Theo lịch, ngày mai 24/3/2014, tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM sẽ xử phúc thẩm, xem xét đơn kháng cáo của 3 bị cáo trong vụ án chặt tay cướp SH gây rúng động dư luận trong khoảng thời gian dài và đại án Vifon.
Chặt tay cướp xe SH
Trong vụ án chặt tay cướp xe SH, tướng cướp Hồ Duy Trúc (21 tuổi, tỉnh Ninh Thuận) làm đơn kháng cáo xin được tha tôi chết. Bị cáo Trần Văn Luông (26 tuổi, ngụ Bến Tre) và Trần Thanh Tuyền (23 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận) cũng làm đơn xin giảm án hình phạt.
Trước đó, TAND TP.HCM tuyên phạt Trúc tử hình, Luông chung thân và Tuyền 12 năm tù giam cùng về tội cướp tài sản.
Tướng cướp Hồ Duy Trúc ngày mai lại hầu tòa
Theo hồ sơ vụ án, đây là băng cướp có qui mô lớn gồm có 8 bị cáo gồm Hồ Duy Trúc (SN 1993), Trần Văn Luông (SN 1988), Nguyễn Hoàng Phương (SN 1993), Huỳnh Thanh Sơn (SN 1992), Trần Thanh Tuyền (SN 1991), Huỳnh Bảo Anh (SN 1968), Cao Danh Hưng (SN 1983) Đàm Văn Võ (SN 1990). Chỉ trong vòng 5 tháng (từ tháng 6 đến tháng 11/2012) chúng đã gây ra 17 vụ cướp với số tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng, khiến 12 người bị thương. Chúng hành động một cách hung hãn, từng chém vào cổ nạn nhân cướp xe...
Chiều tối 24/11/2012, sau khi nhậu nhẹt no say, Trúc rủ đồng bọn kiếm “con mồi” để ra tay. Chúng điều khiển xe máy qua nhiều tuyến đường ở quận 7. Khi đến đoạn đường vắng gần cầu Phú Mỹ (quận 2) thì gặp chị T. đang điều khiển xe máy SH. Ngay lập tức, chúng bám đuổi và Trúc ép xe, dùng mã tấu chém gần đứt lìa bàn tay của chị T..
Sau khi chém chị T., do không khởi động được xe đồng thời bị một người đi đường phát hiện tri hô. Lúc này, Phương chở Sơn từ phía sau lao lên giật túi xách của chị T. rồi lên xe bỏ chạy. Theo giám định pháp y, chị T. bị thương tật 47%. Các đối tượng trong băng nhóm này sau đó lần lượt sa lưới.
Đại án Vifon
Trong đại án Vifon, bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (nguyên kế toán trưởng Công ty Vifon, nguyên phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, bị TAND TP.HCM xử phạt 30 năm tù) kháng cáo kêu oan. Bị cáo Nguyễn Bi (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, án sơ thẩm xử 22 năm tù) kháng cáo có nội dung vừa xin giảm án vừa kêu oan một phần. Ba bị cáo còn lại Đàm Tú Liên (SN 1961, ngụ phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM, nguyên Kế toán trưởng Vifon), Dương Thị Mẫn (SN 1947, ngụ phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM, nguyên Kế toán thanh toán Vifon) và Ca Thị Thu Hồng (SN 1957, ngụ phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM, nguyên Thủ quỹ Vifon) xin giảm án vì sức khỏe và tuổi tác. VKS không có kháng nghị.
Theo hồ sơ vụ án, lợi dụng giai đoạn chuyển đổi cổ phần hóa, Bi chỉ đạo Huyền lấy tiền của công ty chuyển thành tiền tiết kiệm để sau này mua cổ phiếu cho mình. Theo lệnh cấp trên, ngày 31.12.2002, Huyền lấy hơn 400 triệu đồng quỹ khen thưởng của công ty với khống từ khống là chi tiền thưởng năm 2002 để gửi tiết kiệm cho vị tổng giám đốc.
Năm bị cáo trong vụ đại án Vifon
Sau đó, Bi yêu cầu kế toán trưởng lấy tiền của công ty mua 1,8 tỷ đồng tương đương 18.000 cổ phiếu cho mình. Năm 2003, dù không có quyết định khen thưởng từ phía công ty nhưng Huyền đã lập khống chứng từ. Sau đó, thị đưa cho Bi kí thanh toán 80.000 USD. Khi sắp nghỉ hưu, Bi yêu cầu vị kế toán trưởng chuyển vào tài khoản của con rể mình 2,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khi công ty Vifon còn là doanh nghiệp nhà nước, Bi đã tự ý kí khen thưởng cho những lạnh đạo công ty tổng cộng 290.000 USD.
Trong đó, Bi kí duyệt thưởng chi mình 90.000 USD, Huyền 65.000 USD, Nguyễn Ngọc Hùng và Nguyễn Văn Bên (cùng là phó tổng giám đốc) nhận mỗi người 50.000 USD, Thái Mạnh Phát (trợ lý tổng giám đốc) nhận 10.000 USD, bà Đàm Tú Liên (quyền kế toán trưởng) nhận 13.000 USD và bà Lê Thị Lan Hương (phó tổng giám đốc) nhận 12.000 USD. Số tiền này, Huyền chỉ đạo Liên lập 3 quyết định khen thưởng để hợp thức hóa.
Trong vụ án này, Huyền đóng vai trò chủ mưu, tổ chức thực hiện, đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ của mình để chỉ đạo, thực hiện hạch toán, sai tài khoản, sai nguồn vốn để chiếm đoạt của nhà nước gần 10 tỷỉ đồng, chiếm đoạt vốn tư nhân gần 1,4 tỉ đồng. Bị cáo Bi có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để giúp sức cho Huyền phạm tội và chiếm đoạt gần 2,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bi còn có hành vi cố ý làm trái qui định của nhà nước khi tự ý quyết định chia thưởng 290.000 USD.
Riêng ba bị cáo Liên, Mẫn, Hồng là nhân viên phòng kế toán của công ty Vifon, dù biết làm sai nguyên tắc nhưng vì tin tưởng và chấp hành mệnh lệnh cấp trên, đã có hành vi làm trái trong việc lập, ký nhiều chứng từ giả thu, giả chi tạo điều kiện để Huyền chiếm đoạt tiền của nhà nước.