“Nếu không được bảo vệ có thể nhiều người phải tìm đến cái chết để thoát khỏi ám ảnh và bế tắc sau khi bị bạo hành tình dục”, một người chuyển giới nam chia sẻ.
Ai sẽ bênh vực quyền lợi của họ?
TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho biết, tình trạng bạo lực tình dục đang gia tăng đáng báo động và có những diễn biến phức tạp. Không những phụ nữ, trẻ em, nam giới bị bạo lực tình dục mà ngay cả những người đồng tính, song tính và chuyển giới cũng bị lạm dụng tình dục. Họ đau đớn cho rằng, họ là đối tượng yếu thế trong xã hội nên không có người bảo vệ.
Bạn Nguyễn Minh Quân (TP.HCM) tâm sự: “Từ nhỏ em đã có những cử chỉ, lời nói, ăn mặc giống con gái. Năm lên cấp 2, em có sự khác biệt về cơ thể. Em thấy vòng 1 to dần ra".
Lo lắng nhưng Quân không dám nói với ai, em quyết tâm học đại học, kiếm tiền để phẫu thuật chuyển giới. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp, cầm tấm bằng loại khá đi phỏng vấn và bị từ chối. Nhà tuyển dụng phản hồi, nếu Quân muốn vào làm việc phải thay đổi bản thân, từ vóc dáng, hình thể, lời ăn tiếng nói…
Nhiều người đồng tính muốn tự tử vì bị ép quan hệ
Quá đau đớn, Quân chuyển nghề “bán dâm”. Do Quân có khuôn mặt ưa nhìn, lại cũng biết "chiều" khách tới bến nên rất đắt sô. Tuy vậy, nhiều lúc Quân cũng phải chịu nỗi nhục trên giường chiếu.
“Khách muốn khám phá, tạo thú vui cho họ nên Quân đành cắn răng chịu đựng, nhiều khi mệt, Quân chẳng muốn nhưng vẫn phải cố”, Quân nói.
Từ câu chuyện đau lòng của mình, Quân nói, làm nghề này, hằng ngày nhầy nhụa với "thân xác", bị ép quan hệ, bị đánh đập em cũng muốn các tổ chức bênh vực quyền tình dục của người đồng giới, chuyển giới.
“Nếu không được bảo vệ có thể nhiều người phải tìm đến cái chết để thoát khỏi ám ảnh và bế tắc sau khi bị bạo hành tình dục”, Quân nói.
Là người nghiên cứu về bạo lực tình dục đồng giới, bà Phan Thanh Nhàn, Tổ chức Open Group Việt Nam cũng bày tỏ: “Một người bị bạo lực tình dục luôn có khả năng kêu cứu, khiếu kiện, còn đối với người đồng tính bị dùng làm công cụ thỏa mãn tình dục cho những người khác thì ai sẽ bênh vực quyền lợi của họ?”.
Theo bà Nhàn, qua quá trình nghiên cứu bà thấy, tần suất bị lạm dụng tình dục có xu hướng người càng trẻ, nhỏ con. Cũng có những trường hợp người đồng tính chủ động trong quan hệ tình dục. Tuy nhiên, chỉ có số ít sử dụng bao cao su khi bị xâm hại tình dục. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp sử dụng biện pháp giảm nguy cơ thay thế bao cao su cũng như gel bôi trơn.
Từ những thực trạng bạo lực tình dục ở người đồng tính, bà Nhàn đề xuất cần có nơi đảm bảo dịch vụ y tế, tư vấn sức khỏe cho nạn nhân; Cần xây dựng cơ chế để cho các tổ chức xã hội dân sự/ tổ chức thiện nguyện có thể tiếp xúc, hỗ trợ người đồng tính, chuyển giới, song tính.
Đừng kỳ thị người chuyển giới
Bà Hoàng Tú Anh, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho biết, bạo lực đối với người người đồng tính, chuyển giới và song tính là khá phổ biến và với nhiều hình thức khác nhau gồm cả thể xác, tinh thần và tình dục.
Theo bà Tú Anh, một số nghiên cứu ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, đối với những người đồng tính, song tính, chuyển giới họ bị mọi người mắng chửi, lăng mạ, thậm chí, họ còn bị đánh, trói, bỏ đói, kiểm soát, cô lập, đưa đi điều trị cưỡng bức tại viện tâm thần, ép kết hôn, thậm chí ép quan hệ tình dục, gây áp lực bằng việc dọa tự tử…
Đại diện Viện nghiên cứu Kinh tế-Xã hội và Môi trường cũng biết 50% số người đồng tính bị bạo lực tình dục (bạo lực tinh thần từ 24-90%). Người đồng tính sợ bị kỳ thị nên không dám công khai, thừa nhận.
“Họ rơi vào bi kịch, cảm thấy cô độc, trầm cảm, sử dụng thuốc gây nghiện, tự tử, bỏ nhà, mại dâm, học hành kém, tự kỳ thị…”, đại diện Viện nghiên cứu Kinh tế-Xã hội cho hay.
Bà Nguyễn Vân Anh, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về giới- gia đình-phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết, từ năm 2009, Trung tâm có thực hiện chương trình tư vấn (điện thoại, mail, trực tiếp) cho người đồng tính. Bà Vân Anh nhớ đến một người đồng tính bị chồng ép quan hệ tình dục, bị bố mẹ gây bạo lực về tinh thần, sau khi được tư vấn đã quyết định sống thật với bản thân, ly hôn và lên kế hoạch lộ diện với gia đình để tránh những áp lực căng thẳng về tinh thần.
Bà Nguyễn Vân Anh, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về giới- gia đình-phụ nữ và vị thành niên
Theo các chuyên gia, hiện, Luật phòng chống bạo lực gia đình ở Việt Nam vẫn chưa nhắc đến nhóm những người đồng tính, song tính và chuyển giới vì thế điều quan trọng lúc này cần phải có những chương trình truyền thông sâu rộng, các dịch vụ hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe, việc làm, giám dục, pháp lý cho họ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, người bảo vệ cho quyền lợi của người đồng tính, song tính, chuyển giới cho biết, để hạn chế tình trạng bạo lực tình dục đối với những người này cần truyền thông mạnh để chống kỳ thị, phân biệt đối xử. “Xã hội phải thừa nhận người đồng tính là một thực thể không thể tách rời của cộng đồng; pháp luật phải sớm công nhận quyền được sống thật với bản dạng giới của người đó; pháp luật phải bảo vệ họ một cách quyết liệt và người đồng tính cũng phải đấu tranh để tự bảo vệ mình...”, ông Quang nói. |