"Cơ hội cho ai" không chỉ mang đến cơ hội của nhiều bạn trẻ mà còn có những lời khuyên chất lượng từ các sếp lớn.
“Cơ hội cho ai? – Whose Chance” là chương trình truyền hình thực tế về việc làm, giúp các ứng viên, người lao động tìm được vị trí công việc phù hợp, phát huy được khả năng của bản thân. Trải qua 2 mùa phát sóng, chương trình vẫn giữ được sức hút với khán giả và thu hút nhiều bạn trẻ tài năng tham gia.
Các vị sếp lớn tại Cơ hội cho ai mang đến cho khán giả nhiều lời khuyên bổ ích.
Không chỉ mang đến những cơ hội việc làm cho các bạn trẻ, Cơ hội cho ai cũng là nơi người xem có thể học được nhiều bài học đắt giá về tư duy để thành công trên con đường sự nghiệp của mình từ lời khuyên của 6 vị sếp quyền lực. Mỗi vị sếp trong chương trình mang tới những màu sắc khác nhau khi ngồi trên ghế nhà tuyển dụng.
Đặc biệt, những phát ngôn của các sếp lớn đã mở ra cơ hội, định hướng, thử thách cũng như giúp cho nhiều ứng viên khám phá ra tiềm năng của bản thân và trải nghiệm nhiều hơn với công việc.
Trong tập phát sóng Cơ hội cho ai vào ngày 5/10/2020, cư dân mạng được dịp xôn xao với ứng viên nữ là sinh viên mới ra trường - Hồng Ngọc. Cô nàng 9X đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Luật Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM nhưng lại khiến cả hội đồng tuyển chọn và khán giả bất ngờ khi chỉ ứng tuyển vào chức danh Lễ tân. Hồng Ngọc chia sẻ cô đã trải qua 6 tháng thực tập ở công ty luật và 1 khóa đào tạo ngắn hạn nhưng sau quá trình học tập, cô nhận ra mình không phù hợp với ngành Luật và đến với chương trình để tìm kiếm cơ hội trở thành một lễ tân.
Hồng Ngọc khiến khán giả xôn xao khi ứng tuyển vào vị trí lễ tân dù tốt nghiệp Luật kinh tế.
Điều này khiến các sếp trong chương trình cảm thấy đáng tiếc cho cô nàng khi không thể "đáp ứng được nhu cầu ứng tuyển" của ứng viên. Sếp Phạm Thanh Hưng bày tỏ: “Vị trí nào cũng đáng tôn trọng, nhưng việc được học hành, nhiều ưu đãi như bạn nhưng bạn có mục tiêu công việc của mình quá thấp thì là điều đáng tiếc”.
Shack Hưng cảm thấy đáng tiếc cho nhu cầu tuyển dụng này của ứng viên.
Có thể thấy, trong tình huống tuyển dụng trên, hầu hết các doanh nhân đều có quan điểm khá rõ ràng về chuyện lựa chọn là một công việc hoàn toàn trái ngành so với ngành học của ứng viên: Dù làm việc khác với chuyên môn mình đã từng được đào tạo không hẳn là sai, bạn sẽ được hạnh phúc khi được làm việc mình thích. Tuy nhiên đây vẫn là con dao hai lưỡi vì rẽ ngang sang ngành khác buộc bạn phải tiếp nhận lại các kiến thức, nền tảng của ngành nghề đó từ đầu. Trong khi các nhà tuyển dụng lại rất thận trọng với các ứng viên chưa sở hữu bất kỳ kinh nghiệm hay kiến thức nào về vị trí đã ứng tuyển.
Gần đây, những câu nói này của Shark Hưng được chia sẻ lại và thu hút sự chú ý của nhiều người.
Sếp Nguyễn Tuấn Lương – (Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam – VNPAY) khá ít nói trên sóng truyền hình, thế nhưng mỗi phát ngôn, mỗi câu hỏi chất vấn, thử thách ứng viên của vị sếp này đều khiến cộng đồng mạng trầm trồ. Một trong những phát ngôn “kinh điển” nhất của ông lớn VNPAY trong Cơ hội cho ai chính là câu nói: "Nợ nần là động lực để làm việc".
Sếp Lương là người ít nói nhưng nói câu nào “chất” câu đấy.
Cụ thể, trong tập 7 mùa 2, chủ đề tranh luận được “đo ni đóng giày” cho cặp đôi ứng viên điển trai Nguyễn Văn Hiền – Nguyễn Phi Văn là: “Bạn nhận định như thế nào về quan điểm “30 tuổi chưa mua được nhà riêng là thất bại?”. Đứng trước vấn đề này, cả 2 chàng trai đã đưa ra những quan điểm khá tương đồng: Thất bại hay thành công được xét trên nhiều yếu tố, chứ không phải việc ai đó sở hữu một ngôi nhà hay một chiếc ô tô.
Theo dòng cảm hứng từ những chia sẻ về mục tiêu, ước mơ, khát khao và quan điểm thành công của những người trẻ, sếp Lương khẳng định: “Đôi khi nợ nần chính là động lực để làm việc”. Có người lựa chọn “an cư rồi mới lạc nghiệp”, họ lựa chọn việc sở hữu một căn nhà đẹp và sang trọng dù chưa đủ tiềm lực kinh tế rồi mới “cày cuốc” để trả nợ sau, áp lực cũng chính là động lực.
Sếp Lương cũng cho biết, nếu đi làm vì lương thì gọi đấy là đi làm. Còn nếu làm vì đam mê thì gọi là đi chơi. Những quan điểm, chia sẻ của vị sếp quyền lực này dần trở thành triết lý ý nghĩa để giới trẻ học hỏi, noi theo.
Lương Kỷ Linh – chàng sinh viên 21 tuổi khoa Quản trị Kinh doanh – ĐH Kinh tế TP.HCM – trải lòng trên chương trình Cơ hội cho ai tập 13 như sau: “Để quyết định đầu quân vào một công ty, em sẽ cân nhắc các yếu tố như văn hóa công ty thế nào, lộ trình phát triển ra sao? Sâu hơn, với công việc đầu tiên, em muốn người sếp đầu tiên của mình là một người truyền cảm hứng và có thể giúp đỡ em“.
Liệu có phải là quá nhiều yêu cầu của ứng viên dành cho nhà tuyển dụng?
Sếp Vũ Minh Trí - CEO VNG Cloud sau khi nghe chàng trai 21 tuổi chia sẻ về công việc mong muốn đầu đời đã nhắn nhủ: “Sai lầm của rất nhiều bạn trẻ mới ra trường là muốn nhiều quá - Công việc tốt, môi trường tốt, sếp tốt; các bạn chỉ nên muốn một thứ thôi - Được nhận việc".
Ngay cả khi các bạn được lựa chọn, tâm lý của các bạn là không hài lòng với công việc ấy. Vì “trong một loạt thứ liệt kê ra thì em chỉ đạt được có một thứ”. Còn sếp của các bạn tuyển dụng các bạn vào cũng không hài lòng, vì người ta cũng muốn rất nhiều thứ, nhưng các bạn lại không có thứ nào hết. Nếu được làm rồi thì bạn sẽ có cơ hội được học, học được nhiều thứ lắm: Học người sếp ấy có tốt hay không, nếu không tốt thì sẽ làm gì? Học môi trường đó có tốt không, không tốt thì mình làm gì? Từ đó hòa nhập tốt, để tính sinh tồn của mình tăng cao hơn“, sếp Trí chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, sếp Phạm Thanh Hưng trước đó cũng đã chia sẻ trong một chương trình: “Khi bạn đi làm đừng đến nói với các sếp rằng muốn đến đây để được học hỏi, được thăng tiến, được cái này cái kia. Thế chúng tôi được cái gì? Ít nhất cái mà bạn luôn cần có là thời gian, tuổi trẻ và sự nhiệt huyết”. Có thể thấy các nhà tuyển dụng dành nhiều lời khuyên cho các ứng viên, khi còn trẻ không nên kén chọn công việc, thay vào đó tập trung học hỏi tích lũy kinh nghiệm, phát triển bản thân để làm tiền đề cho bước đường phát triển sự nghiệp sau này của chính mình.
Là “bóng hồng” duy nhất trong suốt 2 mùa phát sóng của Cơ hội cho ai, sếp Lưu Nga (Nhà sáng lập - Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang ELISE) không hề lép vế trước các vị sếp nam khác. Những câu nói của sếp Nga đều mang lại giá trị thiết thực đối với người xem chương trình, cũng như góp phần vào việc sàng lọc nhân tài phù hợp với doanh nghiệp.
Sếp Nga là bóng hồng duy nhất của chương trình Cơ hội cho ai
Trong tập 9 vòng Đối mặt của Cơ hội cho ai, hai ứng viên Phan Thanh Tùng và Trần Duy Sơn đã tranh luận "Yêu cầu của sếp bị trưởng phòng của bạn diễn giải không đúng gây ra hậu quả về công việc. Bạn có nên trực tiếp gặp sếp hay không?". Sau màn tranh luận với những lý luận sắc bén của hai ứng viên, sếp Nga cũng đã có những chia sẻ vô cùng sắc bén.
“Không nên trực tiếp gặp sếp trên trong tình huống này, vượt cấp sẽ ảnh hưởng đến quy trình và tạo ra tiền lệ xấu”. Vì khi tôn trọng cấp trên chính là tôn trọng chính bản thân và đồng nghiệp của mình. Vị sếp quyền lực đưa ra lời khuyên hãy hạn chế đến mức thấp nhất việc đi gặp sếp trên. Ngược lại, đứng ở vị trí làm sếp, cô chia sẻ: "Ban đầu khi bắt đầu lập doanh nghiệp thì tôi là người có cái tôi vô cùng lớn. Trên con đường làm sếp rất cô đơn. Đôi khi phải bảo vệ sự cô đơn đó, có nghĩa là bảo vệ mục tiêu của mình. Nhưng đến bây giờ, tôi có cái tôi rất thấp. Tôi nói với mọi người trong công ty rằng ai cũng có thể thay thế, kể cả chị Lưu Nga".
"Nếu muốn sai thì hãy làm sếp mà sai! Vì nếu một hệ thống mà nhân viên không nghe lời sếp thì rất khó để điều hành. Một công ty có quy trình là một công ty thấu hiểu tường tận đến từng nhân viên", Sếp Nga khẳng định.
Càng về những tập cuối của Cơ hội cho ai, sếp Nga càng cho thấy vị thế của một nhân vật ghế "nóng" đầy sự quyết đoán sau khi kinh qua 2 mùa trên sóng truyền hình.
Cơ hội cho ai trải qua 2 mùa phát sóng đã “hội tụ” nhiều phát ngôn “chất lừ” từ các vị sếp lớn ngồi ghế nhà tuyển dụng.