Đại gia buôn vàng lừng lẫy phố cổ một thời: Hết thời vẫn phát hiện trong nhà còn đầy vàng

Ngày 24/06/2020 00:08 AM (GMT+7)

Từng là con nhà đại gia buôn vàng giàu nổi tiếng đất Bắc, thế nhưng nếu gặp ngoài đời thực ít ai nhận ra bởi thiếu gia phố cổ một thời giờ đây rất bình dị, dễ gần.

Thương hiệu vàng vang bóng một thời ở phố Hàng Bạc

Dù đã ở tuổi 80 nhưng ông Phạm Giao (ở 115 phố Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Giờ đây, công việc chính của ông là bốc thuốc đông y giúp người bệnh. Lúc rảnh rỗi ông lại chơi đùa cùng con cháu hoặc cùng vợ xách ba lô lên đường đi du lịch.

Ông Giao chia sẻ rằng, cuộc đời ông sống đến giờ không còn gì để tiếc nuối. Ngày còn nhỏ ông sống trong nhung lụa, khi trưởng thành, ông làm cán bộ và có một gia đình hạnh phúc.

Đại gia buôn vàng lừng lẫy phố cổ một thời: Hết thời vẫn phát hiện trong nhà còn đầy vàng - 1

Phố Hàng Bạc ngày nay vẫn còn nhiều cửa hàng buôn bán, chế tác vàng bạc san sát nhau.

Tại con phố Hàng Bạc sầm uất với san sát những cửa hàng vàng bạc, khi được hỏi, ai cũng chỉ biết ông Giao với vai trò là một cựu cán bộ về hưu, hoặc một lương y chuyên bốc thuốc. Ít ai biết được rằng, ông là 1 công tử nổi tiếng ở con phố này cách đây khoảng 60 năm về trước.

“Chỉ những người gốc ở phố Hàng Bạc hoặc có vài đời buôn bán ở đây mới biết gia đình tôi. Mấy nhà mới chuyển đến làm sao họ biết được tôi là con chủ tiệm vàng nổi tiếng một thời”, ông Giao nói.

Quê gốc của ông Giao ở làng Châu Khê (xã Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương), nơi nổi tiếng với nghề lọc đãi vàng gia truyền. Mỗi người con làng Châu Khê đi đến đâu, nơi họ đặt chân đến lại nổi danh với nghề làm vàng bạc và gia đình ông là một trong số đó.

Đại gia buôn vàng lừng lẫy phố cổ một thời: Hết thời vẫn phát hiện trong nhà còn đầy vàng - 2

Đại gia đình ông Giao chụp ảnh lưu niệm cách đây gần 100 năm trước.

Gia đình ông Giao có nghề truyền thống làm vàng bạc ở làng Châu Khê. Sau đó chuyển ra Hà Nội gây dựng cơ sở làm ăn. Trước những năm 1940, gia đình ông cũng chỉ túc tắc làm đủ ăn, đủ tiêu. Đến khoảng từ năm 1941 trở đi, gia đình ông Giao mới bắt đầu làm ăn "vào cầu".

“Thời điểm đó, gia đình tôi sở hữu thương hiệu vàng mang tên “Vàng Sư Tử”. Tên thương hiệu này được gia đình tôi trình lên công nhận bản quyền thương hiệu để tránh các tiệm vàng khác giả danh. Thời những năm 1950 của thế kỷ trước, cái tên “Vàng Sư Tử” không chỉ nổi tiếng khắp đất Bắc mà còn nổi tiếng cả bên Pháp. Ngày ấy người ta vẫn hay nói câu cửa miệng về vàng bạc rằng: “Bắc vàng Sư Tử, Nam vàng Kim Thành”, ý chỉ thương hiệu vàng của nhà tôi”, ông Giao nói.

Đại gia buôn vàng lừng lẫy phố cổ một thời: Hết thời vẫn phát hiện trong nhà còn đầy vàng - 3

Ông Giao giờ đây không còn làm nghề vàng bạc, cũng không truyền bí kíp gia truyền của gia đình cho người khác.

Nghề hái ra tiền nhưng rất độc hại

Khi cửa hàng làm ăn phát đạt, ông Giao lúc đó mới chỉ 14-15 tuổi. Trong trí nhớ của ông, những người ở trên mạn ngược vùng Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ mỗi khi xuống nhà ông nhờ chế tác hoặc bán vàng đều mang cả tải hoặc cả thúng vàng thô nhìn hoa mắt.

Dù nhìn thấy cái lợi trước mắt nhưng bố mẹ ông Giao luôn răn dạy con cháu rằng làm nghề lọc và chế tác vàng bạc muốn bền vững thì luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Chính giữ được chữ tín, chỉ kiếm tiền bằng cách “lấy công làm lãi” mà gia đình ông Giao được bạn hàng tin tưởng, việc làm ăn ngày càng phát đạt.

Đại gia buôn vàng lừng lẫy phố cổ một thời: Hết thời vẫn phát hiện trong nhà còn đầy vàng - 4

Hình ảnh mua bán vàng bạc trên phố Hàng Bạc ngày xưa. Ảnh tư liệu.

“Ngày đó, hôm nào tôi cũng phải đóng gói hàng trăm lạng vàng để xuất khẩu và đi giao cho các nhà buôn. Lúc đó, việc giao nhận hàng không cần phải ký kết giấy tờ gì. Khách bán được vàng là họ mang đến trả tiền cho mẹ tôi.

Việc làm ăn của gia đình tôi phát đạt đến mức chỉ trong 2 năm bố mẹ tôi mua được 3 căn nhà mặt phố ở phố cổ”, ông Giao kể.

Về bản thân mình, dù được coi là công tử nhà giàu, đi đâu có xe ô tô đưa rước nhưng ông không ỉ lại vào việc đó. Hàng ngày ông vẫn say mê làm việc, học nghề lọc đãi và chế tác vàng. “Nói thật là ngày đó tiền tôi tiêu không hết. Nhiều bạn cùng trang lứa trong nhà chỉ cần có 2 bộ quần áo âu đã được coi là khá giả, còn tôi quần áo âu vài chục bộ, mặc không hết”, ông Giao kể lại.

Đại gia buôn vàng lừng lẫy phố cổ một thời: Hết thời vẫn phát hiện trong nhà còn đầy vàng - 5

Những sản phẩm vàng bạc đã được chế tác trước đây. Ảnh tư liệu.

Đến gần những năm 1960, do chiến tranh, kinh tế gặp nhiều khó khăn nên nhà nước cấm tuyệt đối việc buôn bán vàng bạc. Gia đình ông Giao nghiêm chỉnh chấp hành, bán lại toàn bộ số vàng đã lọc và gia công cho nhà nước theo đúng quy định.

Dù làm công việc khác nhưng gia đình ông Giao vẫn thuộc diện có điều kiện bậc nhất phố cổ. “Tôi còn nhớ sau khi nhà nước cấm buôn vàng, gia đình tôi dọn dẹp xuống bể nước còn có một hầm vàng dưới đó. Đó là những cám vàng sau khi chế tác trôi xuống bể và đóng kết thành cục tại đó. Với loại vàng này nhà nước không cấm sử dụng, vì thế nhà tôi chưa bao giờ lo lắng việc hết tiền”, ông Giao nhớ lại.

Đại gia buôn vàng lừng lẫy phố cổ một thời: Hết thời vẫn phát hiện trong nhà còn đầy vàng - 6

Khu vực gia đình ông Giao đang sinh sống.

Sau này nhà nước cho kinh doanh buôn bán vàng bạc trở lại, dù có nghề gia truyền nhưng ông Giao không đi theo con đường chế tác vàng bạc nữa. Ông lý giải: “Mình làm vẫn được vì có nghề gia truyền, nhưng làm nghề này độc hại lắm. Để lọc được vàng thì phải dùng nhiều loại hóa chất cực độc, rất ảnh hưởng tới sức khỏe. Tôi nghĩ với mình như thế là đủ rồi nên không theo nghề và cũng không truyền nghề lại cho ai. Bố mẹ tôi cũng đồng ý với quyết định đó”.

Cho đến tận bây giờ, nghĩ lại thời hoàng kim sống trong nhung lụa với vàng bạc, xe sang nhiều vô kể ông Giao vẫn thấy rất tự hào về bố mẹ, gia đình mình. Tuy nhiên, ông Giao nghĩ rằng con người phải biết có điểm dừng và sống làm sao cho “tốt đời, đẹp đạo” là được, chứ giàu sang, đầy của cải khi chết cũng chẳng thể mang đi.

Cặp vợ chồng sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ đợt nắng nóng: Hai tuần tôi chưa mặc áo
Hơn 30 năm sống trên nóc nhà vệ sinh, chưa năm nào vợ chồng ông Hải phải chịu đựng cái nóng khủng khiếp và dài như năm nay.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện phố cổ