Năm 2021 đi qua với những hình thái trái chiều của các kênh đầu tư. Không ít người kiếm đậm nhưng cũng nhiều tài khoản bốc hơi mạnh, thậm chí lỗ đậm. Vậy, bước sang năm mới, đâu sẽ là kênh giúp nhà đầu tư hái ra tiền?
Ở thời điểm hiện tại, có rất nhiều hình thức đầu tư được dân tình chọn lựa. Sự đa dạng này không phải lúc nào cũng tốt, nhất là khi có một số dân tình chỉ mới "chân ướt, chân ráo" bước vào đầu tư với hy vọng sẽ khiến "tiền đẻ ra tiền" mà không có quá nhiều kinh nghiệm chọn lựa hướng đi đúng đắn cho mình.
Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn đang có 5 kênh đầu tư phổ biến: Gửi tiết kiệm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, vàng và ngoại tệ. Cùng tìm hiểu xem xu hướng đầu tư nào trong năm 2022 sẽ được dân tình ưu ái lựa chọn:
1. Gửi tiết kiệm - Kênh đầu tư không bao giờ "thất thế"
Đã nói đến các hình thức đầu tư, không thể nào bỏ qua tiết kiệm ngân hàng - kênh đầu tư lâu đời và được nhiều người tin tưởng bậc nhất. Thực chất, kênh này từ trước đến nay là kênh đầu tư an toàn nhất nhưng lãi suất tiết kiệm hiện nay đang ở mức rất thấp, không đủ hấp dẫn với người gửi tiền.
Theo khảo sát biểu lãi suất tại quầy, kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ tại nhiều ngân hàng cho thấy, lãi suất tiết kiệm cao nhất được niêm yết chỉ còn 6,99%/năm. Đây cũng là lý do, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng trong 9 tháng đầu năm chững lại và chỉ bằng hơn một nửa của cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, có thể đâu đó lãi suất tiết kiệm có áp lực tăng trở lại trong năm 2022 khi nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch nhưng sẽ không đáng kể. Vì vậy, gửi tiền lãi suất tiết kiệm cao nhất cũng chỉ lên tới 7 - 8%/năm tới.
Với những người trẻ năng động ngày nay, họ có thể chấp nhận rủi ro để rót tiền cho những kênh đầu tư khác. Song những người thuộc team "ăn chắc mặc bền" lại nghĩ không gì tốt bằng một khoản tiền để phòng bị cho bất cứ tình huống nào. Thế nên dù đầu tư có muôn hình vạn trạng, gửi tiết kiệm vẫn không bao giờ "thất thế".
2. Ngoại tệ - Không dễ kiếm
Là hình thức kiếm chênh lệch khi thu mua - bán lại ngoại tệ, đầu tư ngoại hối không quá xa lạ với dân tình Việt Nam. Hình thức đầu tư này còn được đánh giá cao bởi những người có tiền nhàn rỗi, muốn kiếm lợi nhưng không biết rót vào đâu.
Tuy nhiên, tương tự như kênh tiết kiệm, thời gian qua nhà đầu tư cũng sẽ không "kiếm ăn được" với kênh ngoại tệ, đây là thực tế diễn ra trong nhiều năm nay khi tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốt.
Chính vì vậy, với vốn nhỏ vẫn có thể đầu tư được ngoại hối chỉ có điều đầu tư ít, tiền lời thu được cũng không cao hay chênh lệch với vốn nhiều cho lắm. Muốn kiếm lời từ ngoại hối, số tiền bạn bắt buộc phải rót vào không hề nhỏ tí nào.
Trong khi đó, vì là tiền tệ, thị trường ngoại hối biến động từng phút, từng giây và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai… hoặc bị lạm phát, mất giá khiến người đầu tư nếu không nắm rõ và nghiên cứu thị trường có thể thua lỗ sạch.
3. Vàng - Kênh đầu tư khó đoán định
Với người Việt Nam, theo quan niệm từ lâu đời nay vàng đã là món tài sản giá trị được nhiều người chọn mua để dành. Chưa kể, trong nhiều năm qua, giá vàng liên tục tăng khiến ngày càng nhiều người đầu tư vào hình thức này.
Thực tế chứng minh kênh đầu tư này có rất nhiều ưu điểm như: tính thanh khoản cao, có giá trị tích trữ không sợ lạm phát, có thể gửi tiết kiệm. Nhưng song song với đó đây cũng là kênh đầu tư rất khó đoán định và không chắc chắn nhất trong số các kênh đầu tư.
Tuy nhiên, cũng có chuyên gia kinh tế nhận định trong thời gian tới giá vàng có thể sẽ được đẩy lên, nhà đầu tư có thể thu lời từ kênh đầu tư này.
4. Bất động sản - Kênh đầu tư yêu thích
Đất đai, nhà cửa đều là những tài sản giá trị cao, thu lời khủng khiến đầu tư bất động sản thực sự trở thành lĩnh vực yêu thích của rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Suốt những năm qua, hầu như năm nào cũng có những cơn sốt mua nhà đất bùng nổ tại nhiều nơi.
Theo nhiều chuyên gia, đây là kênh đầu tư rủi ro nhưng được nhà đầu tư rất ưa chuộng bởi thực tế cho thấy đây vẫn là kênh kiếm tiền "ngon ăn nhất". Năm 2021 đã chứng minh điều đó. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, sang năm 2022 nợ xấu lộ diện, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện đã hụt hơi có thể sẽ phải "bán đổ bán tháo" tài sản của họ. Khi đó, nhà đầu tư có thể "ôm" vào và chỉ đến cuối năm 2022 hoặc sau 1 năm khi nền kinh tế phục hồi, thị trường bất động sản sẽ lại nóng lên có thể bán chốt lời sẽ "rất ngon", tỷ suất sinh lời có thể gấp đôi, gấp 3 lãi suất tiết kiệm.
Tuy nhiên, đây là kênh đầu tư cần vốn lớn, lời lớn kèm theo đó là rủi ro cao như dễ bị làm giá, dễ bị lừa đảo và tính thanh khoản thấp. Chính vì vậy, nhà đầu tư cũng cần phải "chắc tay" khi tham gia sân chơi này.
5- Chứng khoán - Thời kì lên ngôi
2021 thật sự là năm của chứng khoán. Nhà nhà chơi chứng khoán, người người chơi chứng khoán - từ quán cà phê vỉa hè đến MXH, nơi đâu cũng có thể bắt gặp những câu chuyện về các mã cổ phiếu, về khớp lệnh, lời lỗ. Hàng loạt những người trẻ giàu lên nhanh chóng sau khi "nhập sàn", song cũng có nhiều người "trắng tay" vì hình thức đầu tư này.
Với hàng trăm mã chứng khoán đang được niêm yết trên sàn, với số vốn chỉ từ vài trăm nghìn, ai cũng có thể tham gia vào sân chơi nóng này. Thực tế cho thấy, trong năm qua không ít nhà đầu tư "x5, x7" tài khoản khi đầu tư đúng mã, đúng thời điểm.
Ở chiều ngược lại, tình trạng "mua đỉnh bán đáy" cũng xảy đến với không ít tay chơi khi nền tảng kiến thức hạn chế và bị ảnh hưởng bởi tâm lý FOMO.
Muốn đầu tư chứng khoán an toàn, nhà đầu tư bắt buộc phải có kiến thức cơ bản để có thể tự mình mua và bán, ra quyết định trong trường hợp cần thiết để tránh thua lỗ nặng nề. Chưa kể, để đầu tư hiệu quả ngoài kiến thức cơ bản thì cũng phải bỏ công tìm hiểu sát sao về tình hình kinh tế, hiểu rõ về cổ phiếu mình mua để đảm bảo chiến lược đề ra ban đầu được thực hiện mà không bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông khi thị trường biến động.
Dự báo, với xu thế hiện nay, sang năm 2022 chứng khoán sẽ vẫn tiếp tục là kênh đầu tư được ưa chuộng.