Tin tức 24h: Miền Bắc sắp đón gió mùa đông bắc mạnh khiến nền nhiệt giảm sâu, khi nào trời trở rét?

H.A - Ngày 11/02/2023 19:11 PM (GMT+7)

Từ đêm 13/2, không khí lạnh bắt đầu ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta, sau đó mở rộng ảnh hưởng đến miền Trung, gây mưa rào và dông rải rác, nền nhiệt giảm sâu.

Hiện nay (11/2), ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng đêm 13/2 ngày 14/2, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3; vùng ven biển cấp 3-4, có nơi giật cấp 6.

Từ ngày 14/2, ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 14-17 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 10-13 độ, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 16-19 độ.

Miền Bắc chuyển rét sâu từ đầu tuần tới.

Miền Bắc chuyển rét sâu từ đầu tuần tới.

Trên biển, từ gần sáng ngày 14/2, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2,0-3,5m, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh. Từ ngày 15/02, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh.

Trong đêm 13/2 và ngày 14/2, ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Từ ngày 14-17/2, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa, mưa rào, cục bộ có mưa vừa, mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trước khi đón không khí lạnh mạnh, trong hai ngày 12-13/2, miền Bắc có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù vào đêm và sáng, trưa chiều hửng nắng.

Thủ đô Hà Nội ngày 12-13/2 có mưa phùn, sương mù vào đêm và sáng, trưa chiều hửng nắng, nhiệt độ trong ngày dao động từ 21-29 độ.

Từ 14/2, Hà Nội trời chuyển nhiều mây, có mưa rào, nhiệt độ dao động trong ngày từ 19-22 độ. Từ 15-18/2, nhiệt độ thấp nhất ở Hà Nội từ 16-17 độ, nhiệt độ cao nhất từ 21-22 độ, trời nhiều mây, có mưa nhỏ.

Hàng loạt phụ huynh của Anh ngữ Apax Leaders TP HCM kêu cứu: Sở GD-ĐT TP HCM lên tiếng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết Sở đã nắm thông tin và sẽ phối hợp với các địa phương có cơ sở của Apax Leaders đóng trên địa bàn.

Thực tế, từ năm 2022, khi một số cơ sở bị phụ huynh phản ánh, sở đã phối hợp với địa phương để hỗ trợ các bên liên quan. Hiện nay, Sở GD-ĐT TP vẫn theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ trên tinh thần bảo vệ quyền lợi người đi học và hỗ trợ đơn vị hoạt động, tồn tại theo đúng quy định. Ở góc độ quản lý Nhà nước, trách nhiệm của sở là hướng dẫn các trung tâm, phụ huynh, người học nếu họ có nhu cầu phản ánh. "Nếu Apax Leaders không đáp ứng nhu cầu dạy học hoặc không đáp ứng nhu cầu về an toàn công trình, Sở GD-ĐT TP HCM sẽ can thiệp vì đây là chuyên môn, nhiệm vụ của sở"- ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dương Trí Dũng, trong trường hợp một hay nhiều phụ huynh phản ánh, Sở GD-ĐT TP đều tiếp nhận và xử lý theo đúng quy định, thẩm quyền. Chẳng hạn, nếu trung tâm không đáp ứng nhu cầu dạy học hoặc không đáp ứng nhu cầu về an toàn công trình, sở sẽ can thiệp vì đây là chuyên môn, nhiệm vụ của Sở. Nếu trung tâm vi phạm quyền lợi của người đi học trong những mặt khác, ví dụ về mặt học phí, sở cũng sẽ có ý kiến và tham gia để bảo vệ quyền lợi của người đi học. 

Nếu trung tâm có dấu hiệu vi phạm liên quan thẩm quyền quản lý của các cơ quan chức năng khác, sở cũng sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ các đối tượng liên quan như người đi học, cha mẹ người đi học... "Ở góc độ quản lý, Sở GD- ĐT TP HCM sẽ sẵn sàng làm hết các nội dung trong góc độ quản lý để bảo vệ quyền lợi của các đối tượng liên quan"- ông Dũng khẳng định.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin vào ngày 8-2, hàng loạt phụ huynh TP HCM như ngồi trên đống lửa, gửi đơn kêu cứu khi nhiều Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders không hoàn trả học phí cho phụ huynh, đóng cửa không thông báo lý do, nhân viên trung tâm tắt liên lạc.

Đến nay, đã có hàng loạt phụ huynh thuộc hơn 27 Trung tâm tiếng Anh Apax Leaders tại TP HCM đã ký vào đơn tập thể gửi đến Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM và Thanh tra Sở GD-ĐT tố cáo các trung tâm này có dấu hiệu chiếm dụng học phí của phụ huynh.

Trước đó, vào ngày 17-1, có hơn 150 phụ huynh gửi đơn đến thanh tra Sở GD-ĐT TP HCM. Trong đơn, các phụ huynh nhờ Sở GD-ĐT TP can thiệp để Công ty cổ phần Anh ngữ Apax trả lại học phí cho phụ huynh nếu công ty tái cấu trúc trong quý I năm 2023.

Đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an tại Thổ Nhĩ Kỳ khẩn trương tìm kiếm nạn nhân

Đầu giờ chiều theo giờ Việt Nam, theo thông tin cập nhật từ Bộ Công an, khoảng 8 giờ ngày 11-2 (theo giờ Thổ Nhĩ Kỳ), đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam bắt đầu triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, địa điểm cứu nạn của đoàn được phân công nằm ở đường 531, Adiyaman Merkez, TP Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện trường khu vực đổ nát. Ảnh: D.V.

Hiện trường khu vực đổ nát. Ảnh: D.V.

Tại hiện trường, Đoàn công công tác chia làm 2 nhóm do Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07, Bộ Công an), chỉ đạo trực tiếp nhóm tìm kiếm cứu nạn. 

Nhóm thứ 2 do Đại tá Phan Mạnh Hà chỉ đạo sắp xếp các thiết bị, phương tiện, rà soát trang thiết bị y tế hỗ trợ, chuẩn bị các điều kiện để thay ca cho nhóm trực tiếp cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường.

Đại diện Cục C07, Bộ Công an cho biết khoảng 1 giờ 20 ngày 11-2, hiện trường một tòa nhà đổ nát trong khu vực được phân công, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng C07, cùng một số chiến sĩ đang khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân. Qua khảo sát, bên trong khả năng có người mắc kẹt, mùi hôi bốc ra và khả năng sống của các nạn nhân rất mong manh.

Trước đó khoảng 1 giờ sáng (giờ Thổ Nhĩ Kỳ) cùng ngày 11-2, đoàn công tác tới địa điểm cứu nạn, dựng lều dã chiến để nghỉ ngơi, song song với công tác khảo sát, lên phương án.

Tính đến sáng 11-2, số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên hơn 21.000. Số người chết trong trận động đất mạnh 7,8 độ hôm 6-2 và một số dư chấn mạnh ở cả hai quốc gia đã vượt qua con số thương vong trong trận động đất có cường độ tương tự, diễn ra năm 1999 ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 17.000 người thiệt mạng.

Hà Nội cấm xe qua cầu Nhật Tân theo giờ trong 7 ngày để kiểm định chất lượng

Báo An ninh Thủ đô đưa tin, Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản chấp thuận phương án phân luồng, tổ chức giao thông phục vụ công tác kiểm định cầu Nhật Tân từ ngày 16 đến 22/2.

 Hà Nội sẽ cấm cầu Nhật Tân theo giờ để kiểm định chất lượng công trình. Ảnh:  Tạp chí Tri thức trực tuyến

 Hà Nội sẽ cấm cầu Nhật Tân theo giờ để kiểm định chất lượng công trình. Ảnh:  Tạp chí Tri thức trực tuyến

Cụ thể, từ ngày 16 đến 20/2, Sở GTVT cấm toàn bộ các phương tiện lưu thông trên cầu Nhật Tân hướng Võ Chí Công đi Võ Nguyên Giáp. Các phương tiện lưu thông bình thường ở chiều ngược lại trên cầu Nhật Tân. Thời gian cấm cầu từ 12h đến 4h sáng hôm sau.

Từ ngày 21 đến 22/2, Sở GTVT cấm các phương tiện lưu thông trên cầu Nhật Tân hướng Võ Nguyên Giáp đi Võ Chí Công. Thời gian cấm từ 12h đến 4h sáng hôm sau.

Đối với các phương tiện qua cầu theo hướng từ Võ Nguyên Giáp đi Võ Chí Công, đơn vị sẽ tổ chức cấm xe, phân luồng giao thông thành từng đợt, mỗi lần cấm xe khoảng 40-50 phút để thử tải trọng rồi tiến hành thông xe.

Việc thông xe tạm thời trong 30-45 phút nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông. Các xe thử tải sẽ đỗ sát mép dải phân cách giữa để dành hai làn ôtô cho các phương tiện đi qua cầu.

Thời gian cấm từ 12h đến 4h sáng hôm sau trong ngày 21-22/2. Thời gian còn lại, phương tiện lưu thông qua cầu Nhật Tân hướng Võ Nguyên Giáp đi Võ Chí Công di chuyển bình thường.

Đơn vị kiểm định sẽ chốt chặn tại đầu cầu Nhật Tân hướng Võ Chí Công đi Võ Nguyên Giáp, lắp đặt đầy đủ biển báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng ban đêm cách đầu cầu Nhật Tân 200m, nhắc lại tại 150m, 50m và tại vị trí chốt.

Theo Tạp chí Tri thức trực tuyến, Sở GTVT TP yêu cầu đơn vị kiểm định bố trí lực lượng phân luồng phối hợp với CSGT, Thanh tra GTVT để hướng dẫn phân luồng giao thông để hướng dẫn cho các phương tiện rẽ phải đi xuống đường An Dương Vương quay đầu lại đường Võ Chí Công để đi sang cầu Thăng Long.

Đồng thời, tổ chức phân luồng từ xa cho các phương tiện lưu thông đi sang cầu Thăng Long theo các chốt phân luồng sau:

Vị trí 1: Bố trí biển báo, biển chỉ dẫn tại nút giao Nguyễn Hoàng T Chí Công, Xuân La – Võ Chí Công để các phương tiện biết và rẽ vào Nguyễn Hoàng Tôn, đường Xuân La để đi đường Phạm Văn Đồng lên cầu Long;

Vị trí 2: Nút giao An Dương Vương – Võ Chí Công bố trí chốt cứng chặn các phương tiện lên cầu Nhật Tân, bố trí nhân sự và biển báo chỉ dẫn các phương tiện đi theo nhánh Ram đi đường Võ Chí Công;

Vị trí 3: Nút giao hướng các phương tiện từ đường An Dương Vương rẽ phải lên cầu, chốt cứng chặn các phương tiện lên cầu Nhật Tân, bố trí nhân sự và biển báo chỉ dẫn các phương tiện quay đầu để đi lên cầu Thăng Long.

Bộ Y tế công nhận COVID-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH

Theo Thông tư 02 do Bộ Y tế vừa ban hành, COVID-19 đã được đưa bổ sung vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH), trở thành bệnh nghề nghiệp thứ 35 được công nhận. Thông tư này có hiệu lực từ 1/4/2023.

Thông tư nêu rõ, bệnh COVID-19 phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.

Bộ Y tế công nhận COVID-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH. Ảnh minh họa

Bộ Y tế công nhận COVID-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH. Ảnh minh họa

Có 6 nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS- CoV-2 là bệnh nghề nghiệp hưởng BHXH. Cụ thể:

1. Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế.

2. Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa virus SARS-CoV-2

3. Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2 bao gồm: Người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà; Người vận chuyển, phục vụ người bệnh COVID-19 Người vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh COVID-19; Người giám sát, điều tra, xác minh dịch COVID-19 Nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh

4. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng

5. Chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an

6. Người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Theo Bộ Y tế, thời gian tiếp xúc tối thiểu (thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây bệnh nghề nghiệp) là một lần. Trong khi thời gian bảo đảm (khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với nguồn lây đến thời điểm phát bệnh) là 28 ngày.

Ngoài ra, thời gian khám xác định di chứng được quy định sau tối thiểu 6 tháng kể từ khi mắc COVID-19 và được điều trị ổn định. Trường hợp không điều trị ổn định được thực hiện theo quy định hiện hành.

Cũng theo quy định của Bộ Y tế, người làm nghề, công việc trên đây được chẩn đoán xác định mắc COVID-19 do tiếp xúc trong quá trình lao động trong thời gian từ ngày 1/2/2020 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực (1/4) được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp để khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định hiện hành.

Như vậy, danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/4 gồm 35 bệnh, trong đó có những bệnh như viêm phế quản mạn tính, hen, nhiễm độc chì, nhiễm độc nghề nghiệp do benzen hay nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp...

Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam có hơn 11.526.600 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bình quân cứ 1 triệu người có 116.485 ca nhiễm. Việt Nam cũng ghi nhận 43.186 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 0,4% tổng số ca nhiễm.

Chiếc bồn rửa mặt độc lạ giữa trời ở Hà Nội, CĐM khen Sáng ra đánh răng ngắm cả phố: Chủ nhân tiết lộ bất ngờ
Dân mạng gọi đây là chiếc bồn rửa mặt triệu view vì nó nằm ở vị trí đặc biệt, được gắn trên cục nóng điều hòa tại căn nhà ở phố Minh Khai (Hà Nội).

Cư dân mạng

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h