Khi luật sư của con dâu nói sẽ gỡ từng cánh cửa, giường, tủ, kệ tivi khỏi căn nhà mẹ chồng 84 tuổi đang ở, thẩm phán khuyên mỗi bên lùi một bước để hòa giải, "có cần cạn tình đến thế không?".
Ngày 10/6, TAND Hà Nội mở phiên xét xử vụ kiện yêu cầu phân chia thừa kế giữa nguyên đơn là cụ Nguyệt, 84 tuổi, và bị đơn là con dâu, chị Hòa, 48 tuổi, cùng trú tại quận Đống Đa. Cả hai cùng vắng mặt tại tòa. Cụ Nguyệt ủy quyền cho con gái thứ hai là chị Bích, còn chị Hòa ủy quyền cho các luật sư.
Vợ chồng cụ Nguyệt có tài sản chung là mảnh đất 44 m2 và căn nhà 4,5 tầng trên đất, đã được cấp sổ đỏ năm 2010. Gia đình có ba người con, hai con gái và con trai út.
Năm 2020, chồng cụ Nguyệt mất và năm sau con trai qua đời, đều không để lại di chúc. Mẹ chồng nàng dâu bắt đầu nảy sinh xung đột, "tuy sống chung một nhà nhưng không ai quan tâm tới ai", đơn kiện của cụ Nguyệt nêu.
Cụ đề nghị tòa phân chia tài sản chung của vợ chồng (nhà đất) và chia tài sản thừa kế với phần con trai được hưởng, bằng tiền. Cụ sẽ có trách nhiệm trả tiền cho các đồng thừa kế khác để được giữ lại căn nhà và sinh sống tại đó đến cuối đời.
Tại phiên tòa hôm nay, chị Bích, con gái cụ Nguyệt trình bày, bố là giảng viên đại học, được trường phân căn nhà cấp 4 trên đất, theo quyết định từ năm 1998. Bố mẹ sau đó mua lại nhà đất này và được cấp giấy chứng nhận vào năm 2010. Năm 2012, khi dỡ căn nhà cấp 4 để xây nhà mới, các con đều chung tiền cùng bố mẹ thực hiện công trình.
Phản đối điều này, nhóm luật sư đại diện bị đơn cho rằng, trường quyết định phân nhà cho chồng bà Nguyệt chỉ có nghĩa là "cho ông ở nhờ", chứ ông không phải chủ sở hữu, không có quyền bán hay chuyển nhượng.
Sau đó, nhà nước bán lại cho vợ chồng cụ Nguyệt, dựa vào đơn đề nghị của hai cụ. Đơn thể hiện "những người sinh sống trong căn nhà đó đồng ý" để cho hai cụ có quyền đứng tên mua nhà.
Phía bị đơn cho rằng, khi lấy ý kiến các thành viên, vợ chồng cụ Nguyệt lại "bỏ sót" tên chị Hòa, đã về làm dâu và có tên trong hộ khẩu từ năm 2000. "Điều này làm chị Hòa bị mất quyền lợi", luật sư nêu.
Cũng theo luật sư, trên giấy tờ đều thể hiện chị Hòa là người nộp tiền thanh toán mua nhà cho Nhà nước. Vợ chồng cụ Nguyệt được lấy sổ đỏ năm 2010 nhưng chị Hòa không biết, và cũng không biết sổ đứng tên ai hoặc được giao cho ai.
"Giả sử tiền mua nhà do chị Hòa bỏ ra nộp, vậy nộp tiền mà không thắc mắc là không được cầm sổ đỏ à? Sao không hỏi bố mẹ chồng là sổ của con đâu, hoặc sao chị ấy không đến chỗ nộp tiền hỏi sổ của tôi đâu?", chủ tọa thẩm vấn.
Luật sư đại diện bị đơn đáp: "Chắc do tình cảm gia đình nên chị Hòa ngại hỏi. Và về góc độ hiểu biết pháp luật, chị ấy cũng không biết". Theo luật sư, từ năm 2006, hai cụ đã hứa sang tên cho vợ chồng chị Hòa, nhưng chỉ nói miệng.
"Tóm lại, vì có câu hứa của các cụ nên chị Hòa mới trả tiền mua nhà cho nhà nước. Thế sao khi biết nhà không đứng tên mình, chị ấy không làm đơn đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị hủy cái sổ đỏ này đi để làm lại đứng tên mình?", chủ tọa hỏi.
Đáp thân chủ "thiếu hiểu biết pháp luật" nên chưa thực hiện, luật sư sau đó giao nộp các tài liệu, hợp đồng xây dựng thể hiện vợ chồng chị Hòa là người trả tiền cho việc xây dựng nhà và mua sắm nội thất.
Chị Bích phản đối cho rằng bố mẹ mới là người bỏ tiền xây nhà. "Khi đó cha mẹ già yếu nên vợ chồng Hòa cầm tiền để thay mặt bố mẹ trả cho các bên xây dựng".
"Chị có tài liệu gì chứng minh tiền đó của bố mẹ chứ không phải tiền của vợ chồng chị Hòa", luật sư hỏi. Chị Bích đáp "không biết, không trả lời" nhưng khẳng định "chưa từng nghe chuyện cha mẹ nói sẽ để lại nhà đất cho vợ chồng em trai".
Mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn "không thể ở cùng"
Trả lời HĐXX về nguồn cơn mâu thuẫn gia đình, chị Bích cho hay mẹ và em dâu bắt đầu nảy sinh bất đồng sau khi em dâu sinh con, năm 2001, tức chỉ một năm sau khi cưới.
"Khi đó mẹ tôi vẫn ở cùng chăm con cho vợ chồng Hòa, nhưng dần dần mâu thuẫn lớn quá, không thể ở cùng. Hòa nhiều lần xô xát, có hàng xóm chứng kiến, nên bố mẹ đã ăn riêng. Sau khi bố mất, thời gian đầu mẹ tôi vẫn ở đó lo hương khói cho bố, hai chị em tôi thay nhau sang nấu ăn cho mẹ. Nhưng Hòa gây khó dễ vì nấu nướng mùi bay sang, cô ấy cũng kiếm cớ xô xát", chị Bích trình bày.
Không xuất hiện tại tòa, song trước đó, chị Hòa có đơn trình bày, quãng thời gian sống cùng cha mẹ là những ngày tháng tươi đẹp nhất khi có gia đình trọn vẹn với đầy đủ ông bà, bố mẹ, các bác, anh chị em. Khi bố chồng và chồng mất, chị tự bỏ tiền sửa sang nhà để thờ cúng, sinh hoạt.
"Tôi luôn hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc phụng dưỡng thuốc men viện phí khi ông bà ốm đau. Mặc kệ những lời chỉ trích, thái độ không tốt của mẹ với tôi từ ngày chồng qua đời, tôi biết phận con dâu dù thế nào cũng phải có trách nhiệm với nhà chồng. Tôi vẫn luôn yêu thương chăm sóc mẹ như mẹ ruột", chị Hòa nêu trong đơn.
Với chị, việc bị mẹ chồng khởi kiện "là sự đau đớn chua xót". Những ngày qua, chị và hai con gái bất an, lo lắng khi không biết tương lai sẽ sống ở đâu.
Chị Bích cho rằng toàn bộ tiền viện phí đều do mình và chị gái lo, có giữ lại toàn bộ hóa đơn. Tiền thuê giúp việc chăm mẹ hiện cũng chi trả, em dâu không sinh sống tại căn nhà tranh chấp nữa.
Luật sư của chị Hòa khẳng định thân chủ mới là người lo các nghĩa vụ tài chính, song không đưa ra được các giấy tờ chứng minh. Luật sư đề nghị tòa bác đơn kiện của bà Nguyệt và nếu sau này có tranh chấp về chủ sở hữu thực sự của căn nhà, chị Hòa sẽ khởi kiện mẹ chồng trong vụ án khác.
Chủ tọa phân tích, trong trường hợp phân chia thừa kế, số tiền cụ Nguyệt phải bỏ ra để trả cho bị đơn sẽ khá lớn, "liệu cụ có tiền trả không?". Trước đây, trong nhiều lần hòa giải không thành, chị Hòa yêu cầu 2 tỷ đồng, song nguyên đơn chỉ đồng ý 1,8 tỷ.
"Tòa đã tạo điều kiện cho đôi bên hòa giải rất nhiều, nếu có thể xử lý được bằng tiền thì nên ngồi lại hỗ trợ cho nhau", chủ tọa khuyên giải.
"Chị Bích cũng nên suy nghĩ lại, có con gái cũng sẽ đi làm dâu nhà khác, hai chị em hãy chia sẻ cho nhau để sau này các cháu còn qua lại họ hàng, còn về thăm nom bà nội, giữ được tình cảm. Càng đi nữa các vị càng mệt, con số thắng thua cũng chỉ chênh nhau 200 triệu đồng, có đáng đưa nhau đi kiện ngày này tháng khác không? Chính cụ Nguyệt cũng mệt mỏi rồi", chủ tọa phân tích và quyết định dừng phiên tòa trong nửa giờ.
Song sau trao đổi, thông qua luật sư, chị Hòa khẳng định giữ nguyên hai tỷ đồng; yêu cầu "dỡ hết các tài sản, nội thất" như tivi, tủ lạnh... do chị mua sắm khỏi nhà của mẹ chồng, trong trường hợp tòa xử mẹ chồng thắng kiện.
Phản ứng quan điểm này, đứng ở bục nguyên đơn, chị Bích yêu cầu đại diện bị đơn ngừng liệt kê các tài sản đề nghị tháo dỡ. "Chúng tôi đồng ý hết, bảo cô Hòa muốn mang gì đi thì đi, chúng tôi không cần cái gì hết", chị nói.
Chủ tọa đề nghị đôi bên bình tĩnh và tiếp tục phân tích, mong muốn họ "ngồi lại với nhau".
"Các vị nghĩ lại đi, có cần thiết phải dứt tình với nhau đến thế không? Kể cả để lại cho mẹ chồng thì có sao đâu, sao phải khổ thế? Năm nay tôi sắp nghỉ hưu rồi mà chưa gặp cái vụ án nào thấy khổ thế này. Thông cảm cho nhau. Cụ Nguyệt tôi biết cũng đã ung thư giai đoạn 4 rồi, các con hãy để mẹ yên ổn những ngày cuối đời, ra đi cho thanh thản", chủ tọa khuyên giải.
Sau hơn nửa giờ nghỉ để tiếp tục đối thoại, trở lại phòng xét xử, đại diện nguyên đơn và bị đơn đều đồng ý hòa giải, và xin hoãn phiên tòa để đưa ra con số cuối cùng.
HĐXX chấp nhận và thông báo sẽ mở lại phiên tòa khi các đương sự thống nhất, thời gian không quá một tháng.
*Tên các đương sự đã thay đổi