Chị Liễu là người may mắn thoát chết trong vụ sạt lở đất ở Trà Vân, khi tìm kiếm người thân chỉ cứu được 3 cháu nhỏ, 4 người thân khác đã mãi mãi ra đi.
Video chị Liễu chia sẻ về thời điểm sạt lở đất ở Trà Vân. Nguồn video: Hồng Thanh.
Cơn bão số 9 đã đi qua nhưng hậu quả để lại với người dân miền Trung rất lớn, có nhiều ngôi nhà bị tốc mái, nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng gây chia cắt các địa phương, đặc biệt tại Quảng Nam có 3 vụ sạt lở đất nghiêm trọng vùi lấp nhiều ngôi nhà, khiến hàng chục người tử vong và mất tích.
Trong số 3 vụ sạt lở nghiệm trọng xảy ra ở tỉnh Quảng Nam, có 2 vụ xảy ra tại huyện Nam Trà My, 1 vụ xảy ra tại huyện Phước Sơn. Hiện vụ sạt lở ở Trà Vân (Nam Trà My) đã tìm thấy được hết 8 nạn nhân tử vong. Còn tại điểm sạt lở tại xã Trà Leng (Nam Trà My) lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tiếp tục tìm kiếm hàng chục người đang bị vùi lấp dưới khối đất đá khổng lồ, may mắn vẫn còn có một số nạn nhân sống sót.
Chị Hồng Thanh (là giáo viên tại huyện Nam Trà My) - đồng thời là người tích cực tham gia vận động hỗ trợ cho bà con bị ảnh hưởng sau cơn bão số 9 cho biết sáng nay chị đã tiếp cận được một số trong vụ sạt ở lở Trà Vân, hiện đang vào điểm sạt lở Trà Leng nhưng việc đi lại hết sức khó khăn.
Chị Hồng Thanh đang hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sau bão số 9 tại Nam Trà My.
“Đường đi lại lầy lội, liên tục bị cản trở do các điểm sạt lở nên chưa biết bao giờ đến được Trà Leng. Tôi sinh sống tại đây đã lâu, chưa bao giờ thấy cơn bão nào tàn phá khủng khiếp cướp đi nhiều tài sản và tính mạng như cơn bão số 9 vừa qua”, chị Thanh chia sẻ.
Theo chị Thanh, tại điểm sạt lở Trà Vân có tất cả 8 gia đình bị ảnh hưởng và có 8 người tử vong. “Tất cả những người tử vong ai cũng thương tâm, nhưng thương nhất là gia đình 7 người thì có đến 4 người tử vong, còn 3 con nhỏ may mắn được cứu thoát, không biết sau này chúng sẽ sống ra sao”, chị Thanh chia sẻ.
Được biết, gia đình có 4 người tử vong là chị Vũ Thị Kim H. cùng chồng và 2 con (1 bé sơ sinh, 1 bé học mẫu giáo), còn 3 nạn nhân sống sót đều là con của chị H. (2 cháu đang ở bệnh viện, 1 cháu đang ở xã). “Nhà em tôi có 5 đứa con. Đứa nhỏ nhất mới sinh xong cũng mất rồi, bố mẹ chúng cũng chẳng còn ai, không biết 3 cháu sống sót sẽ sống ra sao”, chị Đinh Thị Liễu (chị gái chồng chị H.) chị sẻ.
Đứa con thứ 4 của H. may mắn sống sót hiện đang được chăm sóc tại bệnh viện.
Theo chị Liễu, vụ sạt lở kinh hoàng tại Trà Vân đã xóa sổ một xóm nhỏ, đau buồn hơn tất cả 8 ngôi nhà bị đất đá vùi lấp đều có quan hệ anh em, gia đình. “Đã có 8 người mất, 12 người bị thương. Giờ tôi ở viện chăm các cháu không biết có thêm ai nữa không”, người phụ nữ này nói.
Kể lại thời điểm xảy ra sự việc, chị Liễu không dấu được nỗi sợ hãi bởi sau một tiếng động lớn chị chạy ra thì không còn thấy ngôi nhà nào. “Gia đình tôi cũng ở khu đó, nhưng ở xa nhất nên khi sạt lở thì đất vừa chạm đến nền nhà, vì thế tôi mới may mắn được sống sót”, chị Liễu hãi hùng nhớ lại.
Khi thấy cảnh tượng kinh hoàng trước mắt chị Liễu khóc nức nở, kêu cứu mọi người và sau đó cùng dân làng đào bới. Do bị đất đá đẩy ra xa nên 3 đứa cháu của chị đã thoát chết, còn vợ chồng em trai cùng 2 cháu khác vẫn bị vùi trong đống đổ nát hoang tàn.
Chị Liễu (áo sọc) đang chăm sóc hai đứa con may mắn sống sót của người em trai.
“Khi bới đến nơi thì thấy tay em tôi thò ra, cố đưa ra ngoài nhưng tất cả đã chết hết rồi. Bây giờ tôi đang phải thay bố mẹ các cháu chăm sóc các cháu ở viện, về cơ bản sức khỏe cũng không sao. Điều chúng tôi lo lắng là cuộc sống sau này và nỗi ám ảnh có thể sẽ đi theo suốt cả cuộc đời”, người phụ nữ này chia sẻ.
Trước hoàn cảnh khó khăn, chị Hồng Thanh trước mắt đã hỗ trợ 4 triệu đồng cho các nạn nhân bị ảnh hưởng trong vụ sạt lở ở Trà Vân để lo ăn uống tại viện. Sau đó, sẽ tùy tình hình thực tế để hỗ trợ các cháu mồ côi ổn định cuộc sống, sớm được đến trường.