"Tôi khổ nhưng có danh dự của bản thân. Tôi thà vất vả đi lượm ve chai rồi bán bao nhiêu ăn bấy nhiêu còn hơn đi xin người ta. Tôi quan niệm sống là phải sống làm sao để cho ra con người" - ông Sơn nói.
Ghé Thuận An (Bình Dương) hỏi thăm người đàn ông vô gia cư tên Trần Ngọc Sơn (65 tuổi) ai cũng hay biết và tường tỏ rõ chuyện đời tư. Bởi ông mang một nhân cách sống đáng ngưỡng mộ cùng chiếc mũ "nhà vua" vô cùng đặc biệt.
"Ông Sơn chỉ có một mình, không vợ không con không gia đình. Hằng ngày ông đội chiếc mũ tự "sáng tạo" rồi đạp xe rong ruổi khắp thành phố tìm người chị gái đã thất lạc bao năm! Trước chúng tôi thấy ông ấy tội nghiệp liền cho tiền và đồ ăn nhưng bị từ chối. Ông ấy bảo nghèo nhưng vẫn còn sức khỏe, có thể lao động kiếm tiền tự nuôi bản thân, không muốn lợi dụng lòng thương của mọi người", chị Khánh Ngọc (32 tuổi) - bán nước mía ngay đầu hẻm nơi ông Sơn hay qua lại cho biết.
Sau đó chị Khánh Ngọc dẫn chúng tôi đến gặp người đàn ông vô gia cư. Ông vận bộ quần áo đã sờn cũ từ lâu, đội chiếc mũ độc nhất vô vị với hàng trăm họa tiết được trang trí trên đó. Ngoài ra ông còn sở hữu gia tài là chiếc xe đạp cà tàng đựng đầy đồ dùng sinh hoạt cá nhân, đồng thời là phương tiện mưu sinh trên mọi nẻo đường.
Ông Sơn chỉ có một mình, không vợ không con không gia đình.
Nhắc đến chiếc mũ có 1-0-2 đội trên đầu, ông Sơn bỗng tự hào về bản thân: "Tôi chắc chắn trên đời này chẳng có ai có thể tự sáng chế ra được chiếc mũ giống như này. Và đây cũng không phải chiếc mũ bình thường đâu, đó là long mão (tức mũ rồng) đó. Những viên đá, chiếc kẹp tóc, phật quan tâm hay con cá chép... đều được tôi đi lượm nhặt và kỳ công đính lên.
Nhiều người gặp tôi đã khen chiếc mũ như một bộ sưu tập mang đậm chất đường phố đấy. Họ còn ví nó có nét giống mũ của vua chúa thời xưa nên gọi tôi là "nhà vua"".
Biệt danh "nhà vua" đã đi theo người đàn ông vô gia cư suốt mấy chục năm qua. Vì vậy ông hài hước cho rằng nếu ai muốn mua chiếc long mão này phải đấu giá với số tiền khởi điểm 20 triệu đồng. Còn người nào yêu thích thật lòng và cảm thấy có duyên, ông sẵn sàng tặng luôn chứ không lấy tiền.
Về chiếc xe đạp cà tàng đã gỉ, ông Sơn nói: "Trông nó cũ vậy chứ chắc chắn lắm. Tôi độ đi đội lại hẳn 2 chiếc chân chống, đằng sau kê thêm chiếc thùng lớn để đựng đồ, còn phía trước gắn thêm gương. Nó giống như ngôi nhà di động của riêng tôi, đi cùng chủ nhân một thời gian dài qua bao nẻo đường ở vùng đất này rồi".
Biệt danh "nhà vua" đã đi theo người đàn ông vô gia cư suốt mấy chục năm qua.
Với chừng ấy câu chuyện đủ để chúng tôi thấy ông Sơn tuy nghèo nhưng vô cùng lạc quan và yêu đời. Ông quan niệm dù bản thân vô gia cư, chẳng có nơi để về nhưng cần có giá trị và lòng tự trọng. Vì thế nhiều người thương hoàn cảnh khó khăn sẵn sàng cho tiền nhưng không đều từ chối nhận.
"Có một chị bán bánh mì ở con đường mà tôi hay đi lượm ve chai thường ngỏ lời tặng bánh. Tôi biết người ta thương và quý mình nên mới có tấm lòng như thế. Tôi nhận nhưng với điều kiện chị ấy phải lấy tiền vì bánh cũng đi mua buôn từ người khác, chứ có phải miễn phí đâu", ông Sơn kể.
Dứt lời, người đàn ông nghèo nói tiếp: "Tôi khổ nhưng có danh dự của bản thân. Tôi thà vất vả đi lượm ve chai rồi bán bao nhiêu ăn bấy nhiêu còn hơn đi xin người ta. Tôi quan niệm sống là phải sống làm sao để cho ra con người. Tôi ăn bao nhiêu, trả tiền bấy nhiêu còn hơn ngửa tay xin ăn. Ngoài kia còn bao người khó khăn hơn tôi họ vẫn lao động và tự nuôi sống bản thân, huống gì mình lành lặn lại có sức khỏe".
Ông Sơn cùng chiếc mũ độc đáo khiến ai gặp lần đầu cũng phải chú ý.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao suốt ngày rong ruổi khắp mọi con đường ở Bình Dương, ông Sơn trầm ngâm một hồi lâu. Sau đó ông bảo muốn tìm chị gái ruột tên Trần Thị Ngọc Phượng (SN 1949) nên đã đạp xe 51 năm qua. Ông kể hai chị em được sinh ra tại Campuchia, sau đó do một vài sự cố mà thất lạc nhau. Ngày còn trẻ, ông đạp xe lên tận Đồng Nai, Bình Phước, Đà Lạt, Đắk Nông,…để tìm chị song không một tin gì.
Vài năm qua, người đàn ông hay tin chị gái ở Bình Dương đã chuyển xuống đây mưu sinh và tìm kiếm với hi vọng được gặp lại chị ruột sau bao năm cách xa. Đó cũng là lý do ông ông có nhà và gia đình. "Không phải tôi không muốn có gia đình, có một người để yêu thương mà do hoàn cảnh nay đây mai đó nên chẳng ai dám thương", ông bộc bạch.
Ông Sơn sống bằng nghề thu nhặt ve chai.
Để duy trì cuộc sống, ông Sơn thường ngày đi dọc quốc lộ 13 để lượm ve chai bán lấy tiền. Khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, mỗi ngày ông có thể kiếm từ 60.000 - 70.000 đồng. Song dịch lây lan nhanh đã khiến thu nhập của ông trở nên thấp và bấp bênh.
"Tôi giờ già rồi, ăn có đáng bao nhiêu đâu. Vì thế tôi không mấy bận tâm đến chuyện tiền nhiều hay ít. Tôi chỉ mong ước có thể tìm thấy chị gái rồi rời xa thế giới này cũng được rồi", người đàn ông vô gia cư tâm sự.