Tin tức 24h:Kết luận giám định pháp y bổ sung vụ bé 8 tuổi bị "dì ghẻ" đánh tử vong

H.A - Ngày 23/04/2022 19:02 PM (GMT+7)

Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã chuyển toàn bộ hồ sơ, vật chứng của vụ án bé gái N.T.V.A, 8 tuổi bị dì ghẻ bạo hành, đánh chết tại quận Bình Thạnh đến Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố cha ruột và dì ghẻ của bé gái...

5 diễn biến

Kết luận giám định pháp y bổ sung vụ bé gái 8 tuổi bị dì ghẻ đánh tử vong

Theo kết quả giám định về pháp y tử thi lúc đầu ngày 20/1, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hồ Chí Minh xác định nguyên nhân chết của bé gái N.T.V.A là do phù phổi cấp do sốc chấn thương. 

Về cơ chế hình thành dấu vết để lại trên tử thi thì tổn thương bầm tụ máu trán đỉnh phải trong chân tóc do vật tày tác động không gây ra cái chết của nạn nhân.

Bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang tại hiện trường vụ án

Bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang tại hiện trường vụ án

Các tổn thương bầm tụ máu mặt ngoài mông phải tạo thành đám; mu tay trái dạng hai đường thẳng song song do vật tày tác động trực tiếp gây ra. Trong đó, các tổn thương bầm tụ máu dạng hai đường thẳng song song do vật tày dạng thẳng gây ra là nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân…

Sau đó, ngày 14/3, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hồ Chí Minh có kết luận giám định pháp y bổ sung giải thích về các tổn thương trên cơ thể bé A. Về tuổi của tổn thương (thời điểm gây ra tổn thương) trên cơ thể bé, các tổn thương mới xảy ra trong vài giờ trước khi tử vong (khoảng 1 giờ đến 6 giờ) là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nạn nhân.

Bé A. tử vong với nhiều thương tổn nghiêm trọng

Bé A. tử vong với nhiều thương tổn nghiêm trọng

Các tổn thương cũ, xảy ra trước khi tử vong khoảng hai ngày đến 25 ngày là yếu tố cộng thêm dẫn đến cái chết của nạn nhân. Các hung khí (mẫu vật được gửi đi giám định) và tay chân dùng để đánh thì có thể gây ra được các tổn thương trên cơ thể cháu như nêu trên.

Đáng chú ý, kết luận giám định pháp y bổ sung nêu trong trường hợp bé A không bị đánh vào ngày 22/12/2021 thì các tổn thương cũ không gây ra cái chết của nạn nhân.

Ngoài ra, Công an còn khôi phục, trích xuất toàn bộ dữ liệu 4 camera thu giữ trong căn hộ đã trích xuất được một số hình ảnh và mô tả được hành động của các bị can với bị hại…

Vụ án này ban đầu do Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh thụ lý. Tuy nhiên, do tính chất nghiêm trọng của vụ án, ngày 1/1/2022, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh đã bàn giao hồ sơ, đối tượng cho Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh để điều tra theo thẩm quyền.

Ngày 4/1/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về việc khởi tố bổ sung vụ án “Giết người” và “Che giấu tội phạm”; đồng thời có Quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, ngụ Gia Lai) về tội “Giết người” và có Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, ngụ quận 1, cha bé A.) về tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm” để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 18/4/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ban hành kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ, vật chứng của vụ án đến Viện KSND thành phố đề nghị truy tố các bị can theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://cand.com.vn/Ban-tin-113/ket-luan-giam-dinh-phap-y-bo-sung-vu-be-gai-8-tuoi-bi-d...

Bộ GD-ĐT nói gì về thông tin lịch sử trở thành môn tự chọn?

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp THPT, học sinh phải học 7 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, lịch sử trở thành môn học tự chọn.

Trước nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc lịch sử trở thành môn học tự chọn, ngày 23-4, Bộ GD-ĐT đã có phản hồi chính thức.

Học sinh Trường THCS- THPT Nguyễn Tất Thành học lịch sử mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia . Ảnh: Tuấn Sơn

Học sinh Trường THCS- THPT Nguyễn Tất Thành học lịch sử mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia . Ảnh: Tuấn Sơn

Theo Bộ GD-ĐT, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng đã quán triệt đầy đủ các quy định tại Nghị quyết 29, Nghị quyết 88, Quyết định 404, trong đó mỗi môn học có chức năng, nhiệm vụ, vai trò và vị trí khác nhau, cùng góp phần giáo dục học sinh trở thành những con người toàn diện có đủ tài, đức, công dân có ích cho xã hội. Các môn khoa học tự nhiên, công nghệ, tin học bồi dưỡng những kiến thức về khoa học tự nhiên, rèn luyện tư duy, giúp học sinh có năng lực tiếp cận, hội nhập, làm chủ khoa học - kỹ thuật hiện đại.

Các môn khoa học xã hội, nghệ thuật giúp học sinh thông hiểu về đời sống xã hội loài người, hiểu sự phát triển của xã hội loài người, hiểu các quy luật phát triển kinh tế, xã hội, triết lí, tư tưởng, lẽ sống… góp phần bồi dưỡng tâm hồn con người, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn đối với thế hệ trẻ.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Lịch sử được bố trí dạy như sau.

Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9): Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản.

Ở cấp tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội với tổng thời lượng cho cả 3 năm học là 210 tiết; ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý, là môn học bắt buộc với tổng số 140 tiết. Chương trình mới được thiết kế theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lí và không gian xã hội, từ địa lí, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam đến địa lí, lịch sử của các nước láng giềng, khu vực và thế giới, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.

Ở cấp học trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý, là môn học bắt buộc ở tất cả các lớp, từ lớp 6 đến lớp 9, với tổng số 420 tiết, trong đó 50% thời lượng dành cho phân môn Lịch sử. Nội dung chương trình phân môn Lịch sử cấp trung học cơ sở trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.

Nội dung giáo dục lịch sử, ngoài việc được thực hiện trong phân môn Lịch sử còn được tích hợp một cách phù hợp trong các bài học thuộc phân môn Địa lý trong cùng môn Lịch sử và Địa lý; bảo đảm liên thông với chương trình môn Lịch sử và Địa lý cấp tiểu học và chương trình môn Lịch sử, chương trình môn Địa lý cấp trung học phổ thông; thống nhất, kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học và các môn học, hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó, nội dung giáo dục lịch sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản còn được thực hiện trong môn Đạo đức (ở cấp tiểu học), môn Giáo dục công dân (ở cấp trung học cơ sở), Nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 1 đến lớp 9. Trong đó, Lịch sử của các địa phương tiếp tục được đưa vào dạy học bắt buộc ở tất cả các lớp, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn lịch sử dân tộc Việt Nam.

Với cách thiết kế chương trình như trên, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và trung học cơ sở, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12): Ở cấp trung học phổ thông, Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn học: nhóm khoa học xã hội gồm 3 môn học: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm khoa học tự nhiên gồm 3 môn học: Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn học: Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật), trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định: "Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường".

Như vậy, môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường trung học phổ thông, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có. Phương pháp dạy học môn Lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của sử học và phương pháp giáo dục hiện đại. Chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông (với tổng thời lượng 315 tiết, so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết) hệ thống hoá, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam.

Cũng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, ở cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 10 đến lớp 12. Đồng thời, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Bộ GD-ĐT cho rằng sự sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (được phân chia giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm) là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.

Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học phổ thông, trong tình hình còn nhiều khó khăn về các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện khác, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để có những biện pháp định hướng hỗ trợ học sinh chọn các tổ hợp môn học hợp lý, phù hợp với các điều kiện thực tiễn, phát huy hết được nhóm nhân lực nhà giáo dạy học môn Lịch sử.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt yêu cầu tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam.

Nguồn: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bo-gd-dt-noi-gi-ve-thong-tin-ve-lich-su-tro-thanh-...

Ra sông chơi, bé trai 8 tuổi đuối nước tử vong, bé 4 tuổi mất tích

Trưa ngày 23-4, lực lượng cảnh sát Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Thanh Hóa cùng chính quyền thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy vẫn đang tổ chức tìm kiếm tung tích cháu Đ.Q.K. (SN 2018, ngụ phố Đại Đồng, thị trấn Phong Sơn) bị đuối nước trên sông Mã trước đó 1 ngày.

Theo thông tin từ UBND thị trấn Phong Sơn, vụ đuối nước xảy ra trưa ngày 22-4. Thời điểm trên, cháu K. và cháu Đ.T.P. (SN 2016; cùng ngụ phố Đại Đồng; là anh em họ) ra sông Mã, đoạn chảy qua phố Đại Đồng chơi.

Tuy nhiên, tới quá giờ trưa, gia đình không thấy các con về nhà nên nghi ngờ có chuyện chẳng lành liền đi tìm và báo chính quyền địa phương ra sông Mã tìm kiếm.

Chiều cùng ngày, thi thể cháu P. đã được tìm thấy trên sông, lực lượng chức năng đã bàn giao cho gia đình tổ chức mai tang.

Đến 9 giờ ngày 23-4, tung tích cháu K. vẫn chưa được tìm thấy.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/ra-song-choi-be-trai-8-tuoi-duoi-nuoc-tu-vong-be-4-tuoi-mat-...

TP HCM: Phụ nữ 61 tuổi tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ

Sáng 23-4, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM xác nhận thông tin một phụ nữ 61 tuổi tử vong sau khi phẫu thuật cấy mỡ ngực tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn (quận Tân Bình, TP HCM). Vụ việc xảy ra vào ngày 20-4.

Theo bà Như, Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, làm rõ vụ việc. Hiện cơ sở tạm ngưng hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ cho đến khi có kết luận điều tra.

Sáng cùng ngày, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết sau khi nhận được thông tin, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã hội chẩn với Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn và quyết định đặt ECMO (can thiệp tim phổi nhân tạo). Sau đó, ekip bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa máy ECMO sang Kangnam tiến hành can thiệp cho bệnh nhân sau đó chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, diễn tiến nhanh, bệnh nhân tử vong chiều cùng ngày (20-4).

Thông tin ban đầu, ngày 20-4, người phụ nữ 61 tuổi đã đến Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn để phẫu thuật cấy mỡ ngực, trong quá trình gây mê thì có biểu hiện suy hô hấp. Sau đó, bệnh viện đã nhờ Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân.

Trước đó, trên địa bàn TP HCM cũng đã xảy ra một vài vụ việc tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/tp-hcm-phu-nu-61-tuoi-tu-vong-sau-phau-thuat-tham-my-202204...

Táo tợn dìm chết người phụ nữ trong Khu chế xuất Tân Thuận để cướp xe SH

Ngày 22/4, TAND TPHCM xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (39 tuổi, quê Sóc Trăng) tử hình về tội “Giết người”, 6 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Tổng hợp hình phạt là tử hình. Đinh Văn Vũ Ka (34 tuổi, ngụ quận 7) bị tuyên 18 tháng tù về tội “Che giấu tội phạm” .

Nguyễn Thanh Tùng tại phiên tòa.

Nguyễn Thanh Tùng tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, trưa 15/12/2019, Nguyễn Thanh Tùng chạy xe máy trên đường 14 Khu chế xuất Tân Thuận (phường Tân Thuận Đông, quận 7) thì thấy chị Lê Thị Biết đang dừng xe máy hiệu SH mode bên lề đường. Tùng nảy sinh ý định cướp xe nên giả vờ đến bắt chuyện làm quen với chị.

Chị Biết điều khiển xe định bỏ đi thì Tùng dùng tay kẹp cổ khống chế nạn nhân. Chị Biết giằng co, cắn vào tay Tùng làm cả hai té ngã xuống cống thoát nước gần đó. Tùng đè và giữ tay của chị Biết đến khi nạn nhân không còn cử động mới bỏ lên bờ.

Tùng gọi điện thoại cho Ka nói mới lấy trộm được chiếc xe, kêu Ka đến phụ giúp đưa xe đi. Ka đồng ý ra gặp Tùng, cả hai đem xe đến tiệm game bắn cá trên đường Huỳnh Tấn Phát (phường Tân Thuận) để gửi. Sau đó Ka chở Tùng lại gần hiện trường gây án để lấy xe máy của Tùng rồi đi làm việc.

Tiếp đến Tùng đem xe máy của nạn nhân gửi tại Siêu thị Big C, quận 7 chờ tiêu thụ. Sau đó Tùng đem chiếc xe máy SH của nạn nhân cầm được 25 triệu đồng, đổi điểm game bắn cá 10 triệu đồng còn lại tiêu xài cá nhân.

Ngày 18/12/2019, nhân viên bảo vệ đi tuần tra phát hiện xác nạn nhân dưới cổng thoát nước nên trình báo công an. Công an mời Ka đến làm việc nhưng Ka không khai báo sự việc. Trích xuất camera xung quanh khu vực gây án, công an tiến hành bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với Tùng.

Nguồn: https://tienphong.vn/tao-ton-dim-chet-nguoi-phu-nu-giua-ban-ngay-trong-khu-che-xuat-tan...

Loài cá xưa dùng để tiến vua, giờ được người giàu săn lùng ráo riết, giá đắt vô cùng 800.000đồng/kg
Cá dầm xanh là một loài cá quý, được nhiều người sành ăn săn lùng vì mùi vị thơm ngon hảo hạng của chúng. Được biết, loại cá này là một trong số 5 cá...

Đặc sản 4 phương

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h