Chị Phương nghe kể lại, mẹ ruột của chị bị đánh ghen, mất việc, cuộc sống khổ cực nên đành phải cho con.
Rơi nước mắt khi nhắc về người mẹ đáng thương
Kể về mẹ ruột bằng giọng nghẹn ngào, nước mắt rơi không ngừng, chị Dương Hoài Phương (sinh năm 1983, hiện sống ở Cà Mau) cho biết, ngày còn nhỏ, chị nghe phong thanh mọi người nói mình là con nuôi. Về nhà hỏi, cả mẹ lẫn chị Hai của chị Phương đều không nói gì.
Mãi đến sau này khi chị Phương đã trưởng thành, mẹ và chị Hai mới nói cho chị biết sự thật.
Vào năm 1983, một người hàng xóm nhà chị Phương đi chợ thì gặp mẹ ruột của chị, bế một bé gái ngồi ở khu vực cầu Cà Mau, nói là muốn cho con. Trên người đứa trẻ đầy nốt ghẻ chốc, kiến cắn. Thấy vậy, bà hàng xóm lại hỏi chuyện thì được biết, mẹ ruột của chị Phương tên là Nguyễn Hồng Nhung.
Chị Phương được mẹ cho đi vào năm 1983 khi mới được 9-10 tháng tuổi.
Bà Nhung vốn là giáo viên, lỡ yêu và mang thai với một người đàn ông đã có vợ và 8 đứa con mà không hay biết. Bà Nhung bị gia đình của người đàn ông kia đến đánh ghen, quậy phá tới mức bị cho nghỉ việc.
Qua 9 tháng 10 ngày thai nghén, bà Nhung sinh một bé gái, đặt tên là Nguyễn Hồng Đào. Hàng ngày, bà ôm con gái nhỏ đi làm mướn, ai thuê gì làm nấy, lấy tiền nuôi con. Biến cố bất ngờ xảy đến với cuộc đời khiến bà Nhung vô cùng đau buồn, muốn trở về quê. Bà cũng muốn cho đi đứa con gái của mình. Vào thời điểm đó, đứa trẻ khoảng 9-10 tháng tuổi.
Mấy chục năm không biết quê hương bản quán, mong mỏi tìm mẹ
Thương cảm với câu chuyện của bà Nhung, nhưng vì đã có đông con nên bà hàng xóm liền chạy về nói chuyện với mẹ nuôi của chị Phương. Mẹ nuôi của chị Phương lúc đó đã có 2 người con gái, chồng là liệt sỹ, gia cảnh cũng khá nên quyết định nhận nuôi đứa trẻ.
Người phụ nữ liên tục rơi nước mắt khi nhắc đến hoàn cảnh của mẹ. Chị mong mỏi tìm được người đã sinh ra mình.
“Mẹ với chị Hai ra xin tôi về nuôi. Mẹ đẻ cũng không đưa giấy khai sinh hay gì cả. Mẹ nuôi có cho mẹ đẻ của tôi một ít tiền để bà về quê. Nghe người hàng xóm nói lại thì giọng nói của mẹ đẻ tôi giống như giọng miền Trung chứ không phải giọng người Cà Mau.
Sau khi xin về, mẹ nuôi làm lại giấy khai sinh cho tôi, đặt tên Phương, lấy năm sinh là năm 1983. Nhưng chị Hai tôi nói rằng, lúc đó tôi đã biết bò rồi, khả năng là tôi được sinh ra vào cuối năm 1982”, chị Phương nức nở kể.
Hơn mấy chục năm qua,chị Phương không được biết mẹ của mình là ai, quê hương bản quán của mình ở đâu. Mong muốn tìm được người đã sinh ra mình, chị Phương chia sẻ những thông tin bản thân có được, nhờ mạng xã hội kết nối, hy vọng mẹ hoặc các con của mẹ sau này, người thân,... nếu có nghe được và thấy điểm trùng khớp thì lên tiếng để giúp chị tìm được nguồn cội.
Nguồn: Tuấn Vỹ kết nối yêu thương