Trai tân 20 tuổi mồ côi cha mẹ, cưới vợ hơn tuổi được gia đình vợ cho ở rể và dựng nhà, cấp vốn làm ăn

NGỌC HÀ - Ngày 10/01/2023 12:10 PM (GMT+7)

“Em không biết vợ hơn 7 tuổi nên cứ nói “anh yêu em”. Mãi sau này em mới biết mình trẻ hơn vợ rất nhiều", chàng trai 20 tuổi nói.

Tại bản làng nhỏ nằm trên triền núi heo hút ở Vị Xuyên (Hà Giang) có một cặp vợ chồng trẻ vô cùng đặc biệt – có hoàn cảnh nghèo khổ khiến không ít người xót xa. Đó là vợ chồng em Chính (20 tuổi) và Lềnh (27 tuổi). “Người chồng kém vợ đến 7 tuổi lận. Ở bản này chẳng có ai lấy vợ hơn tuổi như nó nhưng số phận cả rồi, chẳng thể thay đổi được. Hơn nữa, nó tội nghiệp lắm nên cưới được vợ là may mắn”, anh Giàng A Pháo (29 tuổi) – một người hàng xóm cách xa nhà Chính chục cây số cho biết.

Chị Phính – người quen của gia đình vợ chồng Chính Lềnh nói: “Nó (tức Chính – PV) mồ côi bố, mẹ đi lấy chồng khác. Nó lớn lên cùng bản làng, cùng núi rừng, trải qua bao mùa hoa đào hoa mai rồi. Nó được gia đình vợ yêu thương mới có được như ngày hôm nay dù vợ hơn đến 7 tuổi”.

Nghe vậy, chúng tôi hỏi: “Chuyện trai tân cưới vợ lớn tuổi là bình thường, có gì lạ lẫm đâu?”, chị Phính khẳng định: “Đó là nơi khác, chứ nơi đây không ai vậy cả. Đàn bà cưới người bằng tuổi hoặc hơn tuổi thôi. Như vậy người đàn ông mới trưởng thành, lo toan và gánh vách chuyện gia đình”.

Căn nhà tồi tàn của vợ chồng Chính Lềnh.

Căn nhà tồi tàn của vợ chồng Chính Lềnh.

Sau đó hai người này dẫn chúng tôi đến nhà của vợ chồng Chính Lềnh. Ngôi nhà nằm chênh vênh trên ngọn núi cao, được dựng bằng tre nứa và bên trong ngổn ngang bàn ghế, xoong nồi… chẳng có thứ gì đáng giá.

Thấy người lạ ghé tới, mẹ của Lềnh vội vàng chạy từ chuồng lợn lên rồi vào nhà tiếp khách. Cô vừa đưa tay chỉ về cái lán ở phía bên kia ngọn đồi vừa nói: “Vợ chồng nó đang làm ở bên kia kìa. Tôi đứng đây gọi là thằng Chính nghe thấy tiếng về ngay. Tụi nó chênh nhau nhiều tuổi nhưng yêu thương và biết bảo ban nhau làm kinh tế.

Hơn một năm trước, cái Lềnh đẻ đứa con đầu tiên. Nó bị đau ở ngực vì cương tắc sữa nên có cho con bú được đâu. Tôi toàn phải đun nước gạo, cho chút đường vào để cháu ngoại uống”, người phụ nữ gần 50 tuổi nói.

Sở dĩ người phụ nữ dân tộc H’mông phải nấu nước gạo cho cháu uống bởi ở vùng núi xa xôi, cuộc sống khó khăn muôn vàn, không có tiền mua sữa ngoài. Thậm chí họ muốn mua phải vượt quãng đường núi xa xôi, mất nửa ngày mới ra đến thị trấn.

Mẹ vợ của Chính.

Mẹ vợ của Chính.

“Các con tôi lớn lên bằng giọt sữa mẹ và nước gạo đun. Tôi biết sữa mẹ rất quan trọng đối với sức khoẻ của đứa trẻ nhưng cái Lềnh không thể cho con bú thì phải chịu thôi, chứ biết làm sao bây giờ. Hiện tại đứa trẻ có thể ăn cháo ăn cơm và lớn lắm”, mẹ vợ của chàng trai 20 tuổi nói.

Cô vừa dứt lời, Chính từ bên kia quả đồi chạy xe về gặp gỡ chúng tôi. Cậu khá rụt rè khi thấy người lạ rồi nhanh chóng kể về hoàn cảnh cũng như số phận của bản thân. “Bố em mất sớm, mẹ đi lấy chồng ở bản khác – cách đây nửa ngày đi đường bộ. Em có hai chị gái nhưng cũng lấy chồng từ sớm. Em ở một mình và chẳng có nhà cửa, bạ đâu ngủ đó, kiếm được cái gì thì bỏ bụng đỡ đói”, Chính trầm buồn cho hay.

Đầu năm ngoái, trong một lần đi chợ tình, Chính bỗng dưng xao xuyến trước vẻ đẹp của cô gái người H’mông. Cậu mạnh dạn tiến lại gần làm quen và tỏ tình, dù không hề biết cô gái đó nhà ở đâu, bao nhiêu tuổi. Thế rồi họ thành đôi và Lềnh về nhà xin cha mẹ cho cưới chồng.

“Em không biết vợ hơn 7 tuổi nên cứ nói “anh yêu em”. Mãi sau này em mới biết mình trẻ hơn vợ rất nhiều. Em cũng sợ gia đình người yêu không chấp nhận đám cưới vì em chỉ là thằng khố rách áo ôm. May mắn bố mẹ vợ thương hoàn cảnh của em đã đồng ý gả con gái”, chàng trai 20 tuổi bộc bạch.

Vợ chồng Chính - Lềnh.

Vợ chồng Chính - Lềnh.

Theo tục lệ của người dân tộc, con gái cưới chồng sẽ phải về xây dựng tổ ấm ở đàng trai. Song Chính chẳng có nhà để ở, không có bố mẹ nên gia đình Lềnh đã “gọi về” ở rể. Bố của Lềnh đã bỏ tiền cất dựng cho căn nhà tre nứa ở sát cạnh nhà mình, cho đôi lợn lấy vốn làm kinh tế.

Chính hiểu được tình thương mà cha mẹ vợ dành cho mình nên rất tu chí làm ăn với hi vọng không để Lềnh khổ, không để mọi người thất vọng về cậu. “Em nghèo từ bé đến lớn, cơm không có mà ăn nên thấu hiểu cuộc sống cực khổ ra sao. Em không muốn vợ con phải khổ như thế, muốn thoát nghèo.

Nếu đám thanh niên trong bản chọn xuống dưới xuôi đi làm thuê thì em lại không thế. Em muốn ở nhà trồng ngô, nuôi lợn gà cải thiện cuộc sống. Như thế em được ở gần vợ gần con, đỡ đần cho cô ấy nhiều việc. Em thương vợ lắm”, Chính thành thật.

Hai người đàn ông miền Tây kỳ quái nhất nhì Việt Nam: Tự lập bàn thờ chính mình, thắp hương và làm giỗ mỗi năm
Trên dải đất hình chữ S có hai người đàn ông kỳ quái đến độ tự lập bàn thờ chính mình, thắp hương và cúng cơm, hoa quả...

Độc lạ Việt Nam

Theo NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h