"Thấy tôi chăm chỉ và thương con gái riêng, bà ấy đã thú nhận rằng trước kia cũng sợ tôi không tốt với con gái bà. Tôi chỉ cười rồi bảo cả đời này sẽ coi cái Hường là con ruột, yêu thương nó đến khi tôi nhắm mắt xuôi tay. Như thế bà ấy mới an tâm và sống
Người xưa có câu “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”, song đời thực vẫn có nhiều cha dượng, mẹ kế lo cho con vợ, con chồng như con ruột. Điển hình như câu chuyện về người cha dượng một lòng một dạ chăm sóc con gái bị tâm thần của vợ dưới đây.
"Thân cò" một mình nuôi nấng con gái bị tâm thần
“Ai ngang qua căn biệt thự bỏ hoang ở ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây (Cần Giuộc, Long An) cũng sẽ sợ hãi với tiếng cười phát ra từ đó. Nhưng đối với chúng tôi điều này chẳng có gì lạ lẫm cả bởi đó là tiếng cười của cái Hường (SN 1990) bị tâm thần.
Nó đã qua tuổi băm nhưng nhỏ nhắn lắm, chẳng biết nói, chỉ thích cười rồi khóc lóc. Nó là con gái của bà Nga”, chị Ánh Hồng – một người hàng xóm sống gần căn biệt thự bỏ hoang cho hay.
Bà Nga mồ côi từ khi lên 10 tuổi, sống lay lắt trên chiếc ghe mục nát. Năm 16 tuổi, bà “chuyển nhà” lên bờ dựng căn lều kiếm kế sinh nhai. Sau đó 3 năm, bà lập gia đình và sinh được hai người con: một trai – một gái.
“Hai đứa trẻ cứ dần lớn nhưng lại không phát triển như con nhà người ta. Nếu đứa trẻ 2 tuổi bắt đầu tập nói bi bô, gọi mẹ gọi cha thì con tôi cứ im lìm. Mãi đến năm thằng cả 10 tuổi mới biết đi, còn cái Hường suốt 12 năm chỉ biết bò và lết người”, bà Nga đứt từng khúc ruột khi nhắc đến các con.
Hường - đã qua tuổi 30 nhưng nhỏ nhắn, chẳng biết nói, chỉ thích cười rồi khóc lóc.
Các con có “vấn đề” dường như đã khiến vợ chồng của bà Nga lục đục. Bởi vậy bà và chồng đã quyết định đường ai nấy đi sau thời gian dài gắn bó. Và chỉ sau một năm cha mẹ ly hôn, con trai cả đã mất. Từ đó người phụ nữ đáng thương bồng bế đứa con gái lớn tuổi nhỏ xác đến căn biệt thự hoang sống.
“Người ta có nhiều giai thoại đồn đoán về căn biệt thự bỏ hoang nhưng mẹ con tôi thấy bình thường. Chúng tôi dọn dẹp và sống ở đây như chính ngôi nhà thân thuộc của mình. Sau này hàng xóm giúp đỡ đã giúp mẹ con tôi cất một căn nhà nhỏ cạnh đó. Song vì mưu sinh tôi vẫn để cái Hường ở một mình trong căn biệt thự hoang, có rào chắn cẩn thận.
Hằng ngày, tôi đi mò cua bắt ốc kiếm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống. Những hôm nước lên, tôi đi nhặt ve chai, đến trưa lại tranh thủ về cho con ăn rồi đi làm tiếp. Tối tôi quay lại đón mang nó về nhà”, bà Nga tâm sự.
Dành tình yêu thương trọn vẹn cho con gái riêng của vợ
20 năm một thân một mình nuôi con tâm thần, bà Nga đã nên duyên với người đàn ông cùng địa phương tên Long. Ông Long có chung hoàn cảnh với bà, từng trải qua một đời vợ. “Chúng tôi rổ rá cạp lại song ông ấy yêu thương và che chở của mẹ con tôi lắm”, bà Nga hạnh phúc khi nhắc đến chồng.
Vợ vừa dứt lời, ông Long hồ hởi: “Lúc đầu tôi không biết vợ có con riêng khù khờ nặng như thế này đâu. Hồi mới quen, bà ấy dắt tôi về nhà chơi, thấy hai mẹ con cực quá mà tôi ngỡ ngàng. Tôi định bụng bỏ đi nhưng lương tâm cắn dứt vì thế quyết định sẽ gắn bó và bù đắp cho hai mẹ con một tổ ấm trọn vẹn”.
20 năm một thân một mình nuôi con tâm thần, bà Nga đã nên duyên với người đàn ông cùng địa phương tên Long.
Những ngày đầu dọn về ở chung cùng hai mẹ con bà Nga, ông Long không khỏi sốc vì sợ hãi cảnh lúc thì la hết, lúc cười lớn, lúc lại khóc như con nít của Hường vào lúc nửa đêm. Song dần dần ông cũng quen với cảnh tượng đó và gần gũi hơn với con gái riêng của vợ. Thậm chí ông còn ân cần quan tâm Hường hơn cả con gái ruột.
“Chúng tôi ở bên nhau đã được gần chục năm rồi. Hằng ngày tôi chạy xe máy đi thu mua đồ điện hỏng, phế liệu. Rảnh rỗi, tôi phụ bà ấy lo toan cơm nước, giặt giũ quần áo.
Thấy tôi chăm chỉ và thương con gái riêng, bà ấy đã thú nhận rằng trước kia cũng sợ tôi không tốt với con gái bà. Tôi chỉ cười rồi bảo cả đời này sẽ coi cái Hường là con ruột, yêu thương nó đến khi tôi nhắm mắt xuôi tay. Như thế bà ấy mới an tâm và sống vui”, ông Long chia sẻ.
Nhắc đến ước mong, bà Nga trầm ngâm một hồi lâu. Sau đó bà đưa tay gạt những giọt nước mắt lăn trên má và nói: “Tôi chẳng có mong ước gì cao sang cả bởi trời đã cho tôi một người chồng luôn yêu thương vợ con. Tuy nhiên tôi có một điều ước giản dị mà hơn 30 năm qua tôi chưa bao giờ chạm tới, đó là cái Hường cất tiếng gọi “Mẹ ơi”.