Sau sinh tắc tia sữa rồi nhiễm trùng máu mất tay chân, câu nói của người mẹ gây xúc động

Hữu Huy - Ngày 04/05/2021 12:10 PM (GMT+7)

Sau khi sinh con được 14 ngày, chị Thắm bị tắc sữa, rồi sốc nhiễm trùng máu khiến tứ chi hoại tử. Đứng trước quyết định khó khăn, người mẹ trẻ lựa chọn cắt tay chân để giữ mạng sống, để còn được nhìn thấy con.

"Chồng ký giấy cho vợ cắt tay chân đi, vợ sợ không còn được nhìn thấy mặt con nữa"

Gần 3 năm trước, chị Dương Thị Thắm và chồng là anh Trần Văn Tài (cùng ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đón chào con trai đầu lòng. Những tưởng đó là những ngày hạnh phúc, nhưng rồi một biến cố bất ngờ đã ập đến… Sau khi sinh con được 14 ngày, chị Thắm bỗng dưng bị mệt mỏi, nóng sốt rồi tắc tia sữa.

Lúc đó chị nghĩ bị tắc sữa là bình thường nên chị và gia đình đã áp dụng nhiều biện pháp dân gian như: Dùng nước nóng, cơm rượu nóng, lá mít, lá bồ công anh,… để chườm, nhưng chị làm mọi cách đều không có kết quả.

Sau sinh tắc tia sữa rồi nhiễm trùng máu mất tay chân, câu nói của người mẹ gây xúc động - 2

Chị Dương Thị Thắm cùng con trai.

Hơn 3 ngày ở nhà trong tình trạng nóng sốt và tắc sữa, sức khỏe của chị Thắm ngày càng chuyển biến xấu. “Tới khuya ngày thứ ba, mình đi vệ sinh không nổi phải nhờ chồng dìu, mình ra tới nhà vệ sinh thì ngất xỉu và được đưa đi bệnh viện gần nhà”.

Sau đó, bệnh viện này tiên lượng sức khỏe của chị Thắm trong tình trạng nguy hiểm, diễn biến bệnh khó lường. Chị Thắm tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP.HCM để cấp cứu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán chị Thắm bị áp xe ngực dẫn đến sốc nhiễm trùng máu.

Đến bệnh viện được vài ngày, tình hình tiếp tục chuyển biến xấu, chị Thắm bị nhiễm trùng đường ruột, suy thận, chân tay bầm tím và hoại tử dần. Bác sĩ chỉ định lọc máu, chạy thận, chạy tim nhân tạo để duy trì sự sống cho chị.

“Bác sĩ khám và tiên lượng chỉ cứu được mạng chứ không cứu được tay chân. Lúc đó chi phí chữa bệnh hơi cao nhưng chồng mình nói với bác sĩ điều trị cho vợ bằng thuốc tốt nhất rồi chồng đi vay mượn tiền khắp nơi họ hàng nội ngoại…", chị Thắm nhớ lại.

Sau sinh tắc tia sữa rồi nhiễm trùng máu mất tay chân, câu nói của người mẹ gây xúc động - 3

Nụ cười lạc quan của người mẹ trẻ bị mất tứ chi.

Nhận thấy tay, chân bệnh nhân có dấu hiệu hoại tử, bác sĩ chỉ định đưa chị Thắm đi thở oxy cao áp để theo dõi tiến độ phục hồi. Mặc dù vậy, sau 4 ngày liên tục thở oxy cao áp, tình trạng của chị vẫn không có chuyển biến. Lúc đó, bác sĩ gọi anh Tài đến và cho biết cơ hội giữ chân tay cho chị Thắm không còn, phải nhanh chóng cắt bỏ tử chi để ngăn chặn hoại tử, để lâu tình hình hoại tử sẽ vào tủy và sẽ khó giữ mạng sống.

Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng hung tin này khiến anh Tài khó chấp nhận và vẫn hy vọng sẽ có phương pháp nào đó cứu lấy tay chân cho vợ.

“Lúc đó tay chân tôi bị hoại tử cũng đen hết rồi mà còn bị phồng rộp bọng nước lên nữa. Tôi bảo với chồng rằng: Thôi, bây giờ bệnh tình đã vậy thì chồng ký cho vợ đi cắt đi, chứ để như thế này vợ vừa đau mà cũng không cứu được nữa, vợ sợ không còn được nhìn thấy mặt con… Tôi quyết định cắt tay chân để giữ mạng mà về với con”, chị Thắm nhớ lại.

Nhìn thấy sự bình tĩnh của vợ, anh Tài chấp nhận rồi an ủi: “Thôi bây giờ vợ về sống với con, cho con có mẹ, chứ để con mất mẹ thì tội lắm”.

Livestream bán hàng nuôi con, quyết tâm lạc quan sống như người bình thường

Sau ca gây mê và phẫu thuật, chị Thắm tỉnh dậy với nỗi đau về sự khiếm khuyết của cơ thể. Chị kể: “Lúc chuẩn bị gây mê, tôi có hỏi bác sĩ là có cắt nhiều không, bác sĩ vì trấn an bệnh nhân nên nói chỉ cắt ít thôi. Lúc tỉnh dậy thấy tay chân cụt ngủn, tôi cũng có đôi chút hụt hẫng, nhưng vì chuẩn bị tinh thần từ trước nên cũng không quá sốc”.

Hơn 2 tháng ở bệnh viện, được mọi người chăm sóc 24/24, nỗi đau về sự khiếm khuyết cơ thể chị Thắm chưa cảm nhận rõ. Nhưng khi về đến nhà, mọi việc đều phải nhờ người thân giúp đỡ, chị cho biết mình phải mất mấy tháng mới chấp nhận được sự thật.

Sau sinh tắc tia sữa rồi nhiễm trùng máu mất tay chân, câu nói của người mẹ gây xúc động - 4

"Dù cuộc sống có khó khăn, nhưng thấy con cười là tôi như trút bỏ hết áp lực", chị Thắm tâm sự.

“Về đến nhà, tôi chỉ nằm trên giường, không tự ngồi được, nằm lật người còn khó, mọi việc đều phải nhờ người giúp khiến tôi cảm thấy mình vừa vô dụng vừa là gánh nặng. Ban ngày thì không sao, nhưng buổi tối khi nhiều suy nghĩ dồn dập tôi tủi thân lắm”, Thắm tâm sự.

Rồi khoảng thời gian khó khăn cũng dần qua, khi vết mổ được tháo băng và dần lành lặn, chị có thể tập thao tác trên điện thoại cảm ứng bằng phần mỏm tay, người mẹ trẻ cũng dần lật được người rồi tự ngồi dậy, tập lết như một đứa trẻ. Chị có thể chơi đùa và dùng tay ôm con. Cảm xúc của chị Thắm dần cải thiện…

“Nhờ có con mà tôi vực dậy. Tôi thấy mình cứ lạc quan, không suy nghĩ nhiều sẽ không còn cảm giác tiêu cực. Bên cạnh tôi vẫn còn chồng, anh ấy dù bận công việc ở xa vẫn luôn về nhà với vợ con và luôn động viên tôi”, Thắm kể.

Sau thời gian bình phục, tháng 5/2019, chị Thắm - người mẹ trẻ bị mất tứ chi quyết định tập kinh doanh qua mạng (kinh doanh online). Với phần tay còn lại, chị dần học cách thao tác, gõ chữ trên điện thoại cảm ứng và đăng bài bán sản phẩm thuốc, hạt điều,… trên trang Facebook cá nhân.

Sau sinh tắc tia sữa rồi nhiễm trùng máu mất tay chân, câu nói của người mẹ gây xúc động - 5

Nhờ sự luyện tập, Thắm có thể tự thao tác đăng bài viết bán hàng và trả lời bình luận.

Chị Thắm không e ngại khi xuất hiện với "cơ thể mới". Chị kể: “Việc bán hàng rất vui vì nhiều khách hàng động viên chia sẻ và ủng hộ, có người gọi vui bảo tôi là người mẹ chim cánh cụt, những lúc đó tôi cảm thấy rất vui khi được hòa nhập với mọi người”.

Sau sinh tắc tia sữa rồi nhiễm trùng máu mất tay chân, câu nói của người mẹ gây xúc động - 6

Sau sinh tắc tia sữa rồi nhiễm trùng máu mất tay chân, câu nói của người mẹ gây xúc động - 7

Thắm trong một lần livestream bán hàng. Ảnh: Facebook nhân vật

Theo chị Thắm, thu nhập từ công việc kinh doanh online tùy theo từng tháng, trung bình từ 1-3 triệu đồng, đủ tiền sữa cho con. Dù thu nhập không cao, chị vẫn đều đặn hàng ngày đăng bài lên trang để tương tác với mọi người vì chị xem đó là nơi để mình gặp gỡ mọi người và chia sẻ với nhau.

“Nhờ con mà tôi quyết tâm phải lạc quan sống như người bình thường. Dù cuộc sống có khó khăn, nhưng thấy con cười là tôi như trút bỏ hết áp lực. Tôi chỉ hy vọng rằng vợ chồng có sức khỏe để chăm sóc, nuôi dưỡng con lớn khôn”, người mẹ tuổi 30 cười nói.

Anh xe ôm làm người đi đường bất ngờ vì cứ không chở khách lại mang đủ thứ lỉnh kỉnh
Là một tài xế xe ôm công nghệ, nhưng với tình yêu âm nhạc, anh DZũng Phạm đã học tập, tự chế ra một dàn nhạc di động. Hiện anh là một trong số ít...
Hữu Huy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Yêu thương vẫn ở đây