Tết Kỷ Hợi 2019: Nghe tâm sự đắng của các cặp vợ chồng trẻ về quê ăn Tết

Ngày 30/01/2019 20:14 PM (GMT+7)

Tết là dịp để mỗi người đi làm ăn xa quê được trở về nhà, sum họp bên gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích Tết nhất là những cặp vợ chồng trẻ thì việc chi tiêu dịp Tết luôn rất đau đầu.

Không có tiền biếu bố mẹ hai bên

Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin trong việc về quê ăn Tết, chị Nguyễn Thị Nga (quê Nghệ An) lấy chồng ở Yên Bái tâm sự: “Tôi lấy chồng xa quê, hai vợ chồng lại chẳng có công ăn việc làm ổn định nên cách đây 1 năm vợ chồng tôi có xuống Hưng Yên để xin làm công nhân. Cuộc sống công nhân cũng chẳng dư dả gì nhiều, hai vợ chồng đi làm cũng chẳng tích cóp được là bao, vì bằng cấp không có, nên lương cũng thấp”.

Người phụ nữ này cũng cho biết thêm, vì ở xa quê nên mỗi lần về quê là lại thêm một lần phải lo tiền đi lại tốn kém. Vì thế, vợ chồng chị quyết định không về nhà ngoại ăn Tết.

Tết Kỷ Hợi 2019: Nghe tâm sự đắng của các cặp vợ chồng trẻ về quê ăn Tết - 1

Mỗi lần về quê dịp Tết là người phụ nữ này phải cân nhắc đủ thứ. 

“Hai vợ chồng tôi còn lo thêm cho hai người con, nên không có tiền để biếu bố mẹ hai bên. Nhiều lúc đi làm cả năm cũng muốn biếu bố mẹ hai bên, nhưng ngặt nỗi chẳng có dư nổi. Thậm chí, tôi cũng quyết định không về quê ngoại ăn Tết để tiết kiệm tiền đi lại. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê thì ai cũng như nhau. Nhưng, biết làm sao được khi tiền thưởng Tết không có mà lương thì chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng”, chị Nga thở dài.

Tương tự, anh Nguyễn Văn B. (Hà Nam) tâm sự: “Vợ chồng tôi mới lấy nhau được hơn 1 năm, nhưng chúng tôi cũng chỉ làm thuê ở Hà Nội nên lương tháng bấp bênh, Tết không có thưởng. Gần đến Tết rồi mà lòng tôi buồn rười rượi, hai vợ chồng suy tính Tết này về sẽ mua sắm những gì, biếu những ai, nhưng mà tiền chẳng có là bao, biếu ít thì sẽ bị nói mà biếu nhiều thì chẳng có. Vợ chồng tôi đang không biết phải làm thế nào cho vẹn cả đôi đường”.

“Méo mặt” vì… thuê xe

Với những cặp vợ chồng trẻ chưa có gia đình còn có thể đi xe khách, còn với những cặp đôi mà đã có gia đình, chưa kể có con nhỏ thì việc đi lại ngày Tết cũng vô cùng khó khăn.

Đang có con nhỏ 3 tháng tuổi, hai vợ chồng quê ở Hà Tĩnh ra Hà Nội làm ăn, chị Phương Liên tâm sự rằng những ngày cận Tết là những ngày gia đình chị đau đầu nhất.

“Con còn nhỏ quá nên chúng tôi không đi xe khách được, buộc phải thuê xe ô tô riêng về. Ban đầu, vợ chồng tôi định đi xe ghép nhưng đi ghép thì sẽ rất chật mà đường sá xa xôi, vì thế sau nhiều ngày đắn đo vợ chồng tôi quyết định thuê riêng xe về”, chị Phương Liên cho biết.

Thống nhất xong khoản thuê xe thì vợ chồng chị Phương Liên lại gặp phải tình huống trớ trêu đó là giá xe tăng chóng mặt. “Tôi hỏi thuê xe có người lái về Hà Tĩnh thì giá được hét lên trời 3 triệu đồng tiền về và 3 triệu đồng tiền ra. Chưa kể, về quê cũng phải biếu xén ông bà hai bên, rồi các cháu họ hàng cũng đông. Tính ra cũng phải hết tầm 15 -20 triệu đồng. Mà tôi thì mới sinh con, còn chồng thì chỉ làm văn phòng thôi. Có lúc chúng tôi định bàn lùi không về, nhưng không về thì không được, họ lại nghĩ mình làm cả năm keo kiệt đến nỗi không về được. Nói chung cứ nghĩ đến Tết là chúng tôi “méo mặt”.

Tết Kỷ Hợi 2019: Nghe tâm sự đắng của các cặp vợ chồng trẻ về quê ăn Tết - 2

Nghĩ đến chuyện thuê xe về dịp Tết là cặp vợ chồng trẻ xa quê đều "méo mặt".

Cùng chung suy nghĩ với chị Phương Liên, chị Nguyễn Phượng (quê ở Điện Biên) bày tỏ: “Mỗi dịp đến Tết là ai cũng hồ hởi, nhưng riêng vợ chồng tôi thì lại thấy sợ hãi vô cùng. Tôi lấy chồng ở Bắc Giang, hai vợ chồng cùng làm ở Hà Nội, làm công ty nhưng lương tháng cũng chỉ đủ sinh hoạt ở ngoài này. Gia đình tôi có 3 người con, hiện có một cháu nhỏ nhất được 6 tháng tuổi. Tết thì phải về cả hai bên nội ngoại, nên tính ra chúng tôi vẫn phải thuê xe về. Định đi xe khách nhưng đồ đạc lỉnh kỉnh, lếch tha lếch thếch. Cứ nghĩ mỗi chuyến về quê ăn Tết là tôi thấy sợ rồi”.

Chị Phương Liên kể, về quê không thể về tay không được, đi làm cả năm trời rồi thì vẫn phải mua đồ gì biếu Tết: “Còn nhớ có năm đầu tiên tôi lấy chồng, ở nhà chồng cứ ngỡ là về nhà có thể mua sắm sau, để tránh mang vác ở đây về cho đỡ phiền. Tôi nghe mẹ chồng nói với chồng “con không biết dạy bảo vợ, dâu mới năm đầu đi xa về phải lễ lạt đầy đủ”. Thế là, mọi năm dù nhiều đồ đến mấy thì tôi cùng chồng cũng phải sắm đủ lễ về quê. Các cụ ở quê coi đó mới là lòng thành. Nói thật, nguyên chuyện đặt xe, thuê xe về đã mệt rã rời, chưa kể vô cùng tốn kém nữa. Tôi chỉ mong ngày Tết mau mau chóng chóng qua đi”.

Người ta nghỉ Tết vào 28 nhưng với cô lễ tân này tận sáng mùng 1 mới được về nhà
Phải trực đến hết ngày 30 Tết, thậm chí qua cả khoảnh khắc năm mới, nhiều lễ tân thường xuyên phải đón một cái Tết muộn.
Theo Thanh Lam
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán