Nhiều sản phẩm nông nghiệp thường bị xem là đồ bỏ đi, không có giá trị, nhưng qua bàn tay khéo léo của những người thợ, nó đã trở thành sản phẩm xuất khẩu.
Chén đĩa mo cau xuất khẩu
Ở vùng nông thôn, trước kia mo cau dùng để làm quạt. Nhưng từ khi có quạt điện, mo cau trở nên vô dụng, chờ cho khô rồi đốt bỏ. Hiện nay, khi mọi người đang nỗ lực giảm rác thải nhựa thì những chiếc mo cau trở thành thứ thân thiện với môi trường, có thể làm ra sản phẩm mang lại giá trị cao.
Mo cau được làm sạch, phơi khô, ép nhiệt để tạo hình thành chén, đĩa, khay, muỗng sau đó tiếp tục được chiếu xạ khử khuẩn rồi mới đến tay người tiêu dùng. Những thứ này thay thế đồ dùng 1 lần làm từ nhựa.
Sản phẩm từ mo cau thân thiện với môi trường đang được ưa chuộng.
Anh Nguyễn Văn Tuyến (SN 1984, ở Quảng Ngãi) tìm hiểu trên thế giới những sản phẩm dạng này thịnh hành cả chục năm, tuy nhiên ở Việt Nam thì mới manh nha và còn nhiều tiềm năng. Tháng 10/2019, Tuyến chính thức bắt tay vào dự án sản xuất chén, dĩa, muỗng, tô, ly... bằng mo cau.
Mỗi tháng, cơ sở chế biến mo cau này xuất bán ra thị trường khoảng 50.000- 60.000 sản phẩm với giá bán chỉ từ 1 đến 3 nghìn đồng, nhưng cũng đem về cho anh Tuyến lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng. Sản phẩm cung ứng cho thị trường các tỉnh Hải Phòng, Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… và hướng đến xuất khẩu.
Không hóa chất, mẫu mã đẹp, mùi thơm dịu nhẹ, có thể tái sử dụng nhiều lần, những chiếc chén, chiếc đĩa hay khay đựng từ mo cau ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và mở ra cơ hội phát triển quy mô lớn hơn cho cơ sở sản xuất này.
Bã mía xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản
Ở Việt Nam, bã mía thường bỏ đi hoặc cho bò ăn. Một số lượng ít được thu mua để sản xuất ra cồn, làm nguyên liệu đốt lò tạo ra năng lượng điện.
Bã mía được làm thức ăn cho gia súc, bán sang nước ngoài.
Thực tế, bã mía tuy có giá trị năng lượng và protein thấp nhưng đây là một nguồn xơ có ích, có thể sản xuất thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi, ép thành ván trong kiến trúc, làm bột giấy… Bã mía xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản có giá từ 120-250 USD/tấn.
Một công ty ở TP.HCM đầu tư nhà máy tại Tây Ninh để chế biến nhiều loại phụ phẩm xuất khẩu. Từ những phụ phẩm nông nghiệp, ông biến ra nhiều loại thức ăn gia súc như lõi bắp viên, bã mía viên, rỉ mật ép viên. Những sản phẩm này 60% được tiêu thụ trong nước, 40% còn lại xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Bangladseh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Kuwait, các nước tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất.
Xơ dừa xuất khẩu
Vỏ dừa khô là thứ mà bấy lâu nay người ta vẫn nghĩ chúng chỉ là phế phẩm, cho cũng không ai lấy. Không ai nghĩ, vỏ dừa lại được người dân ở tỉnh Bến Tre bán với giá khá cao, thu về hàng triệu đồng mỗi ngày.
Anh Quang, một đầu mối chuyên bán vỏ dừa khô, cho biết mỗi tháng anh bán được hàng tấn vỏ dừa khô cho các vườn lan trên cả nước. Thông thường, anh đóng thành từng bao to và bán với giá khoảng 120.000 đồng/bao nếu lấy số lượng lớn. Khách hàng lấy càng ít, giá thành càng đẩy lên cao hơn. Anh Quang tiết lộ sở dĩ xơ dừa được nhiều người lựa chọn để trồng lan, vì chúng có ưu điểm là trọng lượng nhẹ, có thể giữ được độ ẩm cao, cung cấp nhiều dưỡng chất giúp lan có thể phát triển khỏe mạnh.
Xơ dừa là nguyên liệu chế biến ra rất nhiều sản phẩm như xơ dừa thô ép kiện, chỉ xơ dừa, thảm xơ dừa,...
Tại Bến Tre, người dân có thể kiếm hàng triệu đồng mỗi tháng nhờ bán xơ dừa. Các công ty xuất khẩu mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn tấn với giá 170-350 USD/tấn để chế biến ra rất nhiều sản phẩm như xơ dừa thô ép kiện, chỉ xơ dừa, thảm xơ dừa,...
Báo cáo của UBND xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc cho thấy, mỗi năm, một cơ sở ở đây sản xuất khoảng 30.000 tấn xơ dừa. Nguyên liệu này được xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc,...
Thân chuối ép thành sợi thu về triệu đô
Ở Việt Nam, thứ giá trị nhất của cây chuối là quả chuối dù nó cũng có giá rất rẻ. Ở các vùng quê, cây chuối rất dễ trồng, không mất công chăm sóc hay phải bỏ tiền mua phân bón, thuê nhân công. Sau khi thu hoạch buồng chuối xong, phần thân chuối và lá chuối sẽ bỏ đi, hoặc băm làm thức ăn cho bò, gà, lợn, vịt...
Trên thế giới, thị trường sợi chuối đã hình thành và phát triển khoảng 15-20 năm nay và giao dịch ngày càng sôi động. Trong đó những quốc gia xuất khẩu sợi chuối thô lớn nhất thế giới gồm Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, mỗi năm thu về hàng tỷ USD.
Theo đó, từ sản phẩm sợi chuối thô, người ta có thể sản xuất ra nhiều loại sản phẩm như thủ công mỹ nghệ, các loại giấy như giấy in tiền, giấy gói hàng, hay thậm chí là những vật liệu cao cấp dùng trong công nghiệp ôtô, du thuyền…, tạo nên giá trị thương phẩm gấp bội.
Công nhân bóc tách bẹ chuối trước khi đưa vào máy chẻ, ép thành sợi.
Theo thống kê mới nhất, hiện tại Việt Nam có khoảng 150.000ha đất trồng chuối lấy quả, với nhiều vùng chuyên canh chuối có diện tích lớn, quy mô trang trại, nông trại.
Nếu tính cả diện tích trồng chuối nhỏ lẻ của các hộ gia đình, các giống chuối không lấy quả như chuối lá, chuối hột, chuối rừng thì diện tích cây chuối của nước ta có thể lên tới hơn 200.000ha. Diện tích chuối đó tương đương với khoảng 200.000 tấn sợi mỗi năm.
Trong khi đó, giá sợi thô thấp nhất trên thị trường quốc tế hiện nay là khoảng 3,5 USD/kg. Với sản lượng sợi chuối như trên, ai cũng có thể tính được tiềm năng kinh tế từ thị trường sợi chuối lên tới 700 triệu USD.