Thầy giáo rời bục giảng, ngày ngày nhận cơm từ thiện trước bệnh viện, không thể về thăm lại trường cũ dịp 20/11 vì bệnh tật

THÀNH GIANG - Ngày 18/11/2022 14:35 PM (GMT+7)

Vì sức khỏe không cho phép, thầy giáo Trương Kiệt An cáo bệnh không thể về dự buổi lễ kỷ niệm ngày 20/11 tại ngôi trường cũ. Cuộc sống của thầy An thời gian gần đây có nhiều điều mới khi câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp giảng dạy của thầy được chia sẻ trên mạng xã hội và truyền thông.

Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội và truyền thông chia sẻ về câu chuyện của thầy giáo Trương Kiệt An, từng có nhiều năm công tác giảng dạy tại tại trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TPHCM). Sau khi xin nghỉ dạy, thầy An đi nhận cơm từ thiện, sống nhờ nhà người khác vì hoàn cảnh khó khăn. Trong không khí của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều người không khỏi xót xa và chạnh lòng trước những "người lái đò" vẫn ngày ngày chật vật với cuộc sống mưu sinh sau những giờ cầm phấn trắng bảng đen.

Xem thêm:

Cô giáo Việt đầu tiên lọt top giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu: Từng bị bạn bè mỉa mai "Tụt hậu là cái chắc" khi về dạy trường làng

Liên hệ với thầy Trương Kiệt An vào thời điểm này khá khó khăn vì thầy thường phải đến bệnh viện để làm các xét nghiệm.

Thông báo về kết quả các xét nghiệm thực hiện tại bệnh viện Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào ngày 17/11, thầy An cho biết vì có một số vấn đề về sức khỏe nên bác sĩ đã chỉ định toa thuốc mua về điều trị, giá của mỗi lọ thuốc hơn 1 triệu đồng. Chiều ngày 18/11, thầy An sẽ tiếp tục đến một bệnh viện trên địa bàn quận 7 (TP.HCM) để tiếp tục thăm khám. Đây là hướng dẫn và lời ngỏ ý của một số phụ huynh cũ cho thầy An, đồng thời tài trợ toàn bộ chi phí điều trị bệnh.

Thầy Trương Kiệt An có gần 30 năm dạy học tại trường Tiểu học Trần Hưng Đạo trước khi xin nghỉ vì lý do sức khỏe (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Thầy Trương Kiệt An có gần 30 năm dạy học tại trường Tiểu học Trần Hưng Đạo trước khi xin nghỉ vì lý do sức khỏe (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Thời gian này với thầy An khá bận rộn khi nhiều người từ học trò cũ, hội phụ huynh cũ, hàng xóm và các mạnh thường quân biết đến câu chuyện đã tới hỏi thăm, giúp đỡ. Thầy An chia sẻ đã có nhận được những tấm lòng hỗ trợ từ phía công chúng, số tiền được sử dụng để mua thuốc men chữa bệnh và ổn định cuộc sống.

“Mấy ngày nay hơi bận, học trò cũ từ 20 - 30 năm trước về thăm lại, thầy trò ngồi nói chuyện tâm sự. Rồi phụ huynh, nhà trường, bà con chòm xóm biết chuyện cũng đến hỏi han. Học trò của tôi giờ ai cũng thành đạt, người làm giám đốc, chủ công ty, biết hoàn cảnh của thầy thì tìm lại và giúp đỡ. Thấy vậy cũng mừng rồi. Tôi cũng đã nhận được chút chút những hỗ trợ từ các mạnh thường quân kêu gọi quyên góp” - thầy An chia sẻ.

Đặc biệt, thầy An kể hôm thứ 7 tuần trước, đích thân phía lãnh đạo trường Tiểu học Trần Hưng Đạo đã liên hệ và gửi thư mời về dự lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại trường, thời gian vào lúc 17h30 chiều ngày 18/11. Tuy nhiên sau khi xem xét tình hình sức khỏe, đến ngày thứ 2 vừa qua, thầy An quyết định liên lạc lại với phía nhà trường để cáo bệnh, xin phép không thể đến dự. Dù biết có thể đây là dịp hiếm hoi được trở lại ngôi trường cũ trong không khí hân hoan của ngày Hiến chương nhà giáo, nhưng tình trạng sức khỏe không cho phép khiến thầy An đành từ chối lời mời.

Trước đó theo những thông tin được báo Thanh Niên đăng tải, thầy Trương Kiệt An sinh năm 1969, năm nay 53 tuổi. Thầy An từng tốt nghiệp trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM), sau đó theo học trường Trung cấp Sư phạm. Khi ra trường về dạy tại trường tiểu học Hòa Bình (quận 1, TP.HCM), đến năm 1988 chuyển sang trường Minh Đức. Từ năm 1994 - 2020, thầy An công tác tại trường Tiểu học Trần Hưng Đạo.

Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) nơi thầy Trương Kiệt An từng giảng dạy

Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) nơi thầy Trương Kiệt An từng giảng dạy

Sau 26 năm giảng dạy tại đây, năm 2020, thầy An viết đơn xin nghỉ dạy vì tình trạng sức khỏe không cho phép cùng những vấn đề trong cuộc sống riêng. Vì hoàn cảnh khó khăn, không có tiền thuê trọ, thầy An được một cặp vợ chồng lớn tuổi, bị tai biến thương tình cho ở nhờ tại một ngôi nhà trên đường Ven Sông Xáng (quận 8). Hằng ngày thầy An đến trước cổng Bệnh viện Phục hồi chức năng và các bệnh chuyên nghiệp (quận 8, TP.HCM) để nhận cơm từ thiện.

Tại thời điểm xin nghỉ việc vào năm 2020, thầy An có nhận được trợ cấp 11,25 tháng lương cơ bản, tương đương khoảng 116 triệu đồng. Số tiền này được dùng để trả khoản nợ vay ngân hàng từ năm 2010 do một số vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

Sau khi câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp nhà giáo của thầy Trương Kiệt An được chia sẻ, nhiều mạnh thường quân đã lên tiếng kêu gọi ủng hộ giúp đỡ. Trong đó có chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương đã đứng ra quyên góp và nhận được số tiền hơn 300 triệu đồng sau khoảng 2 tiếng mở tài khoản. Chị Phương cho biết số tiền này sẽ được gửi đến thầy An để trang trải cuộc sống, đỡ vất vả thiếu thốn. Ngoài ra, nhiều học sinh cũ của thầy An cũng đã chia sẻ và gửi tấm lòng đến người thầy đáng kính từng dạy dỗ, dìu dắt trong những bước đường tri thức đầu tiên.

Tuy nhiên phía trường tiểu học Trần Hưng Đạo đã lên tiếng cảnh báo về việc có đối tượng xấu lập tài khoản mạng xã hội giả mạo fanpage của trường để kêu gọi các tấm lòng hảo tâm ủng hộ cho thầy An. Nhà trường đề nghị mọi người cẩn thận, không quyên góp, không chuyển khoản đến các tài khoản chưa rõ ràng để tránh mất tiền.

Những tấm lòng hảo tâm ủng hộ cho thầy Trương Kiệt An vượt qua khoảng thời gian khó khăn

Những tấm lòng hảo tâm ủng hộ cho thầy Trương Kiệt An vượt qua khoảng thời gian khó khăn

Dịp 20/11 năm nay với thầy An có lẽ sẽ đặc biệt hơn mọi năm dù không còn theo đuổi sự nghiệp phấn trắng bảng đen. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm của cộng đồng, hy vọng thầy An sẽ có thêm động lực để vượt qua bệnh tật, lạc quan trong cuộc sống.

Cô giáo Việt đầu tiên lọt top giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu: Từng bị bạn bè mỉa mai Tụt hậu là cái chắc khi về dạy trường làng
Lọt top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu, là người Việt Nam duy nhất đạt giải thưởng danh giá này, cô giáo Hà Ánh Phượng đã mang lại niềm tự hào cho ngành Giáo dục.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

THÀNH GIANG
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động