Trong giây phút tiễn đưa con trai về nơi an nghỉ cuối cùng, người bố đau đớn chẳng thốt lên lời, đến bây giờ anh vẫn chưa tin đó là sự thật.
Tối ngày 24/10, chưa đầy 1 ngày trước sự ra đi đột ngột của cháu B.V.T. (6 tuổi), bị mẹ kế sát hại rồi phi tang xác ra vườn mía sau nhà, rất đông người thân, hàng xóm đã đến gia đình để làm các thủ tục tâm linh tiễn đưa nạn nhân về nơi an nghỉ cuối cùng.
Nhà cháu T. ở thôn Nà Chúc, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang, xung quanh nhà được bao bọc bởi núi rừng và những vườn mía sắp đến ngày thu hoạch. Phía trong ngôi nhà, anh Bàn Văn Bao (bố cháu T.) ngồi thất thần ở giữa nhà, bên linh cữu đứa con trai mà chẳng thể nói nên lời.
Bản thân anh và những người thân trong gia đình vẫn chưa thể tin rằng đây là sự thật, tất cả mọi người đều suy sụp vì nỗi đau quá lớn ập đến gia đình. Theo chia sẻ của người thân, căn nhà anh Bao mới được dựng lên vài năm. Trước đây, anh Bao đã có vợ và có với nhau 1 mặt con, chính là cháu T..
Ngôi nhà của gia đình anh Bao lọt thỏm giữa màn đêm tối, dù muộn nhưng hàng xóm vẫn đến chia buồn.
Sau khi ly hôn vợ, anh Bao quen và kết hôn với Lã Thị Thức, hai người cũng mới có với nhau một đứa con hơn 1 tháng tuổi. “Nó (Lã Thị Thức) cũng đang làm mẹ, vậy mà không ngờ lại ra tay tàn ác với con trai của chồng như vậy”, người thân anh Bao chia sẻ.
Theo người dân địa phương, từ trước đến nay anh Bao sống không để lại điều tiếng gì với hàng xóm láng giềng. Về người vợ hai của anh Bao, người dân cho biết trước cũng nghe tiếng cãi vã giữa hai vợ chồng do vợ ghen tuông. Sau đó Thức về nhà mẹ đẻ sinh sống, cách đây 3 ngày Thức trở về nhà chồng thì xảy ra chuyện.
Vườn mía nơi tìm thấy thi thể của cháu T.
Cũng liên quan đến sự việc này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng LS Nguyễn Anh, Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết, Quyền sống là quyền cơ bản nhất của con người, mọi hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Ngoài ra, trẻ em là những đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ. Theo đó, Điều 6, Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em ghi nhận: Các quốc gia thành viên thừa nhận rằng mọi trẻ em đều có quyền vốn có là được sống và các quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em.
Qua vụ việc này có thể thấy cháu bé 6 tuổi là người không có lỗi trong việc mâu thuẫn vợ chồng. Đối tượng chỉ vì sự ích kỷ bản thân mà đang tâm, vô cớ sát hại rất dã man cháu bé. Không những vậy, sau khi sát hại cháu bé, đối tượng còn có hành vi đào đất phi tang thi thể cháu bé nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Xét hành vi phạm tội của đối tượng đã cấu thành tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, n khoản 1 Điều 123 BLHS. Đối với hành vi sau khi sát hại, đối tượng đào đất chôn cháu bé thì sẽ phải chịu thêm tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm p, khoản 1 Điều 52 BLHS "Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm"
Theo thông tin ban đầu, đối tượng vừa sinh con được 1 tháng tuổi nên cần xem xét đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội có bị ảnh hưởng bệnh trầm cảm sau sinh hay không để xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Nếu có căn cứ đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc trầm cảm sau sinh thì cần thiết trưng cần giám định năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Nếu kết quả giám định của Cơ quan chuyên môn kết luận đối tượng bị bệnh tâm thần hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt khi xét xử.
Mặt khác, theo Điều 40 BLHS quy định hình phạt Tử hình "Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi". Như vậy, nếu đối tượng có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì mức hình phạt cao nhất sẽ phải đối mặt đến tù Chung thân.