Sẽ không còn bất cập trong thi và tuyển sinh 2016 (!)

Ngày 14/01/2016 12:40 PM (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga khẳng định đã có phương án điều chỉnh một số bất cập từ kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 2015 để không lặp lại trong năm 2016

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 không còn xa, thứ trưởng có thể chia sẻ về những điểm mới của kỳ thi và tuyển sinh ĐH, CĐ 2016?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Chúng tôi vẫn đang trong thời gian hoàn thiện dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2016. Dự thảo này được xây dựng dựa trên ý kiến đóng góp của các trường, các sở giáo dục và đào tạo trong thời gian qua. Chúng tôi sẽ điều chỉnh những bất cập và phát huy những thành công đã đạt được. Tất nhiên, sự điều chỉnh sẽ cố gắng ở mức thấp nhất có thể để ổn định tâm lý của học sinh cũng như phụ huynh.

Sẽ không còn bất cập trong thi và tuyển sinh 2016 (!) - 1

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga

Kỳ thi THPT quốc gia 2015, công tác tổ chức thi được đánh giá tốt, vì thế dự kiến sẽ chỉ điều chỉnh một chút. Ví dụ, sẽ sắp xếp thí sinh (TS) thi ở cụm thi vùng giáp ranh thế nào để cho TS thuận tiện hơn, không phải đi quá xa. Nếu cụm thi quy định thì xa mà cụm thi khác gần thì TS được tùy chọn.

Về cụm thi, cũng không nhiều ý kiến phản hồi về bất cập nên nhìn chung vẫn giữ như cũ. Tuy nhiên, khâu xét tuyển có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật sao cho phù hợp, không xảy ra rắc rối  như việc rút - nộp hồ sơ các năm trước. TS cũng thuận lợi và giảm áp lực tâm lý. Chúng tôi đang nghiên cứu để điều chỉnh những bất cập ấy, quyền lợi TS không bị hạn chế và các em cũng không bức xúc.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói là sẽ công khai dự thảo này trước Tết Nguyên đán.

Điều này cũng có nghĩa là thời gian thi vẫn không thay đổi, kéo dài trong 4 ngày và thi 8 môn?

- Tất cả còn đang là dự thảo, bây giờ chưa khẳng định điều gì. Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa chi tiết dự thảo quy chế thi và tuyển sinh để tham khảo ý kiến của các trường và toàn xã hội về những phương án cụ thể; sau đó xã hội, học sinh, phụ huynh cho ý kiến đóng góp. Trên cơ sở phương án nào được nhiều người đồng tình nhất thì chọn phương án đó, bộ sẽ tổng hợp và ban hành quy chế chung.

Sẽ không còn bất cập trong thi và tuyển sinh 2016 (!) - 2

Thí sinh chờ rút hồ sơ trong đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 Ảnh: TẤN THẠNH

Vì kỳ thi liên quan đến nhiều TS, nhiều gia đình nên cần tham khảo ý kiến của xã hội.

Thứ trưởng cho biết vẫn giữ nguyên 2 loại cụm thi, vậy thì số lượng cụm thi sẽ được điều chỉnh như thế nào để phù hợp thực tế?

- Cụm thi chưa xác định rõ số lượng nhưng nguyên tắc sẽ làm sao cho phù hợp nhất, thuận lợi nhất cho TS. Tôi khẳng định là chúng tôi đã có giải pháp để những bất cập không lặp lại nhưng chưa thể công bố cụ thể vì có thể dẫn đến tâm lý hoang mang không tốt khi chưa có quyết định cuối cùng.

Nhưng đôi khi quá nhiều ý kiến khác nhau thì việc xây dựng quy chế có thể biến thành “đẽo cày giữa đường”?

- Chúng tôi đã có chủ trương định hướng rõ ràng, chỉ những nội dung nào còn nhiều băn khoăn thì mới xin ý kiến chứ không phải tất cả.

Nội dung “không đồng tình cao” có phải tập trung vào việc xét tuyển không, thưa ông?

- Đúng là còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc xét tuyển. Các trường làm gì, bộ làm gì, địa phương làm gì, kỹ thuật như thế nào để thuận lợi nhất cho học sinh và không gây bất cập cho các trường thực sự là một bài toán khó phải giải.

Rất nhiều trường lo ngại phương án để TS tự do nộp hồ sơ xét tuyển có thể tạo nên một lượng TS “ảo” khổng lồ?

- Thật sự là không có phương án nào hoàn hảo. Nếu mình nâng cao quyền lợi TS thì các trường sẽ bị ảnh hưởng, còn nếu thuận lợi cho các trường thì TS bị ảnh hưởng. Giữa những phương án này, cần phải chọn phương án tốt nhất.

Đến thời điểm này đã có thêm trường nào đăng ký tuyển sinh riêng?

- Chúng tôi chưa nhận thêm phương án tuyển sinh riêng của trường nào, các trường nào năm ngoái tuyển sinh riêng thì năm nay vẫn tiếp tục. Chủ yếu là các trường tốp dưới, những trường khó tuyển sinh.

Việc tuyển sinh năm 2015 cho thấy nhiều trường tốp dưới khó tuyển sinh. Với những trường này, phương án giải quyết của bộ ra sao?

- Đối với trường tư, việc dừng hoạt động hay không phụ thuộc vào hội đồng quản trị của họ. Nếu họ không vi phạm pháp luật thì mình không thể yêu cầu họ ngừng tuyển sinh. Còn việc sáp nhập là tự nguyện, mình chỉ khuyến khích họ không tuyển được thì sáp nhập để phát huy hiệu quả nguồn lực vì xây dựng trường rất tốn mà không tuyển được TS thì quá lãng phí.

Theo Yến Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot