Giữa thời đại công nghệ số, đây là ngành học với nhiều cơ hội việc làm, còn được miễn giảm học phí, phù hợp với các bạn trẻ năng động và yêu thích công nghệ.
Ngành Sư phạm Công nghệ “rộng cửa” việc làm
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tất Thắng - Trưởng Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng thời là Tổng Chủ biên sách giáo khoa Công nghệ, bộ sách Cánh Diều chia sẻ: Môn Công nghệ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học có nhiều điểm mới, một trong số đó là “tích hợp giáo dục STEM”, giáo dục định hướng nghề nghiệp.
STEM là một mô hình giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học tập dựa trên sự tích hợp những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Math) nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội, có thể tác động tích cực đến sự thay đổi của nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Chính vì thế, yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng của giáo viên Công nghệ hiện nay đang ngày một tăng. Ngành Sư phạm Công nghệ được dự đoán sẽ nắm giữ vai trò trọng yếu trong việc cung cấp nguồn nhân lực có năng lực phù hợp với nhu cầu thị trường lao động trong kỷ nguyên số.
Sư phạm công nghệ là ngành học "lên ngôi" giữa thời đại số
TS Nguyễn Tất Thắng cũng nhận định, Công nghệ là môn học bắt buộc ở giai đoạn giáo dục từ tiểu học tới THPT và cần giáo viên có chuyên môn về Sư phạm Công nghệ giảng dạy. Do đó, Bộ GD&ĐT đã bổ sung ngành đào tạo Sư phạm công nghệ vào Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học, ban hành theo thông tư 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Lê Thị Xinh - Phó trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, trong đợt tuyển dụng giáo viên năm học 2023-2024, nhu cầu tuyển giáo viên môn Công nghệ (cấp trung học cơ sở) của thành phố là 25 người, thế nhưng chỉ tuyển được 5 người.
Có thể thấy, mặc dù ngành giáo dục không phân biệt môn chính, môn phụ nhưng trong nhận thức xã hội vẫn thường có sự phân biệt, không ít người xem Công nghệ là môn phụ. Vì vậy, nếu muốn phụ huynh hay học sinh hiểu được tầm quan trọng của môn Công nghệ cần phải tập trung vào vai trò của khoa học công nghệ và định hướng nghề nghiệp cho học sinh về lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ (lĩnh vực STEM) - những lĩnh vực có triển vọng rất lớn trong nền công nghệ 4.0.
Thạc sĩ Lê Thị Xinh cũng nhận định, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực như hiện nay, ngành Giáo dục cũng không ngoại lệ. Trong các ngành Sư phạm, ngành Sư phạm Công nghệ có vai trò quan trọng và đang rất cần thiết. Các trường phổ thông có nhu cầu rất lớn đối với việc tuyển dụng giáo viên môn Công nghệ.
Chương trình đào tạo Sư phạm Công nghệ có gì nổi bật?
Hiện nay, ngành Sư phạm Công nghệ đang được đào tạo ở nhiều trường đại học như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Nông Nghiệp, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM… Với chương trình Sư phạm Công nghệ - Giáo dục STEM tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức đầy đủ về Toán và khoa học (Vật lý, khoa học máy tính) đủ để giải quyết các vấn đề kỹ thuật, công nghệ trong chương trình.
Ngành Sư phạm Công nghệ phù hợp với những bạn trẻ có đam mê trong lĩnh vực công nghệ
Cùng với đó là tri thức và năng lực nền tảng về kỹ thuật, công nghệ thuộc các lĩnh vực cơ khí, động lực, điện và điện tử, các kỹ thuật, công nghệ chuyên ngành thuộc một trong ba lĩnh vực: Công nghệ và giáo dục STEM; Công nghệ IoT; Công nghệ điều khiển - tự động hóa. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng chú trọng phát triển ở sinh viên những năng lực, kỹ năng cần thiết để thích ứng với bối cảnh mới về khoa học và công nghệ như: Năng lực công nghệ, tư duy thiết kế, tư duy phản biện, tư duy đổi mới sáng tạo.
Năm 2023, điểm chuẩn xét tuyển đại học theo phương thức dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT của ngành Sư phạm công nghệ của trường Đại học Sư phạm Hà Nội là 21,15 điểm.
Trong khi đó, ngành Sư phạm công nghệ tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM bắt đầu tuyển sinh từ năm 2023, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi THPT là 19,7 điểm và theo phương thức điểm học bạ là 20,25 điểm. Chương trình đào tạo của ngành tại trường trang bị cho sinh viên kiến thức và lập luận về kỹ thuật, công nghệ, sư phạm; rèn luyện khả năng nhận biết, phân tích, thiết kế, triển khai, vận hành các hoạt động giáo dục, các ứng dụng công nghệ trong nhiều môi trường làm việc từ các cơ sở đào tạo đến các tổ chức, doanh nghiệp,...
Ngoài ra, tại Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, chương trình đào tạo ngành Sư phạm công nghệ cũng đào tạo đầy đủ cho sinh viên kiến thức từ cơ bản đến hiện đại về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; kiến thức tâm lý, giáo dục, lý luận và phương pháp dạy học hiện đại trong dạy học công nghệ.
Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị kỹ năng dạy học, giáo dục hướng nghiệp theo nguyên lí giáo dục hiện đại; Phát triển các chương trình dạy học tích hợp, giáo dục STEM. Năm 2023, điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của ngành là 19,0 điểm.
Đặc biệt, khi theo đuổi ngành học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngoài việc được hỗ trợ 100% tiền đóng học phí và 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, sinh viên còn được hưởng nhiều chế độ chính sách như: Chính sách học bổng khuyến khích học tập, học bổng của các nhà tài trợ, học bổng thủ khoa, á khoa đầu vào; có cơ hội được đi thực tập hưởng lương tại các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc,…theo các chương trình hợp tác của Học viện với mức thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng.
Mùa tuyển sinh 2024, đây tiếp tục được dự báo là ngành học hot thu hút các bạn trẻ năng động, sáng tạo và yêu thích công nghệ.
Với kiến thức nền tảng, chuyên sâu về công nghệ - kỹ thuật được đào tạo bàn bản, sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ sau khi ra trường có nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Theo nhận định của TS Nguyễn Tất Thắng - Trưởng khoa Sư phạm và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngành học này có tỉ lệ cao sinh viên tốt nghiệp làm đúng chuyên môn được đào tạo, có vị trí việc làm đa dạng là một ngành học tốt bởi đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Xu hướng giáo dục STEM hiện nay mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm công nghệ. Họ có thể trở thành giáo viên STEM tại các tổ chức giáo dục khác nhau. Đặc biệt, sinh viên còn có cơ hội việc làm trong quá trình học tập tại giảng đường đại học, có cơ hội học thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành của khoa, theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.
Về cơ bản, mức lương khởi điểm các bạn nhận được có thể dao động từ 8 triệu đến 10 triệu đồng và sẽ còn phát triển hơn theo thời gian và kinh nghiệm làm việc.