Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, tính đến ngày 20/5, 25 quốc gia đã ghi nhận bệnh nhân MERS-CoV trong đó có 3 quốc gia châu Á là Malaysia, Philippines và Hàn Quốc.
Hôm qua 21/5, Bộ Y tế Hàn Quốc xác nhận trường hợp thứ ba nhiễm virus gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông MERS tại quốc gia này, chỉ một ngày sau khi quốc gia này thông báo trường hợp đầu tiên nhiễm virus này.
Được biết, trường hợp mới nhất là một người đàn ông 76 tuổi, nằm chung phòng với ca bệnh đầu tiên bị phát hiện nhiễm MERS ngày 20/5.
Trường hợp đầu tiên ghi nhận ở quốc gia này là một bệnh nhân nam 68 tuổi. Người này ở Bahrain từ ngày 18/4 đến ngày 3/5 và có tham gia công việc liên quan đến nông trại, sau đó trở về Hàn Quốc ngày 4/5 qua Qatar. Vợ của ông này cũng bị nhiễm virus MERS.
Hội chứng hô hấp cấp MERS nguy hiểm hơn SARS (Ảnh minh họa)
Danh tính của cả 3 người này không được công bố vì những lý di riêng tư. Hiện sức khỏe của cả 3 người đang trong tình trạng ổn định.
Ông Kim Young-Taek - Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Hàn Quốc cho biết, mặc dù có thể có một số ca nhiễm MERS trong số những người tiếp xúc với bệnh nhân và đã được cách ly nhưng không có khả năng lây lan sang những người bình thường khác.
Ngoài Hàn Quốc, hai quốc gia Đông Nam Á là Philippines và Malaysia cũng đã ghi nhận những trường hợp nhiễm Mers CoV. Đó là một trong những lý do khiến chúng ta trở thành nước có nguy cơ cao nhiễm loại virus này.
MERS được phát hiện lần đầu tiên ở người vào năm 2012. Tính đến nay, trên thế giới đã ghi nhận 1.119 người nhiễm MERS-CoV, trong đó ít nhất 423 người tử vong. 25 quốc gia đã ghi nhận bệnh nhân MERS-CoV, trong đó bao gồm 9 quốc gia khu vực Trung Đông, 9 nước châu Âu, 3 quốc gia châu Phi, 1 quốc gia châu Mỹ (Mỹ) và 3 quốc gia châu Á (Malaysia, Philippines và Hàn Quốc).
MERS-Cov được cho là khởi phát từ Saudia Arabia và nguồn mang virus là lạc đà.
Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông MERS được coi là nguy hiểm hơn virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) từng lây lan khắp châu Á năm 2003 khiến 8.273 người nhiễm bệnh và hơn 800 người trong số đó đã tử vong.
Hiện vẫn chưa có công bố chính thức khẳng định rõ nguồn gốc của virus MERS từ đâu. Ban đầu virus MERS được cho là lây từ động vật (dơi) sang người. Tuy nhiên, gần đây Tổ chức Y tế Thế giới thông tin, một nghiên cứu của các nhà khoa học cho rằng ổ chứa MERS-CoV có thể từ lạc đà (loài vật nuôi khá phổ biến ở Saudi Arabia và các quốc gia vùng Trung Đông) khi một vài bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với lạc đà hoặc uống sữa lạc đà tươi.
Dù ít lây lan hơn SARS nhưng MERS lại nguy hiểm hơn vì chưa có vaccine hay phác đồ điều trị đặc hiệu nên tỷ lệ tử vong lên tới gần 30% trường hợp mắc bệnh.
Các chuyên gia cho rằng tuy giống SARS là lây nhiễm từ động vật sang người và có cùng biểu hiện cúm, nhưng MERS có điểm khác là gây suy thận. Người mắc virus corona có biểu hiện: sốt, ho, khó thở, đau mỏi toàn thân và đi ngoài... Những biểu hiện không khác mấy so với cúm mùa thông thường, khiến nhiều người tỏ ra chủ quan. Theo các chuyên gia y tế, MERS lại nguy hiểm hơn vì chưa có vaccine hay phác đồ điều trị đặc hiệu.