Các chung cư, cao ốc tận dụng tầng hầm để làm bãi đỗ xe trong khi công tác quản lý tòa nhà chưa tốt sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ khó lường.
Hai ngày sau khi xảy ra sự cố hàng chục người ngất xỉu tại siêu thị Big C Garden (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), sáng 16-3, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, siêu thị này đã hoạt động đông đúc trở lại. Khu vực tầng hầm đã có hệ thống đường ống cung cấp khí tươi nhưng khách hàng vẫn cảm thấy ngột ngạt.
Chị Nguyễn Thị Lan (ngụ quận Nam Từ Liêm) cho biết mình là khách hàng thường xuyên của Big C The Garden. Sau khi xảy ra sự cố, chị định tìm đến siêu thị khác để mua sắm. “Dù Big C đã thông tin trấn an khách hàng song người dân khi bước vào khu mua sắm đều cảm thấy bất an” - chị Lan lo lắng.
Xem lại công tác bảo trì
Nói về tòa nhà The Garden, ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng, cho biết dự án này do Sở Xây dựng Hà Nội cho ý kiến về thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng. Khi đó, các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật để xây dựng các tầng hầm tòa nhà cao tầng như thông gió, phòng chống cháy nổ… phải thực hiện theo bộ quy chuẩn kỹ thuật đã được phê duyệt.
Tầng hầm tòa nhà HMTC có mùi hôi rất khó chịu - Ảnh: SỸ ĐÔNG
Tòa nhà The Garden được khai thác khoảng 8 năm nay và chưa xảy ra sự cố nào. “Cần tập trung xem xét trong quá trình sử dụng tòa nhà có bảo đảm công tác bảo hành, bảo trì đúng thời hạn hay không” - ông Dung đề nghị.
Theo ông Dung, thực tế, có những tòa nhà thiết kế, thi công rất tốt nhưng khi khai thác lại sử dụng không đúng thì cũng có thể gây hậu quả. “Việc bảo trì khi sử dụng rất quan trọng. Luật Xây dựng của chúng ta tuy được đánh giá là “hà khắc” nhưng công tác quản lý tòa nhà hiện nay lại không tốt, chưa chuyên nghiệp” - ông Dung nhận xét.
Đủ thứ mùi
Không riêng gì tòa nhà The Garden, rất nhiều cao ốc, chung cư ở TP HCM cũng tận dụng khu vực tầng hầm để làm bãi giữ xe. Nóng nực, oi bức và mùi hôi khó chịu là những thứ thường thấy ở các tầng hầm này.
Chung cư H2 (phường 9, quận 4, TP HCM) có 2 tầng hầm tổ chức giữ xe: Tầng hầm 1 giữ xe máy còn tầng hầm 2 giữ ô tô. Trưa 16-3, gửi xe tại tầng hầm 1 của chung cư này, chúng tôi cảm thấy ngột ngạt, đi bộ xuống tầng hầm 2 chưa tới 5 phút đã đổ mồ hôi.
Tại khu vực tầng hầm 2, hàng chục chiếc xe hơi đậu san sát nhau, nhiều chiếc mới đi về còn tỏa ra hơi nóng hừng hực. Một tài xế vừa đỗ xe xong đã vội vàng đi lên cầu thang tránh nóng. Cả 2 tầng hầm này chỉ có đường xuống bãi giữ xe là thông ra ngoài, các cầu thang thoát hiểm bị đóng lại nên không khí rất ngột ngạt.
Cũng tháo mồ hôi khi gửi xe ở tầng hầm của tòa nhà Agrex Tower (phường 6, quận 3, TP HCM), anh Nguyễn Trung Quân lo ngại: “Mỗi lần gửi xe ở đây là một cực hình, tầng hầm ngộp thở, đi thang bộ xuống nên rất mệt mỏi”. Ở tầng hầm của tòa nhà này, 3 chiếc quạt máy hoạt động hết công suất vẫn không thể làm cho không khí bớt hầm hập.
Ngán ngẩm hơn, tòa nhà văn phòng HMTC (phường Đa Kao, quận 1, TP HCM) còn có mùi hôi khó chịu. Khi đi bộ xuống tầng hầm 1 (nơi đỗ ô tô), nhiều người phải nín thở khi khắp nơi xộc lên mùi như nước thải hầm cầu. Dù bên trong hầm có quạt thông gió hoạt động liên tục nhưng mùi hôi vẫn xông lên.
Trong khi đó, bãi giữ xe ở tầng hầm Bệnh viện Nhân dân Gia Định (phường 7, quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng đầy mùi xăng. Do là bệnh viện nên xe ra vô nườm nượp làm hơi nóng từ động cơ xe tỏa ra khắp căn hầm. Lối thông gió hạn chế nên việc trao đổi khí thấp làm ai đến đây cũng có cảm giác khó thở, bất an...
Cái chết không báo trước PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), cho biết ngạt khí trong tầng hầm, phòng kín được coi là cái chết không báo trước. Thủ phạm gây tình trạng này là khí CO, CO2 được thải ra từ các động cơ chạy bằng xăng, dầu. Với những tòa nhà có máy điều hòa nhưng không lắp đặt quạt hút khí, không khí trong phòng không luân chuyển kịp; trong khi lượng người quá đông, thở ra lượng khí CO2 lớn cũng có thể dẫn đến các vụ ngộ độc khí. Theo bác sĩ Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), điều nguy hiểm chính là khí CO, CO2 không mùi, không vị, không gây đau đớn nên nạn nhân hít phải thì cái chết tới rất “êm dịu”. Bởi lẽ, ngay khi vừa cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi thì cơ thể đã rơi vào tình trạng hôn mê, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong. Đáng ngại là nếu thoát chết thì người bị ngộ độc khí CO, CO2 có thể bị hôn mê sâu, phải sống đời thực vật hoặc giảm trí nhớ, liệt vận động… D.Thu |