Khi gặp những người không có ý thức hoặc đối tượng ngổ ngáo, nghiện ngập, cô Luyến bị họ dọa dẫm, lúc ấy cô đành "nuốt cục tức" vào dọn chất thải trong nhà vệ sinh, vì đó là công việc của mình.
Với nhiều người dân sống ở khu vực ngã tư Lê Duẩn – Nguyễn Thái Học, hình ảnh cô Trương Thị Luyến (62 tuổi) đã quá quen thuộc khi hàng ngày cô cẩn thận lau dọn từng bệ xí, viên gạch tại nhà vệ sinh công cộng ở ngay đầu đường Lê Duẩn.
Nhà vệ sinh công cộng khang trang ở ngay giữa khu đất vàng của thủ đô Hà Nội.
Theo chia sẻ của người dân, nhà vệ sinh này có lẽ là đặc biệt nhất ở Hà Nội, vì thế người có nhiệm vụ trông coi, dọn dẹp cũng phải là người đặc biệt. “Đây là nhà vệ sinh công cộng to nhất, lại nằm ở khu đất vàng Hà Nội, hơn thế nó còn có từ rất lâu với tuổi đời hơn 100 năm. Lần đầu tiên nhà vệ sinh này được xây dựng là từ năm 1902, do người Pháp làm.
Trải qua bao biến cố, thăng trầm và nhiều lần tu sửa, nhà vệ sinh này vẫn tồn tại, góp phần bảo vệ môi trường để có một Hà Nội xanh-sạch- đẹp hơn”, một người dân sống gần nhà vệ sinh công cộng này chia sẻ.
Đơn vị quản lý nhà vệ sinh này là Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, thế nhưng người dân nơi đây chỉ biết đến một người phụ nữ đã lớn tuổi hàng ngày cần mẫn lau dọn và nhắc nhở mọi người mỗi khi đi vệ sinh, đó là cô Trương Thị Luyến.
Người dân nơi đây đã quá quen mặt với cô Luyến, người dọn nhà vệ sinh công cộng.
Theo chia sẻ của cô Luyến, cô gắn bó với nhà vệ sinh công cộng này có lẽ là do cái “duyên”, bởi đã có không ít lần cô được điều chuyển đi nơi khác, nhưng sau đó lại được gọi về để dọn dẹp tại đây. Công việc của cô ngoài lau dọn vệ sinh thì ngày 2 lần đến mở cửa và khóa cửa mỗi buổi sáng, tối.
“Có rất nhiều người đến đây làm vệ sinh nhưng đều không trụ được nên xin nghỉ hoặc xin chuyển đi nơi khác làm”, cô Luyến chia sẻ. Người phụ nữ này cho rằng nếu nhìn bề ngoài nhà vệ sinh này rất bề thế, hoành tráng và hào nhoáng nhất Hà Nội, nhưng thực tế khi bắt tay vào làm lại không hề đơn giản chút nào.
Đây là một trong số ít nhà vệ sinh công công miễn phí toàn bộ ở Hà Nội.
Tại đây có quy định rất rõ ràng khi người dân đến đi vệ sinh.
Nhà vệ sinh công cộng ở ngã từ Lê Duẩn – Nguyễn Thái Học cũng là số ít nhà vệ sinh miễn phí hoàn toàn ở Hà Nội, thậm chí cả giấy vệ sinh cũng được cấp miễn phí. Đây cũng chính là vấn đề phát sinh nhiều điểm phức tạp và là lý do khiến không ít người đến rồi lại rời đi.
Cô Luyến cho biết do được miễn phí nên nhiều người, đặc biệt là dân lao động nghèo đổ về đây để đi vệ sinh. Khi lượng người đi vệ sinh đông sẽ nảy sinh vấn đề mất vệ sinh, bởi không phải ai đến đây đi vệ sinh cũng có ý thức dội nước sau khi xong việc của mình.
Để nhà vệ sinh công cộng được sạch sẽ như ngày hôm nay, cô Luyến phải kỳ công lau dọn mất nhiều thời gian.
“Ngày tôi mới về đây, từng viên gạch lát nền, từng mảng tường và các bệ xí bẩn đến mức vừa bước vào đã muốn quay ra ngay. Thậm chí, có người còn chấp nhận nhịn đi vệ sinh chứ không dám đặt chân vào bên trong”, cô Luyến kể.
Khi bắt đầu nhận công việc vệ sinh tại đây, cô Luyến cần mẫn từng ngày lau dọn từng chi tiết nhỏ, khử mùi xú uế… Chỉ một thời gian sau, từ nền nhà cho đến các ô vệ sinh đều sáng bóng. “Nhìn thấy nhà vệ sinh sạch sẽ, sáng bóng, nhiều người trước kia có thói quen đi vệ sinh không dội nước, nay có ý thức tự giác hơn”, cô Luyến chia sẻ.
Thế nhưng trong quá trình làm việc, cô Luyến gặp không ít người ý thức rất kém và không thể chấp nhận được. “Tôi có mặt ở đó mà nhiều người đi vệ sinh xong không dội nước, khi nhắc họ quay vào đứng từ xa tạt nước xuống bồn cầu khiến chất thải bắn lên tung tóe. Đáng buồn trong số đó có không ít chị em phụ nữ”, cô Luyến buồn rầu nói.
Nhiều lần cô Luyến phải ôm nỗi uất ức vào dọn nhà vệ sinh khi gặp những người vô ý thức.
Ngoài những trường hợp thiếu ý thức, cô Luyến còn gặp cả những đối tượng ngổ ngáo, nghiện ngập khi được nhắc nhở họ còn quay lại lườm, rồi dọa đánh… Khi ấy cô Luyến chỉ biết im lặng, một mình lủi thủi vào trong dọn dẹp mà chẳng biết phải kêu ai.
Cô Luyến cho rằng, cô làm công việc này đôi khi cũng không phải vì đồng lương, vì cô có thể đi làm công việc khác với thu nhập như vậy. Với cô, có lẽ sự gắn bó với nhà vệ sinh hơn 100 năm tuổi này là cái duyên kỳ lạ và dự định cô sẽ làm đến khi nào công ty không cho làm hoặc không còn sức khỏe nữa thì mới thôi.
“Dọn vệ sinh đâu phải là công việc xấu, đây còn là công việc ý nghĩa khi mình góp phần làm thủ đô xanh-sạch-đẹp hơn. Tuy nhiên, muốn làm được điều ngày thì phải có sự kiên nhẫn, không ngại khó, ngại khổ”, người phụ nữ 62 tuổi chia sẻ.
Theo một số tài liệu ghi chép lại, năm 1902, quốc hội Pháp ra quyết định chọn Hà Nội làm thủ đô của Liên bang Đông Dương thì Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thông qua quy hoạch thành phố “phía đông nước Pháp”, mở rộng khu phố Pháp ở phía nam hồ Gươm, xây các công trình công cộng trong đó có nhà vệ sinh. Sau đó nhiều nhà vệ sinh công cộng mọc lên gồm: nhà vệ sinh phố Hàng Khay, Cửa Nam (góc ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Thái Học ngày nay), trước ga Hàng Cỏ, đầu phố Phùng Hưng... cho làm bảng chỉ dẫn bằng chữ Việt và chữ Pháp. Hằng ngày nhân viên của các công ty trúng thầu đổ thùng, quét dọn và dội nước. |