Những lúc cùng quẫn, cô Liên nghĩ mua thuốc ngủ về hai mẹ con uống rồi cùng chết cho đỡ khổ. Thế nhưng, lương tâm đã không cho phép cô làm vậy.
"Có lúc tôi từng suy nghĩ hai mẹ con uống thuốc ngủ chết đi cho đỡ khổ"
Hơn 5 năm ra Hà Nội chữa bệnh cho con, cô Võ Thị Liên (ở xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) chưa một lần trở về quê thăm những người thân ruột thịt. Con trai đối với cô là "bảo vật" quý giá nhất, cô thầm nghĩ: Bao giờ con khỏi bệnh, đi lại được cô mới về, nếu không có chết cô cũng không trở về.
Con trai cô Liên là anh Đỗ Hoàng Bảo Quốc (35 tuổi) trước đây từng là giáo viên dạy cấp 2 ở địa phương, nhưng vụ tai nạn định mệnh cách đây 10 năm đã cướp đi tất cả đam mê, hoài bão của người thầy giáo trẻ.
Cô Liên đã khóc cạn nước mắt suốt 10 năm qua khi con trai mãi vẫn chưa khỏi bệnh.
Theo lời kể của cô Liên, sau vụ tai nạn giao thông anh Quốc được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Tại đây, anh hôn mê bất tỉnh suốt 20 ngày. Thậm chí, có những lúc cô Liên còn nhận được thông báo từ các bác sĩ rằng: “Con trai của cô khó qua khỏi, hãy chuẩn bị sẵn tinh thần”.
Thế rồi, may mắn đã mỉm cười khi đến ngày thứ 21, anh Quốc đã tỉnh trở lại và mở mắt ra nhìn mọi người. “Lúc đó tôi mừng rơi nước mắt, nắm chặt lấy tay con và nói: Mẹ đây! Mẹ đây!”, cô Liên kể lại trong nước mắt.
Anh Quốc giờ đây vẫn vô tri, vô giác và hành động như một đứa trẻ.
Dù tiếng gọi của người mẹ mọi người ai cũng nghe thấy, nhưng riêng anh Quốc thì không, ánh mắt anh vẫn ngơ ngác nhìn hết lượt mọi người mà chẳng biết ai là mẹ. “Bác sĩ thông báo con tôi bị bại não, mất ý thức, liệt tứ chi… Nghe thấy vậy, tôi đã ngất luôn trong phòng bệnh”, cô Liên nói.
Trong suốt 10 năm qua, kể từ lúc bác sĩ thông báo tình trạng bệnh của con trai cho đến bây giờ, người mẹ già đã cõng con đi khắp nơi chữa bệnh, chỉ mong con có thể đi trên đôi chân của mình.
Đã 10 năm nay cô Liên chưa được nghe tiếng gọi "Mẹ ơi!" từ anh Quốc.
“10 năm chịu nhiều cay đắng tủi nhục, đến ngôi nhà là tài sản cuối cùng tôi cũng đã bán đi, nhưng đứa con trai 35 tuổi của tôi ý thức vẫn như đứa trẻ. Đã có lúc tôi rối trí, tôi tự đi mua 1 lọ thuốc ngủ về và nghĩ hai mẹ con uống rồi ôm nhau chết đi cho đỡ khổ. Nhưng rồi lương tâm mình không cho phép giết con và tôi lại cất lọ thuốc ấy đi”, cô Liên bộc bạch.
"Chặng đường phía trước còn dài nhưng tôi chưa bao giờ tắt hy vọng"
Suốt 10 năm cõng con đi chữa bệnh, cô Võ Thị Liên không còn nhớ mình đã đi qua bao nhiêu cơ sở đông tây y. 4 năm đầu tiên cô chữa bệnh cho anh Quốc ở TP.HCM, sau đó lại tiếp tục cõng con về Đắk Lắk, rồi ra Huế, Đà Nẵng nhưng sức khỏe anh Quốc vẫn không có dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Hiện tay anh Quốc vẫn bị co rút, chưa thể hoạt động bình thường.
Trong lúc cùng quẫn, định buông xuôi tất cả, cô Liên được một người bạn mách nên đưa con ra Hà Nội chữa trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Cô chia sẻ: “Thật sự lúc đó tôi cũng chẳng có hy vọng gì vì đã từng đưa con đi quá nhiều bệnh viện rồi. Nhưng nhìn thấy con sống thực vật khổ quá, nên tôi quyết định cõng con đi chuyến cuối cùng ra Hà Nội. Kể từ đó đến nay đã 5 năm rồi tôi chưa về quê”.
Khi anh Quốc bước được bước đầu tiên kể từ khi bị tai nạn, cô Liên đã mừng rơi nước mắt.
Điều trị tại Hà Nội khoảng 2 năm, anh Quốc đã bắt đầu cử động được chân và đi được khi có người dìu bên cạnh. Kiên trì điều trị, đến nay anh Quốc đã bắt đầu bước đi được những bước đầu tiên.
Giờ đây thứ tồn tại duy nhất đối với cô Liên là tình thương dành cho con.
Được biết, cô Liên và người chồng đã chia tay nhau từ khi anh Quốc còn là 1 đứa trẻ. “Người ấy (chồng) với tôi giờ không còn tồn tại, thứ duy nhất tồn tại và có ý nghĩa với tôi là con trai. Và tình thương con cũng chính là động lực là hy vọng để tôi sống trong cuộc đời này”, cô Liên nói.
Bác sĩ điều trị cho anh Quốc cho biết, để có được như ngày hôm nay mẹ con anh Quốc phải trải qua một hành trình đầy nước mắt. Dù đã bước được những bước đi đầu tiên và nói được những câu đơn, nhưng do nhiều năm nằm một chỗ, khớp háng của anh Quốc đã bị viêm. Để có thể đi lại được bình thường, anh Quốc phải phẫu thuật thay khớp háng.