Càng đến gần Tết, hội chị em phụ nữ thêm lo lắng với hàng trăm ngàn thứ việc không tên. Với nhiều người, họ thậm chí không mong Tết.
Tết là dịp để sum vầy, nghỉ ngơi, vui chơi nhưng trên thực tế nhiều người phụ nữ lại cảm thấy mệt mỏi vì quá tất bật để chuẩn bị cho Tết. Nỗi lo từ kinh tế đến những công việc nhỏ nhặt 3 ngày Tết khiến nhiều người không mong Tết, thậm chí là “sợ Tết”.
“Sợ Tết” vì bị giục sinh thêm con
Chị Trần Trang (27 tuổi, Hải Phòng) chia sẻ đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho việc Tết năm nay phải đối mặt với những câu hỏi như “Bao giờ định sinh thêm đứa thứ 2?”, “Đẻ thêm đi cho rồi chứ đợi đến bao giờ?”...
Kết hôn được 4 năm, chị Trang cùng ông xã đã có với nhau 1 cô con gái hơn 3 tuổi và chưa có kế hoạch sinh thêm con để ổn định kinh tế. Tuy nhiên phía gia đình hai bên luôn mong ngóng anh chị sinh thêm cháu nữa, càng sớm càng tốt. Chị Trang chia sẻ hiện tại vẫn chưa sẵn sàng để sinh con lần 2 nhưng bị thúc giục nhiều quá dẫn đến áp lực.
“Cứ mỗi lần đến gần Tết là áp lực nhiều thứ lắm, không riêng gì chuyện sinh con. Trăm thứ phải lo, rồi bên nội bên ngoại sao cho chu toàn nhất. Công việc trong năm vừa rồi cũng nhiều khó khăn, làm đến đâu chi tiêu hết đến đấy, không để dư được đồng nào. Công ty tôi còn khuyến khích nhân sự nghỉ việc bớt, cắt giảm dây chuyền sản xuất. Bản thân không biết bị cho nghỉ lúc nào. Nên thật sự ngày trước Tết còn vui chứ hiện tại tôi hơi áp lực với Tết” - chị Trang chia sẻ.
Chị Trang muốn gia đình ổn định kinh tế mới tiếp tục sinh thêm em bé nhưng áp lực khi bị thúc giục
Trong khi đó chị Thanh Phương (26 tuổi, TP.HCM) cũng ở hoàn cảnh tương tự khi liên tục bị hối thúc chuyện sinh thêm con. Không phải chị Phương không muốn sinh thêm con nhưng muốn kinh tế vợ chồng ổn định thêm, chăm sóc cho các con tốt hơn.
“Giờ đẻ thêm một đứa thì khoản chu cấp cho đứa đầu phải cắt giảm, điều kiện sống của gia đình cũng không được đảm bảo. Nên tôi muốn khi nào kinh tế sẵn sàng mới sinh thêm em bé. Quan trọng bây giờ là chất lượng cuộc sống. Đông con cũng vui đấy nhưng khổ thì nhiều hơn nếu kinh tế không tốt” - Chị Thanh Phương chia sẻ.
Bị thúc giục sinh con là nỗi áp lực với nhiều hội chị em đã lập gia đình. Ngày Tết gặp lại họ hàng hai bên, sau câu chào lời chúc là câu hỏi chuyện con cái.
Nhiều gia đình có con nhỏ ưu tiên sắm Tết cho con thật đủ đầy
Không mong Tết vì quá áp lực về tiền bạc, công việc
Chị Lê Hương (32 tuổi, Hà Nội) than thở chuyện làm ăn kinh doanh của gia đình năm nay khó khăn. Vợ chồng chị Hương có mở một cửa hiệu chuyên phân phối về xe đạp, những năm trước buôn bán được, Tết thoải mái hơn nhưng năm nay tình hình trở nên eo hẹp.
“Năm nay hàng hóa và sức mua giảm đáng kể. Tình hình kinh tế suy thoái nên áp lực chuyện tiền nong nhiều lắm. Tết đến thì cũng mong ngóng đấy nhưng mà nghĩ đến việc chi tiêu nhiều khoản là đau đầu. Thôi thì năm nay lại “nháp”, năm sau làm lại” - Chị Hương cho biết.
Vợ chồng chị Hương hiện đã có 2 con, bé đầu mới hơn 2 tuổi còn bé sau mới sinh. Mọi khoản thu trong nhà của dường như đều đổ vào con. Chị Hương cho biết năm nay có sắm Tết thì cũng chỉ sắm cho con, còn vợ chồng sao cũng được.
Cũng theo phương châm thắt chặt chi tiêu dịp Tết, chị Phạm Yến (30 tuổi, TP.HCM) chủ động không sắm sửa nhiều vì tài chính trong nhà còn hạn hẹp. Chị Yến chia sẻ kêu ca tiền bạc chắc kêu cả năm chứ đâu riêng gì Tết. Gia đình chị Yến đang lên kế hoạch phải sử dụng đến tiền tiết kiệm để trang trải cho Tết, nếu các khoản thu dịp cuối năm không đủ.
Áp lực kinh tế khiến nhiều gia đình quyết định thắt chặt chi tiêu dịp Tết (Ảnh minh họa)
Áp lực về kinh tế dường như là nỗi lo chung của nhiều người khi Tết đến xuân về. Rất nhiều những khoản phải chi cho Tết trong khi nguồn thu không đủ. Năm vừa qua, nhiều người làm công nhân bị cho nghỉ việc, kinh doanh buôn bán trì trệ, Tết lại chồng chất lo toan cơm áo gạo tiền, đôi khi không còn vui như ngày trước.
Tết vẫn thế, vẫn ấm áp và trọn vẹn dù còn nhiều khó khăn, áp lực
Tết áp lực thật đấy, nhưng không có dịp nào trong năm được mong đợi hơn Tết. Tết đến là khi gia đình được quây quần, sum họp cùng nhau, những bữa cơm đoàn viên thêm ý nghĩa, không phải mỗi người một nơi vì bận rộn công việc. Vợ chồng con cái có thời gian để đưa nhau đi chơi, đi cà phê tán gẫu cùng bạn bè sau 1 năm làm việc.
Tết đến, được trở về bên gia đình, dù Tết nội hay Tết ngoại đều ấm cúng. Thấy các cháu chạy ùa vào vòng tay ông bà, thấy không khí của tình thân. Và khi một cái Tết nữa đến cũng có nghĩa là một khởi đầu mới bắt đầu, mọi khó khăn trong cuộc sống rồi cũng sẽ qua đi, Tết rồi sẽ lại đến như một vòng tuần hoàn của thời gian với nhiều hy vọng mới, thành công mới phía trước.
Để ngày Tết không còn là nỗi áp lực của những người phụ nữ trong gia đình
Năm nay vợ chồng chị Lê Hương quyết định đưa 2 con về quê thăm ông bà nội ngoại. Năm ngoái vì dịch Covid-19 nên gia đình ở lại thành phố đón Tết. Dù kinh tế năm qua còn eo hẹp, nhưng chị Hương và ông xã vẫn chuẩn bị riêng một khoản để biếu tặng ông bà hai bên.
Chị Thanh Phương cũng sẽ đưa con về với ông bà, vì hơn hết ngày Tết bậc sinh thành nào mà không muốn con cháu sum vầy. Áp lực thì vẫn có đấy, nhưng niềm vui đoàn viên, tình thân gia đình thì vẫn luôn hiện hữu. Tết vẫn ấm, vẫn trọn vẹn theo cách đón nhận riêng của mỗi người.