Người mẹ đã vô cùng đau lòng và chia sẻ câu chuyện này lên mạng xã hội nhằm cảnh báo các bậc phụ huynh khác bởi đó là lỗi mà hầu như ai cũng đang mắc phải.
Chiếc điện thoại di động là một vật dụng rất quan trọng trong cuộc sống ngày nay và trở thành vật "bất ly thân" đối với rất nhiều người. Tuy vậy, ai cũng biết rằng ánh sáng bức xạ từ màn hình điện thoại có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, đặc biệt là đối với trẻ em, những đối tượng dễ bị tổn thương.
Nhiều bậc phụ huynh ngày nay thường cho con nhỏ sử dụng điện thoại với nhiều mục đích khác nhau như vui chơi giải trí, học tập, dỗ dành. Nhưng đôi khi, do không để ý tới thời gian và tần suất sử dụng, bố mẹ đã "tiếp tay" cho những căn bệnh nguy hiểm xuất phát từ việc sử dụng điện thoại.
Mới đây, một người mẹ có tên Fitri Resita Dewi, sống tại thành phố Bandung, tỉnh Tây Java, Indonesia, đã chia sẻ câu chuyện của mình lên trang Facebook cá nhân nhằm cảnh báo các bậc phụ huynh khác về tác hại kinh hoàng khi để con cái sử dụng điện thoại.
Người mẹ vô cùng lo lắng khi thấy con trai mình khóc ra máu.
Cụ thể, vào hôm 17/9 vừa qua, chị Fitri đã chia sẻ hình ảnh cậu con trai nhỏ của mình bị khóc ra máu, mắt sưng húp lên đau đớn và cho rằng đó là tác hại của việc con sử dụng điện thoại quá nhiều.
Chị Fitri viết: "Một vài ngày trước, tôi đã đọc tin tức về điều này nhưng nghĩ nó là trò lừa đảo nhưng nào ngờ nó lại xảy đến với con trai tôi. Thằng bé khóc và nước mắt đỏ như máu. Thật kinh ngạc! Đó là lỗi của tôi. Tôi đã để con chơi điện thoại di động nhiều mà không nghĩ đến tác hại của bức xạ. Ban đầu, đôi mắt thằng bé đỏ bừng và tình trạng ấy kéo dài suốt 3 ngày trời. Tôi đã cấm con chơi điện thoại. Vậy nên mọi người hãy lưu ý điều này, đừng để con mình trở thành nạn nhân tiếp theo".
Bé trai được đưa vào bệnh viện kiểm tra.
Sau đó, chị Fitri đã đưa cậu con trai út có tên Tsaqib tới gặp bác sĩ nhãn khoa để thăm khám và điều trị. Theo kết quả kiểm tra, bác sĩ nói rằng có một màng chắn đã ngăn tuyến lệ, làm chấn thương khiến nước mắt chảy ra có màu đỏ như máu. "Đó không phải sự thật. Bức xạ từ điện thoại di động không phải nguyên nhân gây ra hiện tượng khóc ra máu", bác sĩ nhấn mạnh.
Hóa ra, việc sử dụng điện thoại không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến cậu bé Tsaqib bị như vậy. Tuy nhiên, bác sĩ cũng nói thêm rằng, việc cho trẻ em sử dụng điện thoại quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng khô mắt, đau mắt, ảnh hưởng không nhỏ tới thị lực. Trẻ thường xuyên lấy tay dụi mắt cũng có thể khiến dị vật xâm nhập rất nguy hiểm. Do đó, việc sử dụng điện thoại được cho là nguyên nhân gián tiếp khiến cậu bé Tsaqib bị khóc ra máu.
Hiện tại, mắt của cậu bé đã hồi phục hoàn toàn.
Sau khi biết rõ nguyên nhân, chị Fitri đã đưa con trai mình tới bệnh viện để điều trị mắt và tình hình hiện nay của cậu bé đã ổn hơn. Người mẹ chia sẻ, đây là một bài học cảnh tỉnh cho chị và những người làm cha mẹ khác trong việc nuôi dạy con cái. Chị Fitri cũng tự hứa sẽ hạn chế tối đa việc cho con nhỏ tiếp xúc với điện thoại di động.