Trước nguy cơ dịch MERS – CoV có khả năng xâm nhập vào Việt Nam, chiều 3/6 Bộ Y tế đã trực tiếp đến sân bay Nội Bài để kiểm tra công tác phòng, chống dịch.
Đoàn kiểm tra do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu cùng với các Cục, vụ và Sở Y tế Hà Nội…Theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay trước bối cảnh dịch MERS - CoV đang diễn biến phức tạp, lây lan một cách chóng mặt tại Hàn Quốc cho nên việc lây lan vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do sự giao thương đi lại hàng ngày giữa hai quốc gia rất nhiều.
Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Sân bay Nội Bài chiều 3/6.
Trước bối cảnh đó, để chủ động trong công tác phòng chống dịch MERS – CoV tại các cửa khẩu hàng không các hành khách từ các vùng dịch khi nhập cảnh đều được phát tờ khai y tế, máy đo thân nhiệt ngay tại sân bay, khi phát hiện trường hợp sốt sẽ được đưa đến phòng cách li và theo dõi. Hiện nay, TP Hà Nội và Cảng hành không sân bay Nội Bài đã thực hiện rất tốt trong việc chuẩn bị tờ khai y tế, máy đo thân nhiệt, các bảng biểu băng rôn khuyến cáo và phòng khám theo dõi tại sân bay.
Đồng thời Thứ trưởng Long cho biết thêm, trước khi dịch MERS đến các nước châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc, Bộ Y tế đã có các biện pháp ứng phó với dịch bệnh MERS– CoV từ năm 2014. Theo đó, Bộ Y tế đã giả định 3 tình huống có thể xảy ra.
Các hành khách đến từ các chuyến bay vùng có dịch được kiểm soát chặt trẽ.
Trong tình huống chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam: Phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng và các cán bộ y tế; trong tình huống xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam: Khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.
Cuối cùng nếu trường hợp dịch lây lan trong cộng đồng: Cần đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.
Tuy nhiên Thứ trưởng cũng quan ngại rằng, hiện nay Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus Corona (MERS - CoV) đang diễn biến phức tạp tại Trung Đông đặc biệt tại Hàn Quốc, việc phát hiện ra ca đầu tiên rất khó khăn, bởi tình trạng ủ bệnh lên tới 14 ngày.
Thứ trưởng đề nghị Cục Y tế Dự phòng tiếp tục chỉ đạo sát sao và kiểm tra thường xuyên cũng như thân nhiệt, và tờ khai y tế để phát hiện những ca bệnh đầu tiên cũng như các ca bệnh đầu tiên tại cửa khẩu có thể khoanh vùng và xử lý hạn chế ở mức thấp nhất lây lan dịch ra công đồng. Thứ trưởng cũng yêu cầu các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế phải chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hành khách nhập cảnh trong thời gian tới, thực hiện đúng theo các hướng dẫn chuyên môn Bộ Y tế đã ban hành.
Khai báo y tế bắt buộc với hành khách đến từ vùng có dịch.
Về phía Hà Nội, TS Lê Đức Thọ - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội cho biết, hiện Trung tâm thực hiện triển khai công tác kê khai đối với hành khách đến từ các nước có dịch MERS-CoV. Đồng thời với việc kê khai này, tất cả các máy soi thân nhiệt tại các khu vực làm thủ tục nhập cảnh đều đang được hoạt động đảm bảo tất cả các hành khách qua đây đều được kiểm soát về tình hình dịch bệnh.
Cũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh TS Nguyễn Tiến Hoà, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch nói trên, bình quân mỗi ngày, sân bay Nội Bài có khoảng 10 chuyến bay từ Hàn Quốc về đây và hàng chục chuyến bay khác đến từ các vùng dịch MERS-CoV khác ở 26 nước trên thế giới.
Máy kiểm tra thân nhiệt tại sân bay quốc tế Nội Bài.
“Tại Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội, khu đón tiếp và cách ly bệnh nhân đã được dành riêng và trang bị đầy đủ các phương tiện và cơ số thuốc cần thiết theo phác đồ điều trị để khi dịch bệnh xuất hiện có thể sơ bộ xử lý và vận chuyển người bệnh về điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương và các cơ sở y tế khác.
Trung tâm bố trí 2 ca làm việc/ngày, 7 cán bộ/ca, tực làm việc 24/24h và đã làm việc với Đồn công an cửa khẩu quốc tế Nội Bài để tìm kiếm sự hỗ trợ của họ trong việc kiểm soát việc khai báo này. Tới đây Trung tâm sẽ cho in và phát tờ khai y tế cho hành khác đến từ tất cả các chuyến bay từ các nước trên thế giới về Việt Nam.
Như vậy, lượng tờ khai có thể sẽ là rất lớn, lên đến hàng nghìn tờ mỗi ngày. Đồng thời đề nghị các hãng thương vụ mặt đất ở đây và đại diện Hiệp hội hàng không quốc tế cần thống nhất hỗ trợ liên lạc để việc phát tờ rơi cũng như tờ khai này có thể dễ dàng triển khai tại các chuyến bay”, ông Hòa cho hay.