Chồng chết, chị Quỳnh như muốn ngục ngã vì không biết sẽ phải đối diện với tương lai phía trước ra sao.
Ghé Biên Hoà (Đồng Nai) hỏi thăm người phụ nữ 35 tuổi có 7 đứa con ai cũng hay biết bởi hoàn cảnh vô cùng bi thương: góa chồng, một mình gồng gánh nuôi đàn con thơ. “Ở xứ này, chị Quỳnh là người khổ hạnh, lại đông con. Năm ngoái chồng chị ấy ngã bệnh rồi ra đi, bỏ ra 7 đứa con: 5 gái, 2 trai. Giờ chị ấy làm việc không ngừng nghỉ, chỉ mong đủ tiền nuôi cái ăn cho đám nhỏ. Còn chuyện học hành, chị ấy không gánh nổi nên các con thất học cả.
Chúng tôi thương lắm nhưng chẳng giúp đỡ được gì vì cùng là dân lao động, chạy vạy từng bữa ăn. Giờ tất cả chỉ hi vọng mạnh thường quân thấy được sẽ chung tay giúp đỡ để mấy đứa trẻ được đến trường”, chị Lan – người hàng xóm cùng dãy trọ với gia đình chị Quỳnh cho hay.
Chị Lan nói xong liền dẫn đến nơi ở của 8 mẹ con chị Quỳnh – phòng trọ rộng vỏn vẹn chục mét vuông, bên trong chỉ có chiếc kệ đặt di ảnh của người đàn ông ngoài 40 tuổi, nồi niêu xoong chảo và mấy chiếc chiếu đã được cuộn tròn. “Người “ngồi” trên đó là chồng của tôi, cha của 7 đứa trẻ. Anh ấy thích trẻ con lắm, cứ bầu là đòi đẻ và khẳng định nuôi con không hề khó khăn. Vậy mà anh ấy lại rời xa mãi mãi, mặc cho tôi nuôi nấng đám nhỏ”, người phụ nữ 35 tuổi mở đầu câu chuyện.
Chị Quỳnh lấy chồng từ lúc vừa tròn đôi mươi, sau đó sinh con gái đầu lòng trong sự vui mừng của họ hàng đôi bên. Chị bàn tính với chồng nên kế hoạch để có thể tập trung làm kinh tế, kiếm tiền nuôi con.
Chị Quỳnh và hai đứa con út.
“Vậy mà một năm sau, tôi lại bầu đứa nữa. Anh ấy động viên đằng nào cũng đẻ thì nên đẻ một thể để chăm rồi làm giàu cũng chưa muộn. Song tôi lại đẻ liên tiếp 7 đứa con trong vòng 14 năm. Tôi biết đẻ nhiều sẽ chẳng bao giờ thoát được nghèo, con cái nheo nhóc nhưng không thể thay đổi được số phận”, chị Quỳnh buồn rầu cho biết.
Khi được hỏi vì sao không sử dụng biện pháp tránh thai, người đàn bà góa thật thà cho biết bản thân ít học, lại không biết cách tránh thai hiệu quả nên cứ đẻ xong là bầu tiếp. Chị lại không muốn tước đoạt quyền sống của con, vì thế quyết định để đẻ.
“Chồng tôi nói rằng trời sinh voi ắt có cỏ, không phải lo đến việc nuôi nấng các con. Hơn cả anh nói bản thân là trụ cột gia đình, sẽ gồng gánh tất cả. Còn tôi ở nhà làm nội trợ và chăm sóc đám nhỏ. Tôi nghe anh nói thế cảm thấy yên tâm về tương lai phía trước lắm”, chị Quỳnh nhớ lại.
Người đàn ông đã rời quê lên thành phố kiếm việc làm với hi vọng có tiền gửi về cho vợ nuôi con. Anh cần mẫn làm mướn đủ việc, miễn không vi phạm pháp luật. Thậm chí anh còn tính toán tích cóp tiền để vài năm nữa mua một mảnh đất, dựng ngôi nhà cho các con có chốn ăn ở tử tế.
Đàn con nheo nhóc của người đàn bà góa.
“Nhưng người tính chẳng bằng trời tính. Đợt dịch COVID-19 bùng phát, anh ấy đã nhiễm bệnh và tràn dịch màng phổi. Tôi sốt ruột bảo anh xin nghỉ về quê chữa trị dứt điểm và bồi bổ một thời gian.
Vài tháng sau, anh khoẻ khoắn hơn lại trở về thành phố tiếp tục công việc. Ai cũng nói vợ chồng tôi ăn ở hiền lành nên trời thương. Ngờ đâu anh bất ngờ phát bệnh – khi đó bệnh đã phát qua gan, chẳng thể cứu chữa nổi”, chị Quỳnh bật khóc.
Người đàn ông cứ thế ra đi, bỏ mặc vợ và 7 đứa con nheo nhóc. Chị Quỳnh như muốn ngục ngã vì không biết sẽ phải đối diện với tương lai phía trước ra sao. Tuy nhiên chị nghĩ đến đàn con đành gắng gượng đứng dậy, vừa làm mẹ vừa hoàn thành trách nhiệm của người cha.
“Tôi giận chồng lắm, không chịu giữ lời hứa. Và mỗi lần nghĩ tới anh, tôi càng mạnh mẽ hơn để thực hiện nốt ý nguyện đó. Tôi đi làm mướn cho người ta với mước lương 230 nghìn đồng/ngày, đủ mua sữa cho 2 thằng út, mua gạo, muối mắm,… Còn chuyện cho chúng đi học thì không thể được nên tất cả thất học.
Có người thấy tôi vất vả bảo sao không cho con đi cho đỡ cực. Tôi chỉ biết cười, làm sao đủ can đảm để cho đi máu mủ của mình chứ. Tôi thà nhịn đói để nhường manh áo phần cơm cho con chứ không cho đi”, chị Quỳnh bộc bạch.
Sau đó chị Quỳnh chỉ tay giới thiệu từng đứa con: “Đây là Gấm – con gái lớn, năm nay 14 tuổi. Cháu ở nhà phụ tôi trông em, cũng chưa thể đi làm kiếm tiền vì chưa đến tuổi lao động. Kế là Thu, Hiền, Út Lủn, Út Nhỏ và Gấu, Gạo. Hiện song Út đang ở bên nội chơi 3 tháng hè. Sau đó tôi sẽ đón các con về cho vào nhà dòng học chữ.
Tôi rất hi vọng rằng sắp tới cuộc sống ổn để bản thân có thể “khoe” với ông xã rằng: “Không có anh, em vẫn làm tốt mọi thứ””.