy là thích đáng”. Chúng tôi không còn nhìn thấy sự bức xúc, gào thét, la hét… của bà trong phiên tòa sơ thẩm tại TAND TP.HCM đã diễn ra trước đây.
“Không có gì oan uổng hết”
Chỉ vài ngày trước, chúng tôi gặp lại bà Út tại hành lang tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM. Bà Út buồn bã cho biết, vừa nhận được tin con trai sắp ra tòa phúc thẩm nên đến hỏi thông tin. Bà nghẹn ngào: “Trúc là đứa con tôi yêu thương. Khi nó bị bắt, tôi mới biết là nó gây ra hàng loạt vụ án nghiêm trọng như thế. Tuy nhiên, tôi cứ nghĩ nó bị án cao nhất là chung thân. Thế nhưng, cuối phiên tòa, chủ tọa lại tuyên phạt mức án tử hình”.
Trúc bị tử hình trong phiên tòa sơ thẩm tại TAND TP.HCM
Thinh lặng một lúc bà chia sẻ: “Mất con ai mà chẳng đau đớn. Tôi quá đau nên mới có hành vi cư xử không đúng. Nhiều khi nghỉ lại, tôi tự nhận thấy hôm ấy mình quá sai lầm”. Trong buổi gặp gỡ ấy, bà cũng mong chúng tôi gửi lời xin lỗi đến TAND TP.HCM, xin lỗi đến các bị hại cũng như tất cả những người liên quan.
“Tôi nghĩ lại rồi, Trúc có tội thì nó phải đền tội, không có gì oan uổng hết”, bà buông lời trước khi chia tay.