Ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường được thiết kế theo lối kiến trúc ba gian, hai chái, lợp ngói âm dương... vô cùng cổ kính và xưa cũ.
Miền Trung: Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế có nhiều nhà cổ mang dấu ấn đặc trưng của vùng với lối kiến trúc nhà vườn hài hoà với tự nhiên. Đặc biệt, trải qua bao tháng năm, những công trình này vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính, điển hình như nhà cổ Tích Thiện Đường ngụ tại làng Thái Thai, xã Hoà Nhơn (Hoà Vang, Đà Nẵng).
Ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường đã tồn tại hơn 200 năm, nằm bên làng cổ Tuý Loan như sợi dây kết nối quá khứ và hiện tại. Chủ nhân của nó là ông Đỗ Hữu Minh – người luôn trăn trở với những giá trị cổ kính của ngôi nhà mà cha ông để lại.
“Ở cái vùng này, ai cũng biết ông Minh luôn tỉ mỉ, chăm chút từng góc nhỏ của ngôi nhà bằng tình cảm chân thành. Ông ấy làm tất cả để ngôi nhà không bị xuống cấp theo thời gian. Hiện tại ông ấy đã và đang làm được khiến chúng tôi không khỏi nể phục. Hơn cả ông ấy chính là người giúp cho làng quê này phát triển ngành du lịch”, dì Vũ Diệu (58 tuổi) – một người dân sinh sống tại Hoà Nhơn cho biết.
Ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường đã tồn tại hơn 200 năm, nằm bên làng cổ Tuý Loan như sợi dây kết nối quá khứ và hiện tại.
Cũng theo người phụ nữ, khi đặt chân đến ngôi nhà cổ Thích Thiện Đường, chúng ta sẽ có cảm giác bình yên và thư thái, thoát khỏi nhịp sống nhộn nhịp ngoài kia. “Đà Nẵng vốn được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất nhì Việt Nam nhưng tôi tin rằng hễ ai đặt chân đến ngôi nhà cổ sẽ phải thốt lên nơi đây đáng sống nhất. Bởi nó yên ả đến mức giống như đưa con người quay ngược trở về quá khứ vào bao năm trước”, dì Vũ Diệu cho biết.
Cổng vào của ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường.
Ông Hữu Minh cho biết, ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường được xây dựng từ thời ông cố nội của ông. Gia đình ông đã tu bổ ngôi nhà nhiều lần nhưng các giá trị cốt lõi vẫn còn nguyên vẹn. “Thời gian có thể thay đổi mọi thứ nhưng với tôi, ngôi nhà này là hình bóng của cha ông, là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Vì thế những giá trị đó không thể đánh đổi bằng thời gian hay tiền bạc.
Mẹ tôi luôn tự hào vì ngôi nhà này xưa là nhà thờ tự của gia đình, là “căn cứ” nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng. Tôi thấy mẹ kể rằng trong thời bom đạn chiến tranh, nhà may mắn vẫn còn nguyên vẹn và rất nhiều cán bộ ở chiến trường Quảng Đà đã từng ở đây.
Ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường được xây dựng từ thời ông cố nội của ông Hữu Minh. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)
Năm 1986, gia đình tôi được Đảng – Nhà nước trao tặng tấm bằng Huy chương Kháng chiến hạng nhì vì đã có nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chúng tôi luôn tự hào và trân quý điều đó”, ông Minh tâm sự.
Ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường được thiết kế theo lối kiến trúc ba gian, hai chái, lợp ngói âm dương với 36 cây cột lớn, hệ thống kèo, đà được các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng dày công chạm trổ. Những nét hoa văn trên gỗ mộc mạc ấy vẫn còn vẹn nguyên và nước gỗ đã lên mầu, đẹp mê đắm.
Ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường được thiết kế theo lối kiến trúc ba gian, hai chái, lợp ngói âm dương. (Ảnh Báo Đà Nẵng)
“Ở gian giữa của ngôi nhà có bức hoành phi với ba chữ Hán đại tự: Tích Thiện Đường, mang ý nghĩa răn dạy con cháu phải biết tích đức, làm điều thiện, sống nhân hậu với cuộc đời. Nhà được làm từ gỗ mít lấy từ Huế, Quảng Nam. Thậm chí toàn bộ bàn thờ, phản ngồi, cột nhà… làm từ gỗ mít, trải qua hàng trăm năm tuổi đã lên màu nâu bóng”, ông Minh cho hay.
Thời gian vừa qua, Uỷ Ban Nhân dân TP. Đà Nẵng đã kêu gọi đầu tư xâ dựng phát triển du lịch sinh thái đường sông tuyến Cẩm Lệ – Tuý Loan – Thái Lai và nhà cổ Tích Thiện Đường chính là điểm dừng chân dành cho du khách trong nước lẫn quốc tế. Bản thân ông Hữu Minh cũng tự đầu tư xây dựng các khu vực nhà chờ, nhà nghỉ để có thể tiếp đón người dân, du khách một cách chu đáo nhất khi đến tham quan nhà cổ.