GS-TSKH Lê Huy Bá - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường – Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động.
Như quý vị đã biết, tối 27-4, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức họp báo thông báo kết luận nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết tại biển miền Trung. Cuộc họp "dị thường" chỉ diễn ra trong khoảng 10 phút và phóng viên không được đặt bất kỳ câu hỏi nào.
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết qua nghe báo cáo của Bộ TN-MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), ý kiến của các địa phương, các nhà khoa học, đồng thời qua thảo luận loại trừ nhiều nguyên nhân khác có thể xảy ra, các nhà khoa học và cơ quan quản lý thống nhất nhận định sơ bộ có 2 nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa, mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ.
Đáng lưu ý là sau khi đưa ra 2 nguyên nhân trên, Thứ trưởng Nhân khẳng định: “Đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt”.
Ngay lập tức, một số nhà khoa học bày tỏ sự không đồng tình.
Ông Trần Thế Loãn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN-MT), cho biết 2 nguyên nhân được Bộ TN-MT công bố trên đều có xuất phát chung từ các chất thải hoặc tác động của các chất độc hại. “Bản thân hiện tượng thủy triều đỏ là do một phần từ các chất thải kết hợp với diễn biến nhất định của thời tiết. Các chất thải đó bao gồm nitrat và phosphate. Tuy đó là chất thải thông thường, hoàn toàn không phải chất thải trong danh mục độc hại nhưng khi hàm lượng quá cao sẽ khiến tảo trong biển phát triển nhanh, dẫn đến thiếu ôxy trong nước và cá chết” - ông Loãn lý giải.
"Chúng ta quá chậm trễ, chính thức có thông tin cá chết từ ngày 6-4 nhưng hơn chục ngày sau các bộ, ngành mới vào cuộc thì tất nhiên không thể có kết quả sớm được” - nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm đánh giá thêm.
Trong khi đó, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho rằng thủy triều đỏ là hiện tượng có thể nhận biết bằng mắt thường và hoàn toàn có thể được các sở TN-MT địa phương ghi nhận. “Tuy nhiên, không hề thấy ghi nhận, cảnh báo hiện tượng này từ trước mà giờ lại nêu đó là một trong những nguyên nhân gây cá chết thì có thể không thuyết phục” - ông Đăng nói.
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Trần Thế Loãn khẳng định trước nay chưa hề ghi nhận trường hợp tính mạng con người bị ảnh hưởng do thủy triều đỏ. Do đó, cần có sự xác định rõ ràng nguyên nhân gây ra cái chết đó để cảnh báo, trấn an người dân miền Trung.