Giải đáp thắc mắc về khối tài sản khổng lồ của vị đại gia này, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với luật sư Ngô Việt Bắc (Đoàn luật sư TP.HCM, Trưởng văn phòng luật sư Sài Gòn – Tây Nguyên).
Ngày 13/7, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố hai nghi phạm gây ra cái chết của gia đình đại gia Lê Văn Mỹ (SN 1967, ngụ huyện Chơn Thành, Bình Phước). Tội ác của những kẻ sát nhân “máu lạnh” rồi đây sẽ bị trừng trị thích đáng. Nhưng sau sự việc, dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến khối tài sản khổng lồ của đại gia xấu số này. Liệu còn ai, ngoài bé Na (con gái 18 tháng tuổi-PV) của ông Mỹ sẽ được quyền thừa kế? PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với luật sư Ngô Việt Bắc (Đoàn luật sư TP.HCM, Trưởng văn phòng luật sư Sài Gòn – Tây Nguyên) để giải đáp những khúc mắc trên.
Bé Na sẽ được giám hộ tài sản thừa kế
Do sự việc xảy ra đột ngột, nạn nhân chưa kịp để lại di chúc quyền thừa kế khối tài sản của mình. Vậy khối tài sản rất lớn của ông Mỹ sẽ được định đoạt như thế nào trong trường hợp này?
- Trường hợp vợ chồng ông Mỹ - bà Nga chưa kịp lập di chúc chỉ định người thừa kế thì tài sản của họ sẽ phải “định đoạt” theo quy định tại Bộ luật Dân sự, cụ thể đó là các quy định về “Thừa kế theo pháp luật”. Theo đó tại điểm a, khoản 1, Điều 675 BLDS quy định về “Những trường hợp thừa kế theo pháp luật” được áp dụng trong trường hợp người chết không có di chúc. Pháp luật Dân sự cũng đồng thời quy định, trong trường hợp người chết không có di chúc thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; (điểm a, khoản 1, Điều 676 BLDS) là những người sẽ được hưởng khối tài sản do người đã chết để lại. Đồng thời, những người cùng thuộc hàng thừa kế thứ nhất này, được hưởng phần di sản bằng nhau.
Vậy quyền lợi của bé Na trong trường hợp này được giải quyết cụ thể ra sao?
- Cháu Na là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của vợ chồng ông Mỹ và bà Nga. Em được hưởng một phần bằng ngang bằng với ông nội, bà nội và ông ngoại, bà ngoại. Tài sản em được thừa kế bên cạnh những tài tài sản hiện hữu như nhà, xe, trang sức, tiền, cổ phiếu, tiền gửi ở ngân hàng… Còn có các quyền khác như thừa kế quyền sử dụng đất hiện hữu, quyền sở hữu căn hộ được hình thành trong tương lai (nếu trước đó ông Mỹ và bà Nga có hợp đồng đặt mua); quyền thụ hưởng tiền bảo hiểm nhân thọ, tiền lãi phát sinh từ khoản tiền gửi ở ngân hàng (nếu có). Tuy nhiên để được hưởng thừa kế thì cháu Na cùng ông bà nội, ngoại (nếu họ còn sống) phải thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi tài sản do ông Mỹ và bà Nga để lại theo thứ tự ưu tiên thanh toán như (chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng còn thiếu, tiền công lao động, tiền thuế và các khoản nợ..) được quy định chi tiết tại Điều 683 BLDS.
Vấn đề đặt ra lúc này, đó là cháu Na mới 18 tháng tuổi. Nên theo quy định tại Điều 21 BLDS, cháu được Na được xem là người không có năng lực hành vi dân sự. Vì vậy, mọi giao dịch dân sự liên quan đến quyền lợi của cháu phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. Căn cứ theo khoản 2, Điều 141 BLDS người đại diện theo pháp luật “người giám hộ đối với người được giám hộ”. Trong trường hợp này, ông nội, bà nội và ông ngoại hoặc bà ngoại của cháu Na (nếu họ còn sống) trở thành người giám hộ đương nhiên cho cháu Na, theo khoản 2, Điều 61 BLDS. Trong trường hợp không còn ông bà nội ngoại thì bác, chú, cậu, cô, dì sẽ là người giám hộ cho cháu Na.
Luật sư Ngô Việt Bắc.
Công ty Quốc Anh vẫn có thể hoạt động
Công ty TNHH Quốc Anh sẽ tiếp tục hoạt động trở lại hay đóng cửa? Ai là người có quyền định đoạt số phận của công ty do ông Mỹ đại diện pháp luật, khi người chủ không còn?
- Công ty TNHH Quốc Anh hoạt động theo mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên, gồm có hai thành viên là ông Lê Văn Mỹ và em gái ông Mỹ. Công ty được thành lập năm 2009 theo Luật doanh nghiệp 2005. Do vậy, cơ cấu tổ chức của Công ty bao gồm có cả Hội đồng thành viên. Trong trường hợp này, khi ông Lê Văn Mỹ là người đại diện theo pháp luật, đồng thời là giám đốc công ty không còn, em gái ông Mỹ trở thành thành viên góp vốn duy nhất và cũng là thành viên HĐQT công ty. Phần vốn góp của ông Mỹ trong Công ty Quốc Anh được giải quyết theo pháp luật về thừa kế.
Trong trường hợp người thừa kế theo pháp luật của ông Mỹ chỉ còn duy nhất con gái ông Mỹ là bé Na (18 tháng tuổi) thì bé Na trở thành thành viên công ty. Tuy nhiên cháu bé mới 18 tháng tuổi, do vậy, các giao dịch sẽ được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật là người giám hộ. Việc xác định người giám hộ của bé Na căn cứ theo quy định tại Điều 61 Bộ luật dân sự 2005. Người giám hộ với tư cách là người đại diện theo pháp luật cho người được giám hộ có quyền quản lý tài sản của người được giám hộ (Điều 62 Bộ luật dân sự 2005 và Điều 141 Bộ luật dân sự).
Theo Khoản 5 điều 13 Luật doanh nghiệp 2015 thì “Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị giết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên,Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty”. Như vậy, thành viên HĐQT của Công ty chỉ còn lại em gái ông Mỹ nên có toàn quyền quyết định công ty Quốc Anh sẽ chấm dứt hoạt động hay tiếp tục hoạt động.
Những hợp đồng kinh tế, vay nợ giữa công ty TNHH Quốc Anh với các đối tác được giải quyết như thế nào?
- Trong trường hợp công ty Quốc Anh vẫn tiếp tục hoạt động thì các hợp đồng với các đối tác sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện như đã được ký kết và có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ đến hạn thông qua các quyết định, điều hành của người đại diện theo pháp luật mới của Công ty. Còn trong trường hợp doanh nghiệp tiến hành thủ tục giải thể hay phá sản thì cũng sẽ tiến hành thanh toán các khoản nợ, thanh lý các hợp đồng đã ký kết trong khả năng tài chính còn lại của Công ty Quốc Anh đối với đối tác.
Những công nhân làm việc trong công ty TNHH Quốc Anh cũng hoang mang không kém khi không rõ quyền lợi và tương lai của mình sẽ về đâu?
Tương tự như phân tích ở trên thì có hai trường hợp có thể xảy ra:
Trường hợp 1: Công ty Quốc Anh tiếp tục hoạt động với sự điều hành và quản lý của giám đốc mới thì quyền lợi của công nhân làm việc trong công ty vẫn được thực hiện đầy đủ. Trong trường hợp có cắt giảm lao động thì tùy vào tình hình sản xuất kinh doanh lúc đó rồi mới xem xét đến.
Trường hợp 2: Công ty Quốc Anh bị giải thể hoặc phá sản thì hợp đồng lao động của Công ty Quốc Anh và người lao động sẽ bị chấm dứt theo Điều 36 Bộ luật lao động 2012 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động“Khoản 7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”. Khi đó quyền lợi của người lao động sẽ được xem xét giải quyết trước khi doanh nghiệp tiến hành thủ tục giải thể.
Trách nhiệm của các bị can đối với gia đình bị hại? Theo luật sư Ngô Việt Bắc thì căn cứ Điều 307 BLDS quy định về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại và Điều 610 BLDS quy định chi tiết về Bồi thường thiệt hại trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm, thì cụ thể có 3 khoản mà bị can phải bồi thường cho gia đình bị hại. Thứ nhất: Chi phí hợp lý cho việc mai tángbao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung Thứ hai: Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu trước khi tính mạng ông Mỹ và bà Nga và con gái của ông bà bị xâm phạmhọ đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho người nào. Thì những người đang được cấp dưỡng đó được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng tương ứng,hợp lý căn cứ vào thu nhập và khả năng thực tế của bị can. Thứ ba: Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thức nhất (cụ thể là cha mẹ của ông Mỹ bà Nga và cháu bé 18 tháng tuổi). Mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường. Tất cả những khoản tiền nói trên, để được bồi thường thì phía gia đình bị hại phải có đơn yêu cầu cùng các chứng từ có liên quan để chứng minh cho yêu cầu đó của mình, gửi cho Tòa án có thẩm quyền xem xét. |