Bếp củi không chỉ là không gian mà cả gia đình chị Mai yêu thích, đó còn là nơi chị dạy các con về kỹ năng sống về những trải nghiệm vô cùng bổ ích.
Sống ở Hà Nội đã 20 năm nhưng chị Vương Mai (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) chưa bao giờ quên mùi khói bếp củi, mùi hương vị của những món ăn được nấu từ bếp củi… Vì thế, người mẹ hai con này đã quyết định dựng lên một chiếc bếp củi ngay tại ngôi nhà mình đang ở giữa đất Hà thành.
Từ nhà kho trở thành không gian sinh hoạt cho cả gia đình
Nơi chị Vương Mai và gia đình đang sinh sống là một ngôi nhà 5 tầng khang trang, với đầy đủ tiện nghi hiện đại. Thế nhưng mỗi khi có khách đến chơi nhà, chị Mai không bao giờ giới thiệu những vật dụng hiện đại, mà chị sẽ dẫn thẳng khách lên tầng 5, nơi có không gian vô cùng đặc biệt, với chiếc bếp củi luôn đỏ lửa.
Dù có căn bếp với thiết bị hiện đại nhưng gia đình chị Mai lại chỉ thích sinh hoạt ở bên bếp củi.
Trước đây, tầng 5 ngôi nhà là một kho chứa đồ, rất ít khi chị hay các thành viên trong gia đình bước chân đến. Thế nhưng khoảng 4 tháng nay, sau khi được cải tạo, đây lại là không gian sinh hoạt chính của gia đình.
Chị Mai chia sẻ, ngoài hai con nhỏ phải có không gian học hành thì hai vợ chồng cùng mẹ chồng chị dường như dành cả ngày ở trên tầng 5, trừ khi ngủ. Chỉ vào chiếc bếp củi đang đỏ lửa, chị Mai cho biết đó chính là “bí quyết” để gia đình chị lấy nơi đây làm không gian sinh hoạt chính.
Chị Mai và mẹ chồng cả ngày ở trên tầng 5 của ngồi nhà.
Để có được chiếc bếp củi này cũng không phải là điều đơn giản, bởi khi đề xuất ý tưởng, chồng chị Mai là người phản đối đầu tiên. Chồng chị cho rằng việc làm bếp củi trong nhà ở giữa phố là không khả thi, có nguy cơ xảy ra cháy nổ, rồi sức nóng ảnh hưởng đến kết cấu nhà.
Nghe chồng nói vậy, ban đầu chị Mai cũng nhụt chí, định từ bỏ ý định, nhưng sau đó chị tìm hiểu và thấy rằng hiện nay có nhiều loại vật liệu xây dựng chịu nhiệt rất tốt, rồi nhiều mẫu bếp hiện đại được thiết kế mà không lo đến vấn đề hỏa hoạn…
Chiếc bếp củi được thiết kế cẩn thận với gạch và vữa chịu lửa ở nhiệt độ cao.
Rồi chị tiếp tục động viên chồng, cuối cùng chồng chị đã đồng ý cho xây dựng và tự tay anh là người vẽ thiết kế. “Từ viên gạch, vữa xây dựng, chít mạch chúng tôi đều lựa chọn kỹ càng và sử dụng loại tốt nhất. Rồi cả ống khói cũng được tư vấn thiết kế để không ảnh hưởng đến không gian sống cũng như các gia đình xung quanh. Thực tế, sau khi xây dựng và đưa vào sử dụng, mọi thứ quá hoàn hảo”, chị Mai kể.
Không chỉ có mùi của khói, không gian tầng 5 của gia đình chị Mai còn rất lãng mạn.
Bao ký ức tuổi thơ ùa về bên bếp củi
Chị Mai vốn là người được sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Hưng Yên, còn chồng chị là người gốc Hà Nội. Tuổi thơ của chị gắn liền với những khói bếp, nhọ nồi và cả những miếng cơm cháy từ đáy nồi gang.
Khi lớn lên rời quê ra Hà Nội học tập, sinh sống và lập gia đình, chị Mai chưa bao giờ quên được cảm giác cay cay khóe mắt từ khói bếp. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi về quê, mâm cơm chị nấu đều là những món giản dị được chế biến từ gian bếp củi thân thương.
Điều đặc biệt, chồng chị cũng rất thích các món ăn dân dã, nhất là cơm cháy nồi giang, đó là lý do thôi thúc chị sẽ dựng lên một gian bếp củi ngay ở Hà Nội.
"Đặc sản" cơm cháy nồi gang mà chồng chị Mai yêu thích nhất.
Giờ đây, khi mong ước đã trở thành hiện thực, điều làm chị hạnh phúc hơn cả là không gian bếp củi ấy giúp chị tìm về miền ký ức mà tưởng rằng chẳng bao giờ thực hiện được ở Hà Nội. Hơn thế nữa, mỗi món ăn chị nấu ra như cơm nồi gang, cá kho hay thậm chí là củ khoai nướng, sắn luộc từ bếp củi, chồng và mẹ chồng chị ai cũng tấm tắc khen ngon.
“Ai đã từng sinh ra ở quê chắc hẳn sẽ không thể quên được cảm giác lùi khoai, nướng sắn, nướng ngô bên bếp củi. Ở Hà Nội những thứ đó lúc nào cũng sẵn, nhưng nướng trong đống tro nóng để chín từ từ, rồi khi bóc lớp vỏ bên ngoài tay nhọ nhem, mùi nồng nồng của tro bếp khi ăn mới chính là điều kích thích và tuyệt vời nhất”, chị Mai tâm sự.
Theo chị Mai có những món ăn chỉ bếp củi mới nấu được đúng mùi vị.
Chị Mai cho biết, từ khi con gái chị vào lớp 1 (năm 2020) chị đã xin nghỉ việc ở một cơ quan nhà nước để toàn tâm, toàn ý lo cho gia đình. Khi có thời gian, lại có không gian bếp củi, đó là lúc chị Mai cảm thấy hạnh phúc nhất cuộc đời.
“Một người phụ nữ khi đang đi làm phải nghỉ việc ở nhà sẽ cảm thấy buồn chán, nhưng tôi thì không. Cuộc sống của tôi lúc nào cũng tất bật nhưng vui vẻ vô cùng và tôi cảm thấy hạnh phúc khi tất cả các thành viên trong gia đình luôn đầm ấm bên nhau bắt đầu từ những điều giản dị nhất”, chị Mai chia sẻ.
Không chỉ gia đình, đây còn là không gian mà chị Mai dành để tiếp khách đến thăm nhà.
Trước đây, gia đình chị Mai cùng một số các gia đình bạn bè thân thiết cứ cuối tuần là rủ nhau đi ngoại thành để cắm trại, đốt lửa, thay đổi không gian sống… Còn bây giờ, nhà chị Mai là nơi tụ họp mọi người, thậm chí lũ trẻ khi đến chơi đến tối còn chẳng muốn về vì tại đây chúng được trải nghiệm cuộc sống như ở thôn quê đích thực.
“Có bếp củi, thấy các con vui, tôi quên đi nhu cầu làm đẹp của bản thân”
Hai đứa con của chị Mai dù được sinh ra trong nhung lụa nhưng khi tận mắt chứng kiến các cháu vào bếp cùng mẹ, phụ mẹ làm những món ăn dân dã thôn quê chắc hẳn chẳng ai nghĩ chúng là công dân gốc phố cổ.
Thấy các con hứng thú với việc chăm hoa, bếp núc rồi trải nghiệm cuộc sống trong chính không gian với chiếc bếp củi bập bùng của gia đình, chị Mai cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Hàng ngày, ngoài dạy các con nấu ăn, chị cũng dạy các con cần phải an toàn với củi lửa để tránh bị bỏng và đề phòng điều bất trắc có thể xảy ra.
Chị Mai treo những câu slogan ngay trong gian bếp của mình.
“Gia đình tôi có điều kiện để ăn những đồ ăn kiểu tây, chơi những môn thể thao quý tộc…Thậm chí khi tôi chia sẻ lên mạng, có người còn bình luận khiếm nhã hoặc bảo tôi sao phải khổ thế, tôi không tranh luận vì mỗi người có một sở thích khác nhau. Với tôi, không gian bếp củi cũng là nơi tôi giáo dục các con về kỹ năng sống, về một thời mẹ đã từng lớn lên như vậy”, chị Mai bộc bạch.
Chị Mai đã quen với khói bếp, nhọ nồi chị mà quên đi nhu cầu làm đẹp của bản thân.
Chị Mai cũng thừa nhận chị bị cuốn vào gian bếp của gia đình nên cũng quên luôn nhu cầu làm đẹp của bản thân. Chị chẳng còn tô son đánh phấn hay làm tóc kẻ mi, làm móng… Chị nói rằng cuộc sống của chị giờ là khói bếp và nhọ nồi, khi tay đầy nhọ, mặt bóng nhẫy mồ hôi thì làm đẹp cũng chẳng có nghĩa lý gì. “Tóm lại mỗi người có một góc nhìn về cái đẹp, còn tôi cứ chân chất, thôn quê nhưng cảm thấy vui và ý nghĩa là được”, chị nói.
Để phục vụ cho nhu cầu nấu nướng, chị Mai lên kế hoạch và chuẩn bị khá nhiều nguyên liệu để làm chất đốt. Chị đến xưởng mộc của người bạn xin những mẩu gỗ thừa để đun, mỗi lần về quê chị lại lấy củi nhãn, vỏ lạc, cùi ngô lên để nấu nướng… “Mẹ đẻ tôi ở quê cứ nói tôi bị hâm, về quê lấy gì không lấy toàn đi nhặt củi, xin vỏ lạc chất đầy lên xe chở lên Hà Nội”, chị Mai cười và nói.
Mỗi lần về quê, chị Mai lại gom củi chở lên Hà Nội.
Chị Mai chia sẻ, hiện không ít người lớn lên ở quê ra Hà Nội sinh sống rất muốn cảm giác ấm cúng bên bếp lửa. Thế nhưng với kinh nghiệm bản thân chị cho rằng, để làm được điều đó phải hội tụ đủ 3 yếu tố đó là: không gian, thời gian và sự an toàn.
“Bạn có không gian mà không có thời gian thì không thể nấu được món ăn ngon từ bếp củi, còn nếu bếp củi được đặt ở thành phố thì cần phải an toàn tuyệt đối, nếu không gia đình bạn sẽ là những người chịu hậu quả đầu tiên”, chị Mai chia sẻ.