Một cây gậy có 2 đầu. Vậy 1/2 cây gậy có bao nhiêu đầu?
Trên một diễn đàn giáo dục, một phụ huynh bức xúc với bài toán tính số đầu của cây gậy nằm trong sách toán lớp 2. Bài toán cho như sau:
Một cây gậy có 2 đầu. Vậy:
a, 2 cây gậy có... đầu?
b, 1/2 cây gậy có... đầu?
Bài toán gây tranh cãi. (Ảnh: N.V.Sang)
Theo phụ huynh này, câu hỏi b của bài toán vô cùng... mù mờ vì học sinh sẽ không hiểu từ "1/2 cây gậy" trong câu hỏi ở đây là thế nào. Có thể hiểu 1/2 cây gậy là sau khi đã bị chặt làm đôi thì sẽ có đáp án là 2 nhưng 1/2 cây gậy trong cây gậy giữ nguyên nhưng chỉ tính một đầu thì đáp án là 1.
Như vậy, nếu chặt ra làm 2 thì sẽ có đáp án là 2 hoặc nếu chặt ra làm 4 thì lấy 2 đoạn tức là 1/2 cây gậy thì đáp án là 4.... Vị phụ huynh này bày tỏ bất bình với kiểu bài toán đánh đố trẻ như vậy.
Chia sẻ về vấn đề này, thầy giáo Trần Tiến Sơn, giáo viên lớp 5 trường tiểu học ở Vĩnh Phúc cho rằng, đây là một bài toán mục đích phát triển tư duy và thử phản xạ của học sinh hơn là một bài toán học thuật thiên về tính toán. Mà đã là toán tư duy thì cần sự sáng tạo. Thầy Sơn cho rằng, sức sáng tạo của con trẻ rất nhiều bất ngờ nên trong chuỗi các bài toán học thuật lồng ghép bài toán tư duy cũng là điều hay.
Tuy nhiên theo lập luận của một số phụ huynh và học sinh: 1/2 cây gậy chỉ còn lại một đầu hay 1/2 cây gậy này được chia ngang hay chia dọc cũng có những lý lẽ riêng và thuyết phục. Chính vì vậy, bài toán chưa đạt được mục đích là thử phản xạ của học sinh và khi đưa ra "mổ xẻ" thì những tranh cãi sẽ không có hồi kết.
Qua đây, một giáo viên cũng cho rằng không nên ra những dạng toán dễ gây hiểu lầm cho học sinh. Giáo viên này đưa ra dẫn chứng như có bài tính diện tích mảnh đất nhưng chỉ có mấy chục "xăng-ti-mét vuông" là phi thực tế và vô trách nhiệm.