Là một giám đốc công ty với thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhưng trong cuộc sống bà Thủy vẫn luôn giữ được cái chân chất của người phụ nữ sinh ra từ làng quê.
Lấy chồng từ năm 13 tuổi, sinh 3 con thì 2 đứa đẻ rơi
Bà Trần Thị Thủy (62 tuổi), hiện đang làm giám đốc một công ty sản xuất vận tải thương mại xuất nhập khẩu ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Dù là giám đốc một công ty có doanh thu lên đến hàng chục tỷ mỗi năm, nhưng bà Thủy lại có lối sống giản dị, hay giúp đỡ người khác và chắc hẳn nếu ai gặp lần đầu sẽ không bao giờ nghĩ bà là một chủ doanh nghiệp.
Bước chân vào ngôi nhà khang trang ngay mặt đường Quốc lộ 1 là hình ảnh người phụ nữ đã lớn tuổi đang chân trần quét sân, dù khi đó đã là thời điểm giữa trưa. Hỏi ra mới biết đó chính là bà Trần Thị Thủy - người mà chúng tôi đang cần tìm gặp.
Dù là giám đốc công ty nhưng bà Thủy vẫn tự tay quét dọn sân nhà, chuẩn bị đón công nhân vào làm việc buổi chiều.
Chưa kịp giới thiệu, người phụ nữ ấy đã chỉ thẳng chúng tôi vào phòng khách và bảo: “Khách đến nhà ai cũng như ai, trước lạ sau quen, cứ lên uống nước đã. Tôi tranh thủ giờ nghỉ trưa mình dọn dẹp qua cái cổng, để đầu giờ chiều đón nhân viên vào làm việc cho sạch sẽ”.
Bắt đầu câu chuyện, bà Trần Thị Thủy chia sẻ cuộc đời hơn 60 năm trải qua mọi cung bậc cảm xúc, thậm chí đã có lúc còn đối diện giữa sự sống và cái chết, nhưng chưa bao giờ bà bỏ cuộc hay nản chí.
Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó và có đông anh chị em, bà Thủy chỉ học hết lớp 3 rồi nghỉ về phụ giúp bố mẹ việc cày cấy. Năm 13 tuổi, bà được bố mẹ gả chồng, sau đó bà sinh liên tiếp 3 đứa con. Cái nghèo, cái khổ khiến những cuộc sinh nở của bà cũng chẳng được như người khác, trong 3 đứa con của bà thì có 2 đứa bà đẻ rơi rồi tự cắt rốn xong bế về nhà nuôi.
Bà Thủy chia sẻ về cuộc đời của mình.
Mọi thứ thay đổi từ việc cứu giúp người gặp nạn
Cuộc sống khó khăn khi phải mò cua, bắt ốc, mót khoai, bới sắn về nuôi các con qua ngày, nhưng bà Thủy chẳng bao giờ nề hà việc giúp đỡ những người xung quanh. Có những câu chuyện dù đã xảy ra cách đây đến 40 năm, nhưng giờ kể lại bà vẫn nhớ như ngày hôm qua.
“Đó là năm 1980 khi có vụ tai nạn xảy ra ở gần nhà, tôi thấy có 2 thanh niên bị thương nên vội đưa họ vào nhà và sơ cứu giúp. Khi đó trong nhà chỉ còn vài lạng gạo, tôi thấy họ có vẻ đói mà không có gì ăn nên quyết định bắt luôn con gà gây giống duy nhất đãi họ. Sau họ cho tiền nhưng tôi không lấy, vì tôi nghĩ họ gặp nạn giúp họ là chuyện bình thường chứ đâu phải giúp để được họ trả công”, bà Thủy nói.
Bà Thủy vẫn giữ nguyên nhà xưởng nơi đầu tiên mình lập nghiệp.
Cứ ngỡ câu chuyện cứ thế qua đi, nhưng khoảng nửa tháng sau có 1 người phụ nữ hỏi đến tận nhà bà Thủy, mang theo cả quà đến cảm ơn vì đã cứu 2 thanh niên trước đó. “Sau hôm đó, người phụ nữ ấy nhận tôi làm con nuôi và mời tôi lên tận Lạng Sơn chơi, thăm nhà. Không ngờ đó lại là cái duyên để tôi bắt đầu đi buôn bán”, bà Thủy nhớ lại.
Tại Lạng Sơn, bà Thủy thấy các loại rau cỏ, cua ốc bán ra đều đắt hơn ở quê rất nhiều, từ đó bà nảy ra ý định sẽ về quê gom rau, bắt cua, mò hến rồi lên Lạng Sơn buôn. Buôn bán nhỏ lẻ là vậy, nhưng sau khi hết mùa vụ bà cũng tiết kiệm mua được gần hơn 1 cây vàng, điều mà trước đó bà có nằm mơ cũng chưa bao giờ nghĩ đến.
Bà Thủy hiện kinh doanh đa ngành nghề từ vận tải để xuất nhập khẩu nông sản.
Việc buôn bán cứ năm này qua năm khác, sau 10 năm buôn từ Bắc Giang lên Lạng Sơn bà Thủy tích cóp được 100 triệu và quyết định đi mua ô tô tải để thuận tiện cho việc buôn bán. Từ 1 chiếc xe tải đầu tiên ấy, đến nay người phụ nữ bán từng mớ rau, cân ốc năm nào đã có hàng trăm chiếc xe chạy trong Nam, ngoài Bắc với nhiều lĩnh vực kinh doanh phù hợp xu thế hơn.
Đã từng định lấy cái chết để giải thoát bản thân
Sau nhiều năm buôn bán, thậm chí có thời điểm bà chấp nhận đi làm thuê để học công nghệ của nơi khác về làm cái riêng của mình. Đến năm 2000 bà Thủy đã chính thức đứng ra mở công ty riêng do chồng đứng tên. Việc làm ăn đang trên đà phát triển, năm 2002 hai vợ chồng bà ra tòa ly hôn và tài sản bao năm dành dụm có nguy cơ mất trắng. Khi đó bà Thủy chán nản và từng viết thư tuyệt mệnh, có ý định lấy cái chết để giải thoát bản thân.
Ít ai biết rằng bà Thủy đã từng có những lúc yếu lòng, có ý định lấy cái chết để giải thoát bản thân.
Trong giây phút “sinh-tử” ấy bà chợt nghĩ: “Chết là mất hết”. Từ suy nghĩ đó bà Thủy như bừng tỉnh lại và quyết định sẽ làm lại từ đầu. Suốt những năm tháng sau đó, người phụ nữ can trường làm việc quần quật không kể ngày đêm, tích cóp từng đồng vốn nhỏ rồi mở công ty vận tải, xuất khẩu hàng nông sản để xuất đi các nước. Không chỉ có vậy, bà còn liên doanh với các công ty nước ngoài để tận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật của họ vào sản xuất.
Nắm bắt được xu thế, đón đầu được công nghệ việc làm ăn của bà Thủy ngày càng thuận lợi, lợi nhuận thu được tăng qua từng năm, từ đó bà tiếp tục đầu tư vào sản xuất với quy mô và kỹ thuật hiện đại hơn. Không chỉ có vậy, bà còn giúp đỡ xây dựng một trường mầm non ở địa phương, giúp đỡ xây dựng 25 ngôi nhà tình nghĩa, ủng hộ gần 100 tấn gạo trong đợt dịch bệnh COVID-19 hồi đầu năm...
Ngoài làm ăn giỏi bà Thủy còn dùng số tiền mình kiếm được để ủng hộ xây dựng trường mầm non cho trẻ, ủng hộ hàng chục tấn gạo trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp.
Để có được như ngày hôm nay, bà Thủy thẳng thắn chia sẻ rằng mình chẳng có bí quyết gì, chỉ có tấm lòng và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, không vì thất bại mà nản chí. "Tôi sẽ vẫn làm việc đến khi nào không thể nữa thì thôi. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi cũng luôn răn dạy các con rằng: Sau này mẹ sẽ không để lại nhiều tiền bạc cho các con, tài sản lớn nhất mẹ để lại là ý chí vươn lên trong cuộc sống, lòng vị tha bao dung và chia sẻ với mọi người. Các con tôi cũng rất hiểu và rất có ý thức trong công việc chứ không ỉ lại vào mẹ”, bà Thủy chia sẻ.