Mặc dù có một số tình tiết mới nhưng hành vi các bị cáo quá nghiêm trọng nên không thể giảm án.
Sáng nay, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử băng cướp chặt tay cướp xe SH do Hồ Duy Trúc cầm đầu. Phiên tòa được bảo vệ nghiêm ngặt. Người thân của Trúc không có giấy triệu tập nên không được vào.
Bốn bị cáo trong phiên tòa phúc thẩm
Hồ Duy Trúc là người đâu tiên được gọi lên thẩm vấn. Trúc tỏ vẻ khá căng thẳng khi thừa nhận hành vi giống như bản án sơ thẩm. Trúc cho biết, sau khi tham gia nhiều vụ cướp ở quê, vào TP.HCM tiếp tục hành nghề cướp tài sản. Sau đó, Trúc tụ tập nhiều thanh niên trở thành một băng cướp chuyên nghiệp. Gã thừa nhận tham gia 15 vụ cướp. “Bị cáo là người lên kế hoạch, trực tiếp tham gia, đạp xe…”, gã khai.
Về cách thức chia tài sản, Trúc khai: “Bán được bao nhiêu, bị cáo sẽ chia đều nhau”. Tuy nhiên, chủ tọa cho biết, lời khai này là không chính xác, bởi tất cả đồng phạm từng khai, Trúc là người hưởng lợi lớn nhất trong tất cả các vụ cướp. Chủ tọa nhấn mạnh: “Nếu các bị cáo không bị bắt, không biết rằng sẽ còn bao nhiêu vụ án kinh hoàng như thế này lại xảy ra”.
Trúc đứng khai trước tòa
Trúc cho rằng, mức án tử hình đối với hành vi của mình là quá nghiêm khắc. “Bị cáo có con nhỏ chưa được một tuổi. Cha mẹ bị cáo đau ốm. Bị cáo rất hối hận về những gì mình đã làm. Gia đình bị cáo đã bồi thường 20 triệu đồng cho chị Thúy, đồng thời chị Thúy đã viết đơn xin giảm án.
Trúc khẳng định, khi tham gia các vụ án không hề sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, gã cho biết, anh rể là Tô Công Luân, nam sinh Trung Quốc bán thận vài năm trước từng gây rúng động dư luận.
Trong phiên tòa, chủ tọa cho biết, mặc dù cha mẹ của Trúc có đưa cho tòa giấy khai sinh của một đứa trẻ và bảo là con của Trúc. Tuy nhiên, trong giấy khai sinh, tên cha bỏ trống. Do đó, không đủ chứng cứ để khẳng định đứa trẻ là con của Trúc. Vả lại, đây cũng không phải là tình tiết để giảm án theo pháp luật.
Trúc cố ngăn nước mắt vẫy tay chào người thân
Cũng như Trúc, Luông cho rằng, mức án chung thân đối với mình là quá nặng. Tuy nhiên, chủ tọa cho rằng, Luông tham gia 14 vụ cướp chứ không phải 13 vụ ở phiên tòa sơ thẩm nêu. Trong đó, Luông là người mua dao, gây án hoặc trực tiếp gây án… “Bị cáo có hành vi nghiệm trọng giống như Trúc. Do đó, đáng nhẽ bị cáo phải bị mức án bằng Trúc nhưng trong phiên tòa phúc thẩm, không có đơn kháng cáo, kháng nghị tăng án nên không có cơ sở tăng án. Mặc dù vậy, Luông không đưa ra được tình tiết nào mới để xin giảm án.
Bên cạnh đó, hai bị cáo Huỳnh Thanh Tuyền và Huỳnh Thanh Sơn cũng kháng cáo xin giảm án nhưng trong phiên tòa phúc thẩm không đưa ra được tình tiết nào mới.
Mẹ Trúc khóc khi nghe tin con bị tử hình
Khi được nói lời sau cùng, Trúc khóc: “Bị cáo biết hành vi của mình là tội lỗi. Bị cáo xin gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại. Đặc biệt là chị Thúy, nạn nhân bị chặt tay. Bị cáo biết lỗi của mình, mong chị Thúy tha thứ. Bị cáo cũng mong tòa giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo cơ hội được sửa chữa sai lầm, trở về làm lại cuộc đời”. Im lặng trong thoáng chốc, Trúc quay lui tìm người thân nhưng vô vọng. Sau đó, bị cáo quay đầu lên nói: “Con xin lỗi cha mẹ. Con mong có cơ hội để được báo hiếu cha mẹ…”.
Ba bị cáo còn lại cũng xin được giảm án để về làm lại cuộc đời. Bên cạnh đó, Sơn và Luông đề nghị thêm: “Xin tòa giảm nhẹ án cho Trúc, để Trúc có cơ hội về với con, với gia đình”.
Vợ Trúc ôm con khóc nấc khi nghe chồng bị tử hình
Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, căn cứ vào hồ sơ, bản án sơ thẩm và quá trình xét hỏi tại tòa, cho thấy bản án sơ thẩm đối với các bị cáo là đúng người, đúng tội. Hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xa hội. Trúc với bản tính côn đồ, ham thích ăn chơi, lười lao động đã bàn bạc, cấu kết cùng đồng bọn thực hiện tấn công hàng loạt vụ chém, cướp với nhiều nạn nhân. Xét tính chất mức độ của vụ án, HĐXX bác tất cả đơn kháng cáo của các bị cáo. Tuyên y án tử hình đối với Trúc, chung thân đối Luông, 20 năm tù đối với Sơn và Tuyền 12 năm tù giam.
Án được tuyên, nước mắt trên khuôn mặt tướng cướp Trúc lăn dài. Được viện dẫn ra xe bít bùng về trại giam, Trúc cố ngăn nước mắt, vẫy tay chào người thân. Trong khi đó, người thân của Trúc không ngăn nổi xúc động.
Xe lăn, không còn cảnh náo loạn như trong phiên tòa sơ thẩm. Vợ Trúc ôm đứa con trên tay gục ngã: “Giờ mẹ con em biết làm sao Trúc ơi!”.