Tết nơi những em bé bằng cổ tay giành giật sự sống: “Ở lại ăn Tết cùng mẹ con nhé”

Ngày 25/01/2020 00:08 AM (GMT+7)

Bên hành lang bệnh viện, người thân của những em bé sinh non đang thấp thỏm chờ đợi, họ muốn cùng con đón Tết dù là ở trong bệnh viện cũng vui lắm rồi.

Video: Các bác sĩ chăm sóc cho những em bé sinh non tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

“Con ơi, ở lại ăn Tết cùng mẹ nhé! Mẹ chờ con”

Trưa ngày cuối năm, ngoài hành lang khoa Sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) hàng chục người thân các em bé đang thấp thỏm chờ đến giờ gửi sữa cho con. Trên tay, ai cũng cầm theo bình sữa nhỏ, họ cố nắm thật chặt, xoa thật đều tay để tạo hơi ấm cho sữa trước khi gửi các bác sĩ đưa vào chuẩn bị bữa trưa cho con.

Tết nơi những em bé bằng cổ tay giành giật sự sống: “Ở lại ăn Tết cùng mẹ con nhé” - 1

Mỗi khi đến giờ đưa sữa các ông bố, bà mẹ đều nín thở lắng nghe tình hình của con.

Chị Lan (26 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) sinh con được hơn 1 tháng, sức khỏe đã tốt hơn nên cùng chồng đến thăm con. Dù quy định chỉ được gửi sữa chứ không được vào thăm, nhưng chỉ cần nghe các bác sĩ nói về tình trạng của con mình, với chị như thế đã là quá đủ. “Bác sĩ nói con tôi đã ổn hơn, ăn uống được nhiều hơn và không phải thở máy. Tôi mừng lắm”, chị Lan nói.

Chị Lan sinh con khi mang thai ở tuần 32, con gái chị lúc chào đời được gần 1,3kg. Ngay sau sinh con chị được chuyển vào khoa Sơ sinh vì nhẹ cân, khó thở. Gia đình chị đặt tên cho con là An Nhiên, với mong muốn con bình an vượt qua những khó khăn.

Hết giờ đưa sữa cho con, qua các bác sĩ chị Lan gửi cho con lời chúc: “Con ơi, ở lại ăn Tết cùng bố mẹ nhé. Ăn tết ở viện cũng được con à. Mẹ chờ con”. Mong muốn của chị Lan, cũng là mong muốn của những người thân các cháu bé sinh non, nhẹ cân đang điều trị ở đây.

Tết nơi những em bé bằng cổ tay giành giật sự sống: “Ở lại ăn Tết cùng mẹ con nhé” - 2

Phòng hồi sức nơi các bé sơ sinh nhẹ cân, thiếu tháng nặng nhất nằm điều trị.

Lãnh đạo khoa Sơ sinh cho biết, hiện khoa đang điều trị cho khoảng 110 trẻ sinh non, nhẹ cân. Thời điểm chúng tôi có mặt tại khoa, cháu nhỏ nhất đang được chăm sóc chỉ nặng 3 lạng rưỡi. Sự sống đang rất mong manh, nhưng các bác sĩ nỗ lực từng ngày, từng giờ để giành sự sống cho bé.

Phòng hồi sức - nơi chăm sóc cho khoảng 20 em bé, nhưng tuyệt nhiên chẳng có một tiếng khóc, chỉ có tiếng kêu tít tít của máy thở cứ dồn dập từng hồi. Bác sĩ trực tại đây chia sẻ: “Bình thường các mẹ thấy con khóc là lo, nhưng ở căn phòng này nếu các cháu cất tiếng khóc là chúng tôi mừng lắm”.

Tận mắt chứng kiến những em bé chỉ to bằng cổ tay, cháu lớn hơn thì to bằng cái cốc khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Mỗi khi các điều dưỡng đưa tay qua ô cửa lồng kính vào chăm sóc, các bé chỉ cựa nhẹ người phản xạ. Dù chỉ là phản xạ rất nhỏ nhưng đó lại là điềm báo tốt, là niềm hy vọng và tương lai các bé sẽ được về nhà.

Tết nơi những em bé bằng cổ tay giành giật sự sống: “Ở lại ăn Tết cùng mẹ con nhé” - 3
Tết nơi những em bé bằng cổ tay giành giật sự sống: “Ở lại ăn Tết cùng mẹ con nhé” - 4
Tết nơi những em bé bằng cổ tay giành giật sự sống: “Ở lại ăn Tết cùng mẹ con nhé” - 5

Hạnh phúc nhất là thấy nụ cười của các mẹ khi bế con về nhà

Nằm đối diện phòng hồi sức là khu vực điều trị cho những em bé sinh non đã được cai máy thở. Tại đây, đa phần các em bé đã qua cơn nguy kịch có thể tự ăn uống, có trẻ chỉ điều trị vàng da và sắp được ra viện. Với những gia đình có con được chuyển về đây điều trị, niềm hy vọng về một cái Tết đoàn viên sẽ lớn hơn.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bình - người đã làm việc tại khoa Sơ sinh được 3 năm chia sẻ, điều hạnh phúc nhất của anh khi làm việc tại đây là nhìn thấy nụ cười của các mẹ khi bế con về với gia đình. Chính thời khắc thiêng liêng ấy giúp anh cũng như các đồng nghiệp ở khoa có thêm động lực để tiếp tục cống hiến cho nghề.

Tết nơi những em bé bằng cổ tay giành giật sự sống: “Ở lại ăn Tết cùng mẹ con nhé” - 6

Phòng chăm sóc trẻ sinh non khi đã được cai máy thở, đây là nơi sự sống các cháu gần như được đảm bảo.

Bác sĩ Bình cũng là người sẽ tham gia trực vào đúng đêm giao thừa Tết Canh Tý 2020 tại bệnh viện. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi vào nghề  anh tham gia trực vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

“Cách đây tròn 1 tháng khi nhận được lịch trực Tết do lãnh đạo bệnh viện phân công, tôi có chút hụt hẫng vì năm nay không được đón giao thừa cùng bố mẹ, vợ con. Nhưng đó là một vinh dự, một sự trải nghiệm với nghề trong thời khắc thiêng liêng ấy”, bác sĩ Bình chia sẻ.

Những ngày Tết ở khoa, chứng kiến những chiến binh nhí giành giật sự sống từng ngày, từng giờ khiến cảm xúc của bác sĩ Bình đan xen lẫn lộn. “Thời khắc giao thừa phải cấp cứu, phải giành sự sống cho các cháu tôi thấy mình yêu nghề hơn, thấy cần phải cố gắng hơn vì phía ngoài phòng bệnh những ánh mắt của người thân các bé đang từng phút ngóng chờ”, bác sĩ Bình nói.

Tết nơi những em bé bằng cổ tay giành giật sự sống: “Ở lại ăn Tết cùng mẹ con nhé” - 7Tết nơi những em bé bằng cổ tay giành giật sự sống: “Ở lại ăn Tết cùng mẹ con nhé” - 8

Bác sĩ Bình cẩn thận khám cho một bé sơ sinh đang nằm hồi sức.

Mỗi khi tiếp nhận, cấp cứu thành công mỗi bé sinh non, bác sĩ Bình lại thở phào nhẹ nhõm và lấy lại tinh thần để chuẩn bị cho những ca bệnh tiếp theo. “Năm mới tôi chỉ có một mong muốn là các sản phụ sinh nở được “mẹ tròn con vuông”, càng ít trẻ sinh non càng tốt. Còn đối với gia đình, vợ tôi cũng làm ngành y nên hiểu được công việc của chồng.

Với những người làm ngành y chúng tôi, chẳng riêng gì Tết mà mỗi khi có bệnh nhân nặng, khi được điều động chúng tôi luôn sẵn sàng lên đường. Tất cả vì sự an toàn của người bệnh”, bác sĩ Bình trải lòng.

Tết này mong các bé bình an, mong bố về nhà cùng con cháu

Đã quá 12 giờ trưa, điều dưỡng Nguyễn Phương Dung vẫn tất bật để chăm sóc các bé đang nằm trong lồng kính. Chị chia sẻ, chẳng phải ngày Tết mà công việc của bác sĩ, điều dưỡng ở đây lúc nào cũng vậy. “Mình có thể nhịn ăn vài tiếng được, nhưng các bé không thể thiếu được sự chăm sóc dù chỉ là 1 phút”, chị Dung vừa chăm sóc cho bé gái nặng 3 lạng rưỡi, vừa nói với chúng tôi.

Tết nơi những em bé bằng cổ tay giành giật sự sống: “Ở lại ăn Tết cùng mẹ con nhé” - 9
Tết nơi những em bé bằng cổ tay giành giật sự sống: “Ở lại ăn Tết cùng mẹ con nhé” - 10
Tết nơi những em bé bằng cổ tay giành giật sự sống: “Ở lại ăn Tết cùng mẹ con nhé” - 11

5 năm công tác tại khoa, đây là năm thứ 2 chị Dung trực Tết đêm giao thừa. Không còn hồi hộp như lần đầu nhận quyết định trực cách đây 2 năm, nhưng chị Dung vẫn có cảm giác man mát buồn vì đêm giao thừa không được ở bên gia đình. “Ai chẳng muốn giao thừa bên người thân, nhất là năm nay bố tôi mắc ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Mong ước lớn nhất của tôi trong Tết này là các bé ở khoa được bình an, còn bố sớm hồi phục để về với gia đình, con cháu”, chị Dung tâm sự.

Nhớ lại đêm giao thừa cách đây 2 năm khi trực Tết tại bệnh viện, chị Dung vẫn nhớ mãi hình ảnh bé gái sinh non nặng chưa đầy 1kg lên khoa trong tình trạng nặng. Khi đó cả khoa trực có 7 người tất cả, trong phòng hồi sức chỉ có y lệnh chứ chẳng có lời chúc năm mới nào dù giao thừa vừa qua được 2 tiếng.

Tết nơi những em bé bằng cổ tay giành giật sự sống: “Ở lại ăn Tết cùng mẹ con nhé” - 12Tết nơi những em bé bằng cổ tay giành giật sự sống: “Ở lại ăn Tết cùng mẹ con nhé” - 13

Điều dưỡng Nguyễn Phương Dung đang cẩn thận chăm sóc bé sinh non nặng chỉ 3,5 lạng.

“Sau mọi nỗ lực cháu bé đã qua cơn nguy kịch. Bước ra khỏi phòng hồi sức ai cũng thở phào nhẹ nhõm, khi ra hành lang thông báo cho gia đình chúng tôi xúc động trước lời chúc của người nhà các cháu gửi cho tôi. Đặc biệt là gia đình cháu vừa được cấp cứu, họ đã khóc vì con họ còn sự sống ở ngay ngày đầu năm mới”, chị Dung kể.

Đó là những niềm vui, nhưng nghề y vẫn luôn phải đối diện với những nỗi buồn, dù đó là ngày Tết, ngày vui nhiều người. Đó là thời khắc những em bé dù cố gắng những không thể cứu được, đó là lúc các bác sĩ gọi tên người nhà thông báo tin buồn. Nỗi sợ ấy chỉ những người trong cuộc mới có thể hiểu hết.

Hy vọng rằng trong những ngày đầu năm Canh Tý, các cháu sinh non sẽ ít đi, bác sĩ sẽ không phải ra hành lang gọi tên người nhà các cháu và tất cả đều được đón một cái Tết đầm ấm, vui vẻ, quây quần bên gia đình thân yêu.

Cận Tết, bác sĩ kể hành trình gần 600km giành sự sống cho bé sinh non nhỏ bằng cái cốc
Vượt qua những đoạn đường đèo nguy hiểm, cuối cùng em bé sinh non ở tuần 28 đã đến được Hà Nội an toàn, tiếp tục hành trình giành giật lại sự sống đầy...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động