Từ 1/1/2016, Luật Căn cước công dân có hiệu lực, theo đó tất cả công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước 12 số. Nhiều ý kiến xung quanh thông tin này, người ủng hộ thì mừng ra mặt vì sự tiện lợi 3 trong 1, người chưa hiểu lại ngại ngần thêm một thủ tục hành chính.
Chứng minh thư, hộ chiếu, giấy khai sinh sẽ là một
Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân có đầy đủ thông tin về lai lịch, nhận dạng được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Nội dung thẻ căn cước bao gồm 2 mặt: Mặt trước có hình Quốc huy nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ căn cước công dân, họ và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn.
Mặt sau, thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm, tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ. Số thẻ căn cước công dân là số định danh cá nhân của từng người. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ và đổi khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Thẻ căn cước giống chứng minh thư là đều có 12 số, cũng được cấp tại phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an các tỉnh, thành phố; Công an quận, huyện và đơn vị hành chính tương đương. Đợt cấp thẻ căn cước công dân đầu tiên trên cả nước diễn ra tại Hà Nội vào ngày 1/1/2016.
Thẻ căn cước thay cho chứng minh thư, giấy khai sinh, hộ chiếu.
Theo Thượng tá Nguyễn Danh Quảng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Hà Nội cho biết, nội dung trong thẻ với 20 cột, mục tại 2 loại giấy tờ này có sự khác nhau ở tên gọi, phần dân tộc được thay bằng quốc tịch; dấu của Bộ Công an được thay bằng Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam.
Điểm khác với chứng minh thư nhân dân là sau lần cấp đầu tiên, công dân phải đi đổi thẻ căn cước vào các năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Sau 60 tuổi, công dân không cần đổi trong khi chứng minh thư nhân dân phải đổi sau 15 năm sử dụng.
Khi đăng ký làm thẻ, công dân sẽ không phải xuất trình sổ hộ khẩu và xác nhận của công an địa phương. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống dữ liệu quản lý cư dân quốc gia chưa được hoàn thiện nên từ nay đến năm 2019, các địa điểm cấp thẻ căn cước công dân vẫn áp dụng việc cấp giống như với chứng minh thư. Thời gian cấp thẻ tính từ khi công an nhận đủ hồ sơ sẽ là 15 ngày. Thẻ căn cước công dân được miễn phí khi cấp lần đầu và khi cấp đổi sẽ phải trả phí là 50.000 đồng, cấp lại là 70.000 đồng.
Người dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; biên giới; huyện đảo nộp lệ phí khi đổi và cấp lại bằng 50% mức thu quy định.
Nhiều băn khoăn về thẻ căn cước
Tìm hiểu thực tế và thông tin trên cộng đồng mạng có khá nhiều băn khoăn. Anh Nguyễn Đức Hùng, ở phố Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy, Hà Nội thắc mắc: “Tại sao một cái thẻ có thể thay thế hộ chiếu mà không làm song ngữ Việt - Anh, bớt được bao rắc rối sau này, lại không phải công chứng dịch khi cần. Không có tiếng Anh, khi làm xong một thời gian nữa lại phải đổi thêm lần nữa”.
“Đến lúc này, tôi vẫn chưa hiểu là đầu năm 2016 sẽ cấp thẻ căn cước công dân thì bây giờ cần gì cấp chứng minh thư 12 số! Nó có cần thiết không? Trong ví tôi hiện nay đang có quá nhiều thứ giấy tờ… nay lại thêm thẻ căn cước”, anh Bùi Bảo Chính, ở phố Kim Mã, quận Ba Đình than thở.
“Tôi cũng thấy rối. Một người Việt Nam đầy đủ giấy tờ cần thiết đã là một mớ lỉnh kỉnh rồi. Theo tôi nên tối giản lại, làm một thẻ tích hợp cho tất cả, chẳng hạn thẻ căn cước có năm 14 tuổi, sau lên 18 thi bằng lái đóng thêm dấu bằng lái vào thẻ hay thêm ký hiệu nổi trên thẻ...”, chị Hà Thị Ninh, ở phố Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai nêu sáng kiến.
Có người lại đưa ra sáng kiến rằng thẻ căn cước nên thay thành thẻ công dân, sau đó bổ sung một ô ghi chú ở mặt trước hoặc sau: Ghi lại số chứng minh thư cũ ngày cấp vào ô này để thuận lợi cho giao dịch với giấy tờ cũ, nếu ai chưa có chứng minh thư thì để trống.
Dù còn nhiều ý kiến băn khoăn, tuy nhiên một số chuyên gia được hỏi cho rằng, thẻ căn cước ra đời sẽ giải quyết được hết những thắc mắc nói trên. Tất cả trong một, người dân không bị quản theo từng hộ, từng vùng nữa, mỗi cá nhân là một cá thể độc lập, đi đâu trong nước Việt Nam đều thoải mái như nhau.
Từ 1/1/2016, sẽ có 16 địa phương trên cả nước thực hiện cấp thẻ căn cước công dân. Trong đó, 14 địa phương đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để cấp căn cước công dân vào thời điểm trên, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP HCM, Cần Thơ và Tây Ninh. Riêng 2 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình, Bộ Công an đang cố gắng hoàn thiện cơ sở kỹ thuật để cấp thẻ căn cước công dân từ đầu năm 2016. |