Chất Aurmine vừa được cơ quan chức năng phát hiện trong măng tươi ở Đà Nẵng thật ra là chất vàng ô được dùng để nhuộm vải hoặc làm ve quét tường trong ngành xây dựng.
Ngày 31/3, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đà Nẵng đã chính thức xác nhận về việc kiểm tra, lấy 25 mẫu măng tươi, dưa cải tại các chợ, cơ sở chế biến trên địa bàn TP Đà Nẵng gửi đến Trung tâm Phân tích thí nghiệm TP HCM để kiểm tra chất cấm Aurmine. Qua kiểm tra 9 mẫu, kết quả phân tích cho thấy, 7 mẫu măng màu vàng có chứa chất cấm Aurmine.
Ngay sau khi công bố thông tin trên, nhiều người tiêu dùng rất lo lắng, khi măng là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người. Đáng nói hơn chất cấm Aurmine là một chất nhuộm vải, theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế của WHO (IARC) đây là chất đứng hàng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới.
Vậy chất Aurmine thực tế là gì? Theo các chuyên gia chất Aurmine không hề xa lạ đối với người dân, đây chính là chất vàng ô (tên khoa học là Aurmine) đã được cảnh báo rất nhiều, đặc biệt là việc sử dụng chất này trong chế biến thực phẩm như làm vàng măng, nuôi gà…
Nói về chất vàng ô, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết, vàng ô là hóa chất được nhập khẩu về từ nước ngoài, có công dụng để nhuộm màu sợi vải hoặc được sử dụng làm nguyên liệu làm ve quét tường trong ngành xây dựng. Chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm vì nó có hại cho sức khỏe của con người khi ăn các loại thịt có tồn dư chất này.
Người tiêu dùng hết sức lưu ý đến các loại măng có màu vàng.
Đồng quan điểm trên PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho biết, vàng ô (hay còn gọi là VAT Yellow) là hóa chất được dùng để nhuộm màu vải, nên khi được cho thêm vào thức ăn gia cầm hoặc nhuộm vàng các loại thực phẩm khác thì chất này sẽ có tác dụng như một loại chất nhuộm màu gián tiếp cho sản phẩm, khiến việc phát hiện thêm khó khăn.
Do đây là chất màu công nghiệp, không có nghiên cứu thực nghiệm. Nhưng căn cứ vào cấu tạo hóa học, Viện Ung thư quốc gia NCI Hoa Kỳ, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế (International Agency for Research on Cancer IARC), của Tổ chức Y tế thế giới WHO xếp các thuốc nhuộm VAT yellow thuộc nhóm 3 các chất gây ung thư. Ngoài tác hại gây ung thư, các thí nghiệm trên chuột còn cho thấy chất Aurmine O còn gây hại các tế bào gan, thận và tủy xương.
Trước thông tin măng tươi được tẩm loại hóa chất này, các chuyên gia cho biết để phân biệt măng có chứa hóa chất hay không khi mua măng cần quan sát bằng mắt thường hoặc ngửi mùi cũng có thể phân biệt được.
Đối với những loại măng ngâm hóa chất như chất vàng ô hoặc lưu huỳnh khi ngửi sẽ bị sặc mùi hóa chất lên mũi, đặc biệt là các mùi diêm sinh. Còn bằng mắt thường, khi thấy măng có bề ngoài nhẵn, bóng thì không nên mua.
Ngoài ra, các loại măng không hóa chất do được ngâm muối nên có màu hơi thâm đen, trong khi măng ngâm hóa chất có màu trắng phau, hoặc màu vàng đậm do được ngâm bột vàng. Đối với măng tự nhiên khi ngâm nước thường có màu vàng nhạt hoặc hơi thâm đen, còn măng hóa chất thì màu vàng đậm.
Sau khi chọn măng ngoài xong, PGS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, đối với tất cả các loại măng khi mua về người tiêu dùng trước tiên nên ngâm qua nước một thời gian, sau đó luộc kỹ bỏ nước rồi mới sơ chế.
“Việc làm này sẽ làm bay hơi độc tố có sẵn trong măng, đặc biệt là các loại măng tươi. Đồng thời, nó sẽ làm sạch phụ gia bảo quản bên ngoài măng khô và làm cho măng mềm hơn”, PGS Thịnh nói.
Một điều PGS Thịnh hết sức lưu ý đối với người tiêu dùng đó là không nên sử dụng măng quá nhiều nhất là măng luộc, bởi kể cả luộc kỹ, nếu sử dụng thường xuyên vẫn gây ngộ độc và suy nhược cơ thể.