"Đáng nhẽ Ly phải có một đám cưới thật đẹp nhưng vì một vài lý do mà không có lễ cưới nào cả. Gia đình cô ấy tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ, còn nhà tôi không có. Đến ảnh cưới của hai vợ chồng cũng không chụp. Tôi luôn suy nghĩ về việc này và cảm thấy đời này nợ cô ấy nhiều thứ”, người đàn ông khiếm thị rưng rưng.
Ở Tiền Giang có một cặp vợ chồng “đũa lệch” cùng tuổi rất dễ thương khiến bao người không khỏi hâm mộ tình yêu của họ. Đó là anh An (SN 1986) – người khiếm thị và chị Ly – người tí hon, cao vỏn vẹn 1m1.
“Cặp đôi nổi tiếng ở xứ này! Các bạn chỉ cần nhắc đến An và Ly cùng thằng nhỏ tên Phú là ai cũng hay biết, thậm chí có thể kể vanh vách về hoàn cảnh đầy đáng thương. Song chúng tôi luôn khâm phục ý chí vượt mọi nghịch cảnh của họ.
An làm nghề mát xa do là người khiếm thị, được học cái nghề tử tế để mưu sinh. Còn Ly vốn là thợ may nhưng đợt này thất nghiệp, ở nhà chăm sóc thằng cu. Bà con trong ấp thi thoảng lại cho ít gạo, mì ăn liền hoặc nhu yếu phẩm”, chị Hồng – một người dân sông cùng ấp với vợ chồng anh An cho hay.
Anh An và chị Ly hạnh phúc bên nhau.
Sau đó người phụ nữ dẫn chúng tôi đến nơi ở của vợ chồng anh An. Căn nhà ống cấp 4, vẫn còn mới mùi sơn và mọi đồ đạc được sắp xếp ngăn nắp. Điều đó đủ chứng minh cặp vợ chồng rất chăm chút cho tổ ấm nhỏ dù cơ thể có nhiều khiếm khuyết.
Anh An tâm sự: “Ngôi nhà này được xây dựng cách đây 4 năm. Hồi đó vợ chồng ở Sài Gòn làm có tích cóp được mớ tiền, sau đó quyết định về quê sinh sống, tránh xa xô bồ nơi đô thị. Cả hai tính xin đất của ba mẹ để dựng cái nhà tạm, làm chốn ở rồi chăm chỉ kiếm sống xây nhà vững chãi sau. Ngờ đâu ba mẹ cho thêm mớ tiền nữa, thế là dựng được cái nhà này đó.
Chúng tôi về ở nhà mới được một thời gian thì ba mất, mẹ bệnh từ ngày đó đến giờ. Nghĩ buồn lắm nhưng chẳng biết phải làm gì ngoài nỗ lực vượt lên số phận”.
Chồng vừa dứt lời, chị Ly từ từ nhớ lại quá khứ - thời điểm cách hiện tại 6 năm – khi cả hai bắt đầu quen nhau rồi nên nghĩa vợ chồng, mặc sự cấm cản của hai bên gia đình. Chị kể rằng khi ấy chị với anh An cùng tham gia một hội nghị dành cho người khiếm khuyết. Chị đã ấn tượng với đức tính hiền lành và chân chất của chàng trai khiếm thị. Thế rồi chị dành tình cảm trọn vẹn cho anh.
6 năm bên nhau, cặp đôi có một con trai kháu khỉnh.
Chị quyết định về thưa chuyện với mẹ và anh chị em ở Vĩnh Long. Song mẹ chị đã phản đối kịch liệt, không muốn con gái gả cho người đàn ông không nhìn thấy đường. “Mình thương anh An nên chẳng nghĩ gì tới chuyện chênh lệch về ngoại hình. Hơn nữa nghĩ đi nghĩ lại, anh An khiếm thị, còn mình tí hon… kể ra cũng cân xứng mà. Nhưng mẹ mình không chấp nhận anh, sợ mình đã thiệt thòi, lấy chồng lại khổ và phải gánh vác gia đình. Mình kiên quyết nên mẹ và cô dì chú bác phải gật đầu đồng ý”, chị Ly nhớ lại.
Về phía gia anh anh An, mẹ anh phản đối và không chấp nhận chị Ly làm con dâu. Bà cho rằng anh An không nhìn thấy đường, giờ lấy người vợ tí hon sẽ khiến cuộc sống vốn khổ càng cực hơn. Và anh đã kiên trì thuyết phục mẹ chấp nhận chuyện này, chứng minh tình cảm của cả hai là thật lòng, cùng nhau vượt mọi gian khổ trong cuộc sống.
“Cuối cùng hai gia đình đã đồng ý cho chúng tôi lấy nhau. Đáng nhẽ Ly phải có một đám cưới thật đẹp nhưng vì một vài lý do mà không có lễ cưới nào cả. Gia đình cô ấy tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ, còn nhà tôi không có. Đến ảnh cưới của hai vợ chồng cũng không chụp. Tôi luôn suy nghĩ về việc này và cảm thấy đời này nợ cô ấy nhiều thứ”, người đàn ông khiếm thị rưng rưng.
Vì con có bệnh, chị Ly luôn ân cần chăm sóc.
Cưới nhau một thời gian, anh An vỡ oà hạnh phúc khi chị Ly mang thai. Cả hai háo hức chờ đợi ngày con chào đời và không khỏi lo lắng con sẽ mang gen xấu của cha lẫn mẹ. Tháng nào họ cũng chăm chỉ đi thăm khám và nhận được câu trả lời từ bác sĩ con trai hoàn toàn bình thường.
“Em nhỏ người, mang thai ai cũng nghĩ sẽ khó khăn và ảnh hưởng đến sức khoẻ. Song em hoàn toàn bình thường như những mẹ bầu khác. Mỗi lần em đi khám thai, bác sĩ đều chúc mừng vì em bé phát triển đúng mốc và không lấy tiền.
Em nhớ ngày sắp sinh thằng cu vẫn đi chợ buôn bán khiến tiểu thương trong chợ ngỡ ngàng. Sau đó em đã sinh một bé trai kháu khỉnh và đáng yêu. Em cứ ngỡ ông trời cuối cùng cũng công bằng với vợ chồng em. Ngờ đâu sau này em mới phát hiện con bị động kinh cục bộ’, chị Ly xót xa.
Bé Phú đã cao hơn mẹ nhiều.
Hiện tại tháng nào vợ chồng anh An cũng phải đưa bé Phú lên Sài Gòn thăm khám và lấy thuốc về uống. Điều đó càng khiến cho cuộc sống của cặp đôi khó khăn hơn rất nhiều. Anh tâm sự: “Tôi về đây mở tiệm mát xa tại nhà mà ế khách quá trời. Có khi cả tuần cũng chẳng có lấy mống khách nào ghé tới.
Còn bà xã vốn có tay nghề về may má nhưng chẳng có công ty nào nhận cả vì người nhỏ bé quá, đành phải ở nhà chăm sóc thằng nhỏ. Tôi tính lên Sài Gòn làm để kiếm tiền nhiều hơn mà nghĩ đến hai mẹ con ở nhà cũng chẳng ổn. Tôi chỉ mong ước có đủ tiền để hàng tháng đưa con đi chạy bệnh thôi”.
Mặc dù bé Phú mắc bệnh động kinh, thi thoảng lại lên cơn co giật nhưng khi khoẻ mạnh rất ngoan ngoãn và nghe lời cha mẹ. Bé sắp lên 5 tuổi, cao hơn chị Ly rất nhiều. Vì thế anh chị cảm thấy được an ủi phần nào, nghĩ tích cực đến tương lai để phấn đấu cho cuộc sống của con.