Bước đầu, cơ quan công an xác định vụ bé gái hơn 1 tuổi ở quận 12 (TPHCM) tử vong không phải do sặc cơm khi ăn mà là do bệnh lý.
Nguyên nhân bé gái hơn 1 tuổi tử vong sau khi gửi trẻ ở TP.HCM
Ngày 22/2, Công an quận 12 (TPHCM) cho biết vẫn đang điều tra vụ bé gái hơn 1 tuổi tử vong xảy ra trên địa bàn.
Vụ việc xảy ra tại căn nhà nằm trong hẻm trên đường Nguyễn Thị Đặng, phường Tân Thới Hiệp, quận 12.
Căn nhà xảy ra vụ việc được chắn bởi dụng cụ phơi áo quần. Ảnh: Hoàng Thuận.
Theo người dân địa phương, vợ chồng bà P. (36 tuổi) thuê căn nhà trên và sinh sống cùng với 2 người con. Hàng ngày, bà P. nhận trông giữ khoảng 5 trẻ, là con của các hộ dân là công nhân ở gần đó gửi để chăm sóc.
Chiều 21/2, bà P. phát hiện bé gái T.N (14 tháng tuổi) có biểu hiện nôn ói nên cùng với người dân xung quanh nhanh chóng đưa bé vào bệnh viện cấp cứu nhưng cháu không qua khỏi.
Sau khi sự việc xảy ra, Công an phường Tân Thới Hiệp, Công an quận 12 và các đơn vị liên quan có mặt khám nghiệm hiện trường, đưa bà P. về trụ sở để lấy lời khai.
Một số người dân cho biết, bà P. có bằng giữ trẻ, trước đây từng làm giáo viên ở trường mầm non, tính tình hiền lành. Sau khi nghỉ làm ở trường, bà P. nhận giữ trẻ được vài năm và rất thương yêu trẻ em.
Ghi nhận, căn nhà xảy ra vụ việc gồm một trệt, một lầu và xung quanh có nhiều dãy trọ liền kề. Căn nhà trên được khóa ngoài và phía trước có đặt dụng cụ phơi đồ chắn ở phía trước.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định bé gái tử vong do bệnh lý.
Diễn biến mới vụ án bà Nguyễn Phương Hằng
Theo lịch xét xử của TAND Cấp cao tại TP.HCM, ngày 11-3 tới, Tòa này sẽ xử phúc thẩm vụ án bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm.
Trước đó, xử sơ thẩm vào ngày 21-9-2023, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng ba năm tù về lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (theo Điều 331 BLHS).
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Cùng tội danh trên, bị cáo Đặng Anh Quân bị tuyên phạt 30 tháng tù; các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân cùng bị phạt 18 tháng tù.
Sau khi có bản án sơ thẩm, các bị cáo Quân, Tân, Nhi, Hà có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng mức án mà TAND TP.HCM đã tuyên đối với các bị cáo là quá nặng.
Được biết, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là bà Đặng Thị Hàn Ni và bà Đinh Thị Lan cũng có kháng cáo.
Riêng bị cáo Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo và chấp nhận mức án sơ thẩm mà TAND TP.HCM đã tuyên.
Theo bản án sơ thẩm, trong khoảng thời gian liên tục từ tháng 3-2021, bị cáo Nguyễn Phương Hằng thông qua các tài khoản mạng xã hội đã phát sóng trực tiếp (livestream) để đưa lên những thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin bịa đặt xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm uy tín, danh dự của 10 cá nhân gồm: Ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh, bà Đặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Trần Thị Thủy Tiên, ông Lê Công Vinh, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo) và bà Trương Thị Việt Hà…
Trong một diễn biến liên quan, ngày 1-3, TAND TP.HCM sẽ mở phiên toà xét xử sơ thẩm đối với hai bị cáo Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong vụ án này, ngoài triệu tập bà Phương Hằng, tòa án còn triệu tập ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Hằng), Công ty Cổ phần Đại Nam, Quỹ từ Thiện Hằng Hữu với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...
Bộ Công an: Bỏ hạng giấy phép lái xe A4, gộp hạng B1 và B2 thành hạng B
Để chuẩn bị cho Quốc hội nhấn nút thông qua dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) sắp tới, Bộ Công an vừa có dự thảo báo cáo Quốc hội giải trình về việc phân hạng giấy phép lái xe.
Luật Giao thông đường bộ 2008, đã quy định và phân hạng giấy phép lái xe, tuy nhiên dự thảo Luật TTATGTĐB (tách từ Luật Giao thông đường bộ) trình Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 6, không đưa quy định này vào. Qua góp ý, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần xem xét việc quy định phân hạng bằng lái bằng các văn bản dưới luật.
Tiếp thu ý kiến trên, Bộ Công an cho biết đã nghiên cứu lại và nhận thấy việc phân hạng giấy phép lái xe vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết. Bởi lẽ, việc này giúp nội luật hóa các quy định về phân hạng giấy phép lái xe quy định tại Công ước Viên năm 1968, đảm bảo cam kết của Việt Nam khi ký kết, gia nhập công ước.
Bộ Công an đề xuất đưa việc phân hạng giấy phép lái xe vào dự luật. Ảnh: MINH HOÀNG
Thêm vào đó, việc phân hạng giấy phép lái xe sẽ tạo thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, học tập tại các nước là thành viên của Công ước Viên; không mất chi phí đổi và học để được cấp giấy phép lái xe. Qua đó góp phần phát triển kinh tế, du lịch, thương mại, hợp tác quốc tế, đồng thời phát triển đầu tư, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện trong nước và quốc tế do có sự đồng bộ về phân hạng phương tiện và giấy phép lái xe.
Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu thiết kế việc phân hạng giấy phép lái xe bao gồm các nội dung sau: Bỏ hạng A4 và không quy định hạng giấy phép lái xe cho người điều khiển máy kéo vì căn cứ vào kiểu loại, công dụng của phương tiện, loại phương tiện này sẽ được xếp vào nhóm xe máy chuyên dùng.
Đưa hạng B1 và B2 về cùng hạng B do căn cứ để phân hạng giấy phép lái xe là từ công suất, kiểu loại, động cơ và số chỗ ngồi.
Để tránh tác động xã hội tại điều khoản chuyển tiếp, Bộ Công an cho biết sẽ quy định đối với giấy phép lái xe cấp trước khi luật này có hiệu lực thi hành sẽ được tiếp tục sử dụng theo thời hạn và giá trị ghi trên giấy phép lái xe. Việc chuyển đổi chỉ thực hiện đối với sát hạch, cấp mới và các trường hợp cấp đổi, cấp lại, chuyển đổi thực hiện theo hướng có lợi cho người dân, không gây mất an toàn giao thông.
Thêm vào đó, Bộ Công an cho biết việc thay đổi trên đảm bảo vừa kế thừa các quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đồng thời không trái với quy định của Công ước Viên 1968, không gây nhiều tác động khi thay đổi về chính sách, phù hợp với yêu cầu thực tiễn do quá trình phát triển của phương tiện, người điều khiển phương tiện, xuất hiện nhiều loại phương tiện mới.
Luật Giao thông đường bộ quy định giấy phép lái xe được cấp theo các hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE.
Trong đó, hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000kg. Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg. Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg.
Giá xăng dầu đồng loạt giảm, duy nhất một loại tăng kể từ 15h hôm nay 22/2
Liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h ngày 22/2 như sau:
- Xăng E5 RON 92 giảm 356 đồng/lít
- Xăng RON 95 giảm 320 đồng/lít
- Dầu diesel giảm 451 đồng/lít
- Dầu hoả giảm 300 đồng/lít
- Dầu mazut tăng 23 đồng/kg.
Giá xăng dầu đồng loạt giảm
Theo đó, sau điều chỉnh, giá xăng dầu trên thị trường như sau:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 22.475 đồng/lít
- Xăng RON95-III: không cao hơn 23.599 đồng/lít
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 20.910 đồng/lít
- Dầu hỏa: không cao hơn 210.921 đồng/lít
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.929 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 7 đợt điều chỉnh, trong đó có 4 đợt tăng, 3 đợt giảm.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ chỉ trích lập quỹ bình ổn đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg. Cơ quan quản lý không trích lập, đồng thời không chi quỹ bình ổn đối với tất cả nhiên liệu còn lại.