PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, hiện nay do chưa có thuốc đặc hiệu và vắc xin điều trị MERS, nên trong trường hợp có bệnh nhân nhiễm virus này thì phải điều trị theo triệu chứng.
Theo thông báo chính thức từ Bộ Y tế Hàn Quốc, tính đến thời điểm ngày 8/6, Hàn Quốc đã ghi nhận có 87 ca mắc và 6 trường hợp tử vong do MERS. Trước những diễn biến phức tạp của dịch MERS chiều muộn ngày 8/6 Bộ Y tế đã tiến hành họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh MERS-CoV với các bộ, ngành liên quan.
Tại buổi họp PGS.TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế) đánh giá cao nỗ lực trong thời gian qua nhằm kiểm soát dịch MERS xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, PGS Phu cũng lo ngại trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Việt Nam đang chủ động, tích cực phòng chống MERS xâm nhập vào trong nước.
“Hiện tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV nào. Tuy nhiên, thời gian tới do dịch đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc và Trung Quốc nên nguy cơ xâm nhập vào nước ta là rất lớn”, PGS Phu nói.
Trong trường hợp bệnh MERS xâm nhập vào Việt Nam, PGS.TS Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh) cho biết, Cục đã có kế hoạch thu dung, phân tuyến điều trị nhằm chủ động chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với MERS; đồng thời hạn chế lây nhiễm trong bệnh viện, hạn chế tử vong; duy trì hoạt động của các bệnh viện trong trường hợp dịch lan rộng.
Còn tại các bệnh viện, tính đến thời điểm này, đa số các bệnh viện đã xây dựng kế hoạch, sẵn sàng phương án đối phó khi nguy cơ có dịch xâm nhập vào Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên PGS.TS Nguyễn Văn Kính – GĐ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, bệnh viện đã sẵn sàng đáp ứng nếu có dịch vào Việt Nam. Theo đó, Bệnh viện đã săn sàng thu dung, xử lý và tiến hành xét nghiệm nếu có trường hợp nghi nhiễm MERS.
“Hiện nay, bệnh viện đã có khả năng xét nghiệm và phát hiện MERS chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ. Nếu phát hiện có virus MERS-CoV bệnh viện sẽ có phương án điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Do chưa có thuốc đặc hiệu, nên sẽ điều trị theo triệu chứng nếu xuất hiện bệnh nhân mắc MERS.
Thực tế, tính đến thời điểm này vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để chữa và vắc xin phòng bệnh MERS. Tuy nhiên, nếu xuất hiện ca mắc bệnh chúng tôi sẽ điều trị theo triệu chứng để giảm sự tấn công của virus đến các cơ quan trong cơ thể người bệnh. Đồng thời, sẽ có những biện pháp cách ly nhằm tránh dịch lây lan ra cộng đồng”, PGS Kính nói.
Cũng liên quan đến công tác phòng chống, ngăn chặn dịch MERS vào Việt Nam, chiều 8/6 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị các địa phương triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp theo công điện của Chính phủ.
Các địa phương kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch và rà soát các kế hoạch phòng chống dịch, giao nhiệm vụ cho từng người. Rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng hộ, đội phản ứng nhanh tại các địa phương để khi có dịch xảy ra sẵn sàng triển khai.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương có cửa khẩu đường đường bộ, đường thủy, và đường hàng không phải triển khai giám sát thân nhiệt 24/24 giờ và triển khai tờ khai y tế.
“Ca nhiễm MERS-CoV đầu tiên ở nước ta có thể xuất hiện ở bất kỳ địa phương nào, có thể là miền núi, vùng sâu vùng xa thông qua khách du lịch hoặc công dân Việt Nam làm ăn xa trở về quê. Bởi vậy, các địa phương không được lơ là trong công tác phòng chống dịch, dù địa phương đó có cửa khẩu hay không”, GS Long nhấn mạnh.